Tạm ứng ngân sách trả lương, đóng BHXH cho NLĐ có chủ doanh nghiệp bỏ trốn

24/01/2013 08:54 AM


(chinhphu.vn) - Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội vừa có công điện đề nghị các địa phương tạm ứng ngân sách địa phương để trả cho người lao động tại các doanh nghiệp có chủ doanh nghiệp bỏ trốn và bị nợ lượng nhưng không đủ điều kiện hưởng BHTN.


Theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, do tác động của suy giảm kinh tế nên nhiều doanh nghiệp giải thể, phá sản, ngừng hoạt động hoặc hoạt động khó khăn dẫn đến việc nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội làm ảnh hưởng đến đời sống của người lao động trong dịp Tết Nguyên đán đang tới gần. Trước tình hình trên, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan chức năng tập trung giải quyết các trường hợp doanh nghiệp bị giải thể, phá sản; ưu tiên giải quyết chế độ, quyền lợi của người lao động theo quy định của pháp luật.

Các địa phương cần rà soát, nắm tình hình nợ lương, nợ tiền tham gia BHXH đối với người lao động; chỉ đạo các cơ quan chức năng tổ chức các cuộc họp với chủ các doanh nghiệp, yêu cầu chủ doanh nghiệp tìm mọi biện pháp để có nguồn kinh phí chi trả tiền lương, phụ cấp, trợ cấp và đóng BHXH cho người lao động theo quy định. Đồng thời, thực hiện việc tạm ứng ngân sách địa phương để trả cho người lao động tại các doanh nghiệp có chủ doanh nghiệp bỏ trốn và bị nợ lượng nhưng không đủ điều kiện hưởng BHTN theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 1490/TTg-KGVX ngày 24/9/2012.

Bên cạnh đó, cần vận động các cơ quan, đoàn thể, doanh nghiệp quan tâm, chăm lo đời sống người lao động, nhất là số lao động ngoại tỉnh làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất do điều kiện kinh tế khó khăn không thể về quê ăn Tết; tùy theo khả năng ngân sách địa phương có biện pháp hỗ trợ thiết thực cho người lao động trong các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh khó khăn trong dịp Tết Nguyên đán.

Cả nước nợ hơn 70 tỷ đồng tiền lương

Theo báo cáo về tình hình lương của 63 tỉnh, thành phố, có 27 tỉnh báo cáo đang có tình trạng nợ lương. Tổng cộng có 103 doanh nghiệp đang nợ lương; trong đó có 8 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, 16 doanh nghiệp có cổ phần, góp vốn của nhà nước, 77 doanh nghiệp dân doanh, 2 doanh nghiệp FDI. Cả nước có hơn 10.000 lao động đang bị nợ lương. Tổng số tiền nợ lương hiện nay lên tới hơn 70,7 tỷ đồng, doanh nghiệp nhà nước nợ 11,1 tỷ đồng, doanh nghiệp có vốn nhà nước nợ 8,9 tỷ đồng, doanh nghiệp dân doanh nợ 50,5 tỷ đồng, doanh nghiệp FDI nợ 179 triệu đồng. Đó là chưa kể, hiện vẫn còn hai thành phố lớn nhất cả nước là Hà Nội và TPHCM chưa có báo cáo tổng hợp về tình trạng nợ lương, nợ BHXH.