Thiếu thầy thuốc cho người tâm thần

10/10/2013 08:44 AM


Bệnh tâm thần có xu hướng gia tăng trong xã hội hiện đại. Để có đủ thầy thuốc chăm sóc điều trị bệnh tâm thần, lần đầu tiên ngành học này được miễn học phí tại các cơ sở đào tạo từ năm học 2013 - 2014. Đáng ra động thái này cần thực hiện sớm hơn khi các BV tâm thần từ lâu đã thiếu nhân lực trầm trọng.


Điều trị cho bệnh nhân tâm thần

Mơ hồ về bệnh

Có sức khỏe tâm thần là có được một trạng thái tâm thần hoàn toàn thoải mái, không có rối loạn hay dị tật tâm thần. Song hiện sức khỏe tâm thần được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) xếp hạng thứ 4 trong các vấn đề sức khỏe, cứ 4 người có 1 người sẽ có một hay nhiều rối loạn tâm thần hoặc hành vi trong suốt cuộc đời. Dự kiến đến năm 2020 sức khỏe tâm thần sẽ được xếp hạng thứ 2 sau các bệnh về tim mạch.

Sức khỏe tâm thần tốt là khi tâm lý mỗi người có khả năng hoạt động hoàn toàn hợp lý, có hiệu quả. Đương đầu một cách mềm dẻo trước những tình huống khó khăn mà vẫn có thể tìm lại được sự cân bằng của mình.

Ở ta, ngoài tâm thần do nghiện chất, một số bệnh tâm thần có xu hướng tăng ở người cao tuổi như trầm cảm, mất trí, các rối loạn liên quan đến stress. Ở mảng tâm thần trẻ em, hiện nhiều BV chưa có cơ sở để giải quyết như bệnh tự kỷ, rối loạn hành vi, tật chứng về phát ngôn… Do hiểu mơ hồ về căn bệnh này nên xã hội vẫn rất kỳ thị với những người không may mắc bệnh. Điều này ảnh hưởng tới việc phát hiện, chữa trị bệnh, cả việc ít người chọn theo học ngành tâm thần.

BV Tâm thần Hà Nội là BV chuyên khoa hạng 1, đầu ngành tâm thần của Thủ đô, trung bình mỗi năm điều trị ngoại trú cho gần 20.000 bệnh nhân  (BN) tại cộng đồng, điều trị nội trú cho khoảng 3.500 BN, nhưng đang rất thiếu nhân lực. Hiện chỉ có 38 BS, thiếu khoảng 30 người.

"Trước đây ĐH Y có đào tạo chuyên khoa tâm thần nên có sinh viên tốt nghiệp nhưng nay trường toàn đào tạo đa khoa, cho nên BS chuyên khoa tâm thần rất thiếu. Từng có một vài BS do phân công ngay từ trường nên ra trường có về song chỉ ở BV được vài tháng họ xin đi vì lương không đủ sống. Dù được phép tuyển BS ngoại tỉnh nhưng 5 năm nay không tuyển được người nào” - Giám đốc BV Tâm thần Hà Nội Lý Trần Tình cho biết.

BV tâm thần tuyến tỉnh thiếu BS còn trầm trọng đành sử dụng y sĩ khám, chữa bệnh. Như vậy làm sao có hiệu quả. Nhiều BS từ lúc tốt nghiệp đa khoa không hề được đào tạo chuyên sâu về tâm thần nên chính họ cũng không hiểu nhiều về bệnh này. Các điều dưỡng viên cũng vậy, làm sao có thể mong họ chữa khỏi và chống tái phát bệnh tâm thần? Cứ thế xã hội tiếp tục định kiến tâm thần là bệnh nan y, chỉ người bệnh chấp nhận thiệt thòi.

Hiểu đúng để chữa tốt

Theo các chuyên gia, tâm thần là tên gọi chung của 300 mã bệnh liên quan đến các bệnh lý về thần kinh của con người, trong đó tâm thần phân liệt đáng chú ý nhất bởi đây là thể nặng nhất. Người mắc thường bị hoang tưởng, ảo giác, kích động..., nếu không có biện pháp quản lý, điều trị thì mức độ nguy hiểm cho gia đình, xã hội rất lớn. Hầu hết các bệnh tâm thần đã được chứng minh là do rối loạn về gien di truyền. Như vậy về bản chất, bệnh tâm thần cũng giống với bệnh nội tiết.

Hiện đại đa số bệnh tâm thần có thể chữa khỏi hoặc ổn định lâu dài, song tại nhiều nơi bệnh tâm thần không được coi là một bệnh lý mà bị xem như khiếm khuyết trong tính cách, đó là một sai lầm. Vấn đề là phải đủ nguồn nhân lực để tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về bệnh tâm thần và nâng chất lượng sức khỏe tâm thần cho nhân dân từ việc lồng ghép vào hoạt động của trạm y tế xã, phường tới củng cố mạng lưới cán bộ chuyên khoa tâm thần Trung tâm Y tế quận, huyện.

Nghị định 74 của Chính phủ có hiệu lực từ tháng 9 vừa qua đã bổ sung một số đối tượng sinh viên theo học các ngành đặc biệt như tâm thần, lao, phong được miễn học phí. Đây cũng là nội dung của Đề án "Khuyến khích đào tạo và phát triển nhân lực y tế các chuyên ngành lao, phong, tâm thần, pháp y và giải phẫu bệnh giai đoạn 2013 - 2020” do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt mới đây.

Bên cạnh các chính sách đối với người học, Đề án có những ưu tiên với người dạy, như hưởng chế độ phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo và chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề như người làm trực tiếp các chuyên ngành trên. Quan trọng là những người theo học ngành tâm thần phải cam kết sẽ theo ngành nghề này khi ra trường. Nếu không sẽ lãng phí nguồn lực đầu tư mà BS, điều dưỡng viên tâm thần thiếu vẫn hoàn thiếu.

Sức khỏe tâm thần và sức khỏe xã hội quan hệ mật thiết với nhau, các chuyên gia tâm thần vẫn lưu ý báo chí khi có các vấn đề về bệnh tâm thần không nên hỏi ý kiến của các nhà xã hội học, tâm lý học không phải là tâm lý y học chuyên ngành tâm thần, để công chúng không phải nhận những lời giải đáp sai có thể dẫn tới các định kiến...

Theo Báo Đại đoàn kết