Năm 2050, 24 triệu đứa trẻ đói kém vì biến đổi khí hậu

10/05/2013 09:22 AM


Theo dự báo, đến năm 2050, do thay đổi khí hậu và tình hình thời tiết bất thường sẽ khiến 24 triệu đứa trẻ rơi vào tình cảnh đói kém.


Con kền kền đang chờ đợi thời cơ để săn mồi (bức ảnh làm chấn động thế giới của nhiếp ảnh gia Kevin Carter chụp tại Sudan năm 1993)

Năm 1972, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc chọn ngày 5/6 là ngày Môi trường thế giới. Mục đích nhằm ghi nhận những nỗ lực của công dân toàn cầu trong công tác bảo vệ môi trường ở cấp địa phương và cấp quốc gia. Cứ thế, cho đến tận bây giờ, ngày lễ này vẫn được tổ chức đều đặn với nhiều hoạt động phong phú. Năm 2013, chủ đề ngày Môi trường thế giới là Hãy nghĩ về môi trường trước khi tiêu thụ thực phẩm.

Bớt đi những mảnh đời đói khổ

Tác động của chất thải thực phẩm không chỉ là tài chính mà còn ảnh hưởng đến nhiều khía cạnh khác. Về mặt môi trường, chúng dẫn đến việc sử dụng lãng phí các chất hóa học như phân bón, thuốc trừ sâu, tốn nhiều nhiên liệu hơn cho việc vận chuyển. Hơn nữa, thực phẩm hỏng tạo ra nhiều mê-tan, đây là một trong những loại khí gây hiệu ứng nhà kính, nguy hiểm gấp 23 lần so với CO2. Lượng lớn thức ăn mang tới bãi rác cũng góp phần đáng kể vào việc nóng lên của Trái đất. Chúng ta hãy điểm qua một vài số liệu từ Tổ chức Lương nông Thế giới (FAO) cung cấp: Khoảng một phần ba thực phẩm sản xuất trên thế giới cho người tiêu dùng hằng năm (khoảng 1,3 tỉ tấn) bị mất hoặc bị lãng phí. Mỗi năm người tiêu dùng ở các nước giàu lãng phí thực phẩm (222 triệu tấn) nhiều gần bằng toàn bộ mạng lưới sản xuất lương thực của châu Phi, cận Sahara. Số lượng thực phẩm bị mất hoặc lãng phí mỗi năm tương đương với hơn một nửa số cây trồng ngũ cốc của thế giới hằng năm. Thực phẩm mất mát xảy ra chủ yếu ở các giai đoạn sản xuất, thu hoạch, chế biến, phân phối. Trong khi đó sự lãng phí thường diễn ra tại các nhà bán lẻ và tiêu dùng thực phẩm. Như thế, với lượng thức ăn lãng phí ấy, chúng ta có thể cứu hàng triệu mảnh đời đói khổ.

Chị Chindo Khady (thuộc dải Sahel, Tây Phi) ẵm con trai trong vòng tay mà lòng nhói đau khi phải chứng kiến cảnh đứa bé vật vã vì suy dinh dưỡng. Với thân thể gầy gò chỉ da với xương, em cố gắng tìm kiếm chút hơi thở cuối cùng. Trước đó, hai đứa con chị cũng đã chết vì lý do này trong đợt hạn hán ở Tây Phi. Bazam Adizetta, 44 tuổi, chia sẻ rằng chị và những đứa con mình đã không ăn gì trong suốt sáu ngày qua: “Chúng tôi chẳng có gì, tôi không biết làm thế nào để có thể sống sót. Những đứa con tôi ốm nặng, gầy đói và tình trạng đang trở nên nặng hơn. Thỉnh thoảng những người hàng xóm tốt bụng cho chúng tôi thức ăn nhưng bản thân họ cũng chẳng có gì... Dòng sông gần ngôi làng sẽ khô hạn trong vòng vài tuần tới, cây trồng đã chết hết cả. Chúng tôi sẽ không ăn gì trong ngày hôm nay. Hy vọng duy nhất của tôi, của cả tương lai tôi là bán được bốn con gà để có thực phẩm trong vài tuần tới”.

Hãy thay đổi chính mình

Hằng ngày trên các phương tiện truyền thông vẫn truyền tải nhiều hình ảnh về những người nghèo đói phải tìm kiếm miếng ăn để sống qua ngày. Nhìn cảnh tượng ấy mấy ai trong chúng ta không khỏi nhói lòng. Cùng là kiếp sống con người với nhau nhưng dù thế nào đi chăng nữa chúng ta vẫn may mắn hơn họ rất nhiều. Vì vậy:

+ Hãy tự nhận thức, thay đổi thói quen tiêu dùng để cải thiện chất lượng sống. Chẳng hạn như hãy lên danh sách thực phẩm cần mua sắm, tránh mua theo cảm tính; sử dụng các loại rau quả chất lượng được sản xuất tại địa phương để tiết kiệm chi phí vận chuyển; tận dụng các loại thức ăn thừa trong tủ lạnh; bảo quản thực phẩm đúng cách. Khi đi ăn hoặc nấu nướng ở nhà, bạn hãy nhớ yêu cầu lượng đồ ăn vừa đủ; ủ phân hữu cơ từ thức ăn thừa có thể làm giảm phát thải nhà kính, tái chế chất dinh dưỡng bổ sung cho cây trồng.

+ Chú ý đến nguyên tắc “trước - sau” như một quy luật trong nhà bếp, nấu những gì bạn mua trước tiên. Một điều quan trọng khác bạn cần nhớ là khi không sử dụng hết thực phẩm, hãy đem đến các cơ sở từ thiện. Ở đấy, họ có phương cách bảo quản tốt và sẽ gửi đến những người cần thức ăn.

+ Mỗi khi bỏ phí thức ăn, hãy nhớ đến những người phải nhịn đói mỗi ngày. Khi lãng phí nước hãy nhớ đến những đứa trẻ phải lặn lội hàng cây số để hứng từng giọt nước. Cuộc sống con người là rất ngắn ngủi, hãy chung sức với nhau cùng nâng niu, giúp đỡ những mảnh đời kém may mắn, để mọi người đều được hưởng hạnh phúc!

Nguồn KT&ĐT