Lương tối thiểu: Người lao động muốn tăng, doanh nghiệp muốn giảm

21/10/2013 09:49 AM


Giảm 5% tần suất tai nạn lao động hàng năm, đặc biệt trong các ngành, lĩnh vực có nguy cơ cao về tai nạn lao động; đảm bảo trên 80% người lao động được tập huấn về công tác an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ)… là mục tiêu mà UBND TP. Hà Nội đặt ra trong kế hoạch đảm bảo ATVSLĐ của thành phố năm 2014.


Quy định về an toàn lao động sẽ được siết chặt hơn

Đến nay, Hà Nội có tới 43/49 cụm công nghiệp (CCN), 63/177 điểm công nghiệp đã và đang xây dựng. Trong đó, 19 CCN đã hoàn thành hoặc cơ bản hoàn thành xây dựng hạ tầng kỹ thuật và đi vào hoạt động; 7 CCN đang triển khai xây dựng từng phần các hạng mục hạ tầng kỹ thuật và thu hút các nhà đầu tư thứ phát; 17 CCN mới đang thực hiện các bước chuẩn bị đầu tư; 6 CCN đang trong quá trình kêu gọi đầu tư; 22 điểm công nghiệp đã hoàn thành hoặc cơ bản hoàn thành xây dựng hạ tầng kỹ thuật, đã giao đất cho các hộ sản xuất làng nghề xây dựng nhà xưởng; 41 điểm đang hoàn thiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư, giải phóng mặt bằng hoặc bắt đầu triển khai xây dựng hạ tầng kỹ thuật.

Việc phát triển nhanh các khu công nghiệp, CCN đã tạo ra nhiều công ăn việc làm cho người lao động, tăng năng suất lao động cho thành phố. Tuy nhiên, việc phát triển nhanh các CCN trong điều kiện nhiều nơi chưa được đầu tư, trang bị hệ thống đảm bảo ATVSLĐ đã dẫn đến tình trạng nhiều người lao động phải làm việc trong môi trường không tốt, số vụ tai nạn lao động xảy ra ngày càng tăng.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc, kế hoạch đảm bảo ATVSLĐ trong năm 2014 của thành phố sẽ giúp tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, huấn luyện ATVSLĐ để nâng cao nhận thức cho người sử dụng lao động và người lao động. Đồng thời cải thiện điều kiện, môi trường lao động, tạo điều kiện để ngày càng có nhiều người lao động được làm việc trong môi trường đảm bảo ATVSLĐ.…

Để các kế hoạch về ATVSLĐ của thành phố đạt được kết quả cao thì kế hoạch thực hiện trong năm 2014 sẽ được chia làm 6 dự án bao gồm: Nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý nhà nước về ATVSLĐ; Cải thiện điều kiện lao động trong các doanh nghiệp, giảm thiểu tai nạn lao động trong lĩnh vực khai thác, chế biến và sản xuất vật liệu xây dựng, xây dựng, quản lý, vận hành, sửa chữa điện; Tăng cường công tác phòng ngừa tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp trong sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và ngành nghề nông thôn; Nâng cao chất lượng công tác ATVSLĐ trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ, làng nghề; Tăng cường phòng chống bệnh nghề nghiệp và chăm sóc sức khỏe người lao động; Thông tin, tuyên truyền, huấn luyện, tổ chức hội nghị, hội thảo, hỗ trợ đột xuất cho nạn nhân bị chết, bị thương do tai nạn lao động, cháy nổ, tổ chức Tuần lễ quốc gia về ATVSLĐ, phòng chống cháy nổ.

Theo kế hoạch, Sở Thông tin và Truyền thông sẽ phối hợp với Sở Lao động Thương binh và Xã hội cùng các cơ quan chức năng tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến pháp luật về ATVSLĐ, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện công tác ATVSLĐ đối với các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố.Bà Đỗ Thị Thúy Nguyệt, Phó Cục trưởng Cục An toàn lao động cho biết: Để các mục tiêu hoàn thành tốt thì vấn đề thông tin, tuyên truyền ATVSLĐ là hết sức quan trọng và cần thiết. Thông qua hoạt động thông tin, tuyên truyền sẽ tác động trực tiếp đến con người, chủ thể của hoạt động lao động, tạo nên động lực mạnh mẽ, chủ động thúc đẩy các hành động tốt, đúng đắn để đảm bảo cho công tác ATVSLĐ đạt hiệu quả cao./.

Theo Báo Kinh tế Việt Nam