Tiêu chuẩn nào để hành nghề bác sỹ gia đình?

16/10/2013 09:25 AM


Theo Dự thảo Thông tư Hướng dẫn thí điểm về bác sỹ gia đình (BSGĐ) và phòng khám BSGĐ do Bộ Y tế vừa công bố, muốn hành nghề BSGĐ phải có bằng tốt nghiệp bác sỹ đa khoa và một trong các văn bằng chuyên khoa cấp I, chuyên khoa cấp II, thạc sỹ, tiến sỹ chuyên ngành y học gia đình.


Bên cạnh đó muốn hành nghề BSGĐ còn phải có văn bản xác nhận quá trình thực hành khám bệnh, chữa bệnh chuyên ngành y học gia đình có thời gian 18 tháng tại bệnh viện đa khoa; có giấy chứng nhận đủ sức khỏe để hành nghề khám bệnh, chữa bệnh.

Đối với người có bằng bác sỹ chuyên khoa cấp I, chuyên khoa cấp II về chuyên ngành y học gia đình thì thời gian đào tạo được tính là thời gian thực hành. Bệnh viện nơi người đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề BSGĐ đã thực hành hoặc được đào tạo thực hành chuyên khoa cấp I, chuyên khoa cấp II có trách nhiệm cấp giấy xác nhận quá trình thực hành cho người đó.

Dự thảo Thông tư cũng quy định, giá của dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh BHYT, áp dụng theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế. Người có thẻ BHYT sử dụng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu được quỹ BHYT thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh theo mức quy định của pháp luật về BHYT, phần chệnh lệch giữa chi phí khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu và mức thanh toán của quỹ BHYT do người bệnh tự thanh toán cho phòng khám;

Đối với dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không có BHYT, Phòng khám bác sỹ gia đình của Nhà nước áp dụng giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; Phòng khám BSGĐ tư nhân được quyền quyết định và phải niêm yết công khai giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh.

Theo Báo Hải quan