Thực hiện chính sách BHTN: Cần đơn giản thủ tục hành chính

25/10/2013 02:22 AM


Chiều ngày 21/10, tiếp tục kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XIII, các đại biểu Quốc hội đã nghe và thảo luận về Báo cáo của Ủy ban thường vụ Quốc hội giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật việc làm.


Đại biểu Đặng Ngọc Tùng cho rằng nên để BHXH cấp quận, huyện chi trả tiền BHTN (Ảnh: Báo NLĐ)

Dự thảo Luật việc làm đã được chỉnh lý theo hướng quy định cụ thể hơn, chia thành 4 mục theo từng nhóm chính sách, trong đó, tập trung vào 3 nhóm chính sách về tín dụng ưu đãi tạo việc làm, chính sách hỗ trợ chuyển dịch việc làm đối với người lao động ở khu vực nông thôn và chính sách việc làm công. Đồng thời, sửa đổi quy định về trung tâm dịch vụ việc làm cho phù hợp với quy định của Luật Lao động, xem xét việc mở rộng đối tượng tham gia BHTN phù hợp với thực tiễn và quy định cụ thể hơn về chính sách BHTN

So với dự thảo trình Quốc hội tại kỳ họp thứ năm, dự thảo Luật sau khi chỉnh lý gồm 7 chương, 63 điều, trong đó có 32 điều liên quan đến các chính sách thị trường lao động chủ động (bao gồm các chính sách: hỗ trợ tạo việc làm; thông tin thị trường lao động; đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề; tổ chức và hoạt động dịch vụ việc làm) và 19 điều về chính sách BHTN.

Sau khi lắng nghe Báo cáo của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, đã có 12 đại biểu nêu ý kiến thảo luận tại hội trường. Đa số các đại biểu đều cho rằng ý kiến đóng góp của của các đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 5 đã được Uỷ ban thường vụ Quốc hội và Ban soạn thảo tiếp thu đầy đủ.

Một số đại biểu nêu ý kiến về các nội dung liên quan đến chính sách hỗ trợ tạo việc làm; chính sách cho vay hỗ trợ lãi suất để chuyển đổi nghề; chính sách khuyến khích cơ sở tạo nhiều việc làm; quy định về việc cấp chứng chỉ nghề, quy định cấp phép hoạt động với tổ chức cấp chứng chỉ; tổ chức và hoạt động của dịch vụ việc làm…Liên quan đến chính sách BHTN (được quy định ở Chương VI) cũng nhận được sự quan tâm của nhiều đại biểu.

Đại biểu Phạm Đức Châu (Quảng Trị) cho rằng: để hưởng chế độ BHTN có rất nhiều thủ tục. Từ thủ tục đăng ký thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm, thủ tục nhận chế độ thất nghiệp, thủ tục thông báo về tìm kiếm việc làm. Tất cả thủ tục này nếu dồn vào trung tâm dịch việc làm do cơ quan quản lý thành lập chỉ có ở cấp tỉnh thì rất phiền phức đối với người lao động.

Đồng tính với ý kiến này, đại biểu Đặng Ngọc Tùng (Đồng Nai) nhấn mạnh: Ở Khoản 1, Điều 47 ở một tỉnh chỉ có một trung tâm xúc tiến việc làm thì làm sao giải quyết hết được. Có những lao động ở dưới địa phương đi lên đến trung tâm này đi cả trăm cây số đi về, mà trong Khoản 2, Điều 50 lại quy định hàng tháng phải lên trên này báo cáo đăng ký nữa. Cho nên tôi thống nhất với ý kiến đại biểu Châu ở Quảng trị là nên chăng toàn bộ việc này nên để cho BHXH, đặc biệt là BHXH ở cấp huyện, cấp quận người ta chi trả cho thuận lợi hoặc các trung tâm dịch vụ việc làm khác.

Đại biểu Lê Đắc Lâm (Bình Thuận) nêu ý kiến cần phải quy định về việc xử lý vi phạm trong thực hiện BHTN. Đại biểu này cho rằng: trong thực tế có nhiều trường hợp người sử dụng lao động, người lao động lạm dụng chế độ BHTN để hưởng lợi.

Về quy định đối tượng bắt buộc tham gia BHTN, được mở rộng bao gồm cả lao động ký hợp đồng từ 3 -12 tháng, nhiều đại biểu  biểu bày tỏ băn khoăn về tính khả thi khi thực hiện.

Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng nêu rõ: quy định về BHTN cần được phải thay đổi theo hướng tăng cường cải cách thủ tục hành chính một cách tích cực hơn, nhằm đảm bảo thuận lợi cho người lao động thất nghiệp hỗ trợ họ sớm tìm được việc làm quay trở lại thị trường lao động. Với các nội dung còn ý kiến khác nhau, cơ quan soạn thảo cần nghiêm túc tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội kịp thời rà soát, sớm hoàn thiện dự án Luật trình Quốc hội xem xét.

Theo dự kiến, Luật việc làm sẽ được Quốc hội thông qua vào ngày 16/11 ./.

Nguồn TC BHXH