BHYT rất cần cho người dân nhập cư

25/10/2013 07:10 AM


Có một bộ phận dân tứ xứ di cư tự do lên Hà Nội kiếm sống đang tồn tại ở những xóm rác, xóm chợ, lán trại công trình, kể cả lang thang cơ nhỡ... Họ tùng tiệm sống và cũng tùng tiệm cả từng đồng chăm sóc sức khỏe. TS Nguyễn Khắc Hiền - Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết: Đúng là chưa có chính sách y tế nào riêng cho các đối tượng này…


Chị Đặng Thị Thìn​ với nỗi lo về chăm sóc y tế cho bản thân ngày càng lớn

Đã bước vào tuổi 50, chị Đặng Thị Thìn may mà chưa phải tốn tiền đi viện bao giờ. Từ làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường (tỉnh Nam Định) chị theo chồng ra Hà Nội vật lộn kiếm sống bằng nghề đồng nát vài chục năm nay. Khỏe thì chớ, những lúc trái gió trở trời, mình mẩy đau nhức, chị chỉ dám đi khám qua loa ở Trạm Y tế phường Phúc Tân, nơi mình đang ở trọ. "Quan trọng là hạ được sốt. Hết sốt là tôi lại lao ra đường” - chị tâm sự. Thế ngộ nhỡ tới đây nhiều tuổi, bệnh nặng thì sao?”, "Thì phải vay mượn anh em, bà con đi viện rồi sau khỏe làm ăn trả dần” - gạt những giọt mồ hôi quện lẫn bụi bốc lên từ đống nilon đang được phân loại, chị nói. Không bao giờ được biết đến BHYT là gì, chị cũng không dám mơ đến loại hình chữa bệnh "cao cấp”.

Ngay như vợ chồng anh chủ quán đồng nát, đồng hương huyện Xuân Trường với chị, ở số nhà 521, đường Hồng Hà (Hà Nội) nơi ngày ngày chị vẫn qua lại nhập hàng, cũng vậy. Lấy nhau được 3 mặt con, từ năm 2001 đến nay, cả nhà anh Vũ Văn Huy không biết đến BV là gì. Mỗi lúc ốm đau, phần nhiều họ tự chữa cho nhau bằng vài ba viên kháng sinh học mót cách sử dụng từ mấy người hàng xóm. Nghiêm trọng hơn thì đến Trạm Y tế phường. Huy cười xòa nói: "Dường như cái bệnh nó thương bọn tôi hay sao ấy. Cho đến nay ơn trời chúng tôi vẫn chưa làm sao”.

Tôi bước vào căn phòng chừng hơn chục mét vuông vừa là kho chứa hàng đồng nát, vừa là nơi ở của 6 người trong gia đình nhà anh Huy. Có thể nói là họ đang ở trong đống rác. Mặc dù chủ nhà cãi lại rằng đây là rác "sạch”, sau phân loại, nhưng anh không sao giấu nổi được cái mùi đặc trưng của rác, cứ tự nhiên bốc ra. Biết đâu mầm bệnh phát ra từ đây, tôi lại hỏi họ như hỏi chị Thìn: Ngộ nhỡ sau này bệnh nặng thì sao? Câu trả lời của họ cũng "phải vay, phải đi viện, khỏi rồi phải đi làm trả nợ dần dần…”. Cả nhà anh chỉ có 4 đứa con đi học được hưởng lợi từ chính sách BHYT. "Là khi chúng còn đi học chứ không học nữa, biết thế nào?” - anh Huy băn khoăn. Hỏi sao không mua bảo hiểm ở quê theo chế độ chính sách, họ nói ráo hoảnh: Mai kia về già sẽ mua!

Lên đây, chấp nhận đánh bạc với đời chỉ để đổi lấy mấy triệu đồng mỗi tháng, chị Phùng Thị Hậu từ quê xã Yên Bình, huyện Vĩnh Tường (tỉnh Vĩnh Phúc) hơn 10 năm nay cũng lang thang làm nghề đồng nát mỗi bữa chỉ dám ăn cơm bình dân dưới 10 nghìn đồng. Chị cũng nơm nớp lo cái ngày chị không còn gượng mãi được cái sức tàn lực kiệt mà lê lết kiếm sống giữa đất Hà thành…

Xung quanh các mảnh đời này, TS Nguyễn Khắc Hiền - Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết: Đúng là chưa có chính sách y tế nào riêng cho các đối tượng nhập cư từ các tỉnh về Hà Nội có hoàn cảnh khó khăn như vậy. Nhưng, tại các cơ sở y tế, chúng tôi vẫn chỉ đạo áp dụng tối đa các chế độ chính sách cho họ. Ai có BHYT thì được hưởng theo quy định. Ai không có BHYT thì được hỗ trợ khó khăn tùy theo từng trường hợp, hoàn cảnh. Trong khi chưa có chế độ riêng cho họ, chúng tôi vẫn xác định con người là vốn quý, phải cứu chữa khỏi bệnh, bất luận họ là ai, có tiền hay không có tiền. Ông cho hay, hệ thống y tế dự phòng vẫn quan tâm, đặt họ trong số những đối tượng cần tuyên truyền phòng dịch và tệ nạn xã hội.

Theo Báo Đại đoàn kết