Bệnh viện xiên xẹo công tư

08/05/2014 03:20 AM


Nếu không có kết quả giám sát mới đây của Thường trực HĐND TP Hà Nội về thực hiện xã hội hóa (XHH) trong các bệnh viện (BV) công của Hà Nội từ 2009 đến nay, khó có thể hình dung số giường điều trị "theo yêu cầu” đặt tại BV công ở HN lại "lấn lướt” lắm thế.


BV quá tải đến bao giờ?

Gần 770 giường "dịch vụ” tại 8 BV công của HN là Ung Bướu, Việt Nam - Cu Ba, Vân Đình, Hà Đông, Đống Đa, Đức Giang, Thanh Nhàn, Phụ sản Hà Nội. Không chỉ ở BV của HN, nhiều người đã rất bức xúc vì giữa lúc dịch sởi hoành hành, các BV tuyến T.Ư quá tải nghiêm trọng, trẻ em thở máy nằm ghép 3,4 cháu/giường, nhưng những khu vực "theo yêu cầu” vẫn thênh thang.

Lãnh đạo Bộ Y tế có khi nào đặt câu hỏi tại sao, Thủ tướng Chính phủ đầu năm 2013 đã phê duyệt Đề án giảm quá tải BV giai đoạn 2013 – 2020 mà nay quá tải vẫn trầm kha? Cả khi Bộ có lệnh siết chặt chuyển tuyến, bất chấp Luật Khám bệnh, chữa bệnh, cho phép người bệnh có toàn quyền quyết định cơ sở y tế điều trị, BV vẫn quá tải? Một nguyên nhân nhức nhối lâu nay ngành y tế "vờ như không biết” chính là tình trạng XHH xiên xẹo, biến một phần BV công thành BV tư. Căn bệnh quá tải BV công vì thế không tài nào chữa nổi.

Với cơ chế tự chủ tài chính, XHH y tế trong các BV công, khu vực "tự nguyện” khám bệnh theo yêu cầu, khám dịch vụ đã trở thành "sân sau” của chính những BV công, có thể dẫn đến tiêu cực, sử dụng cơ sở vật chất và nhân lực công cho các hoạt động tư - Thứ trưởng Bộ Y tế PGS.TS.Phạm Lê Tuấn khi còn làm Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính tại một hội nghị từng bày tỏ lo ngại.

Tuần này, qua kết quả 2 đoàn giám sát của Thường trực HĐND TP Hà Nội, lý do quá tải do chính các BV công gây nên chính thức bị bung ra, phơi bày thiệt thòi to lớn của người bệnh, lộ rõ sự buông lỏng quản lý nhà nước về y tế của nhiều cấp; và đặc biệt tự chủ tài chính trong BV thiếu minh bạch, nhập nhèm công tư thật đáng thất vọng. Việc mỗi phòng dịch vụ chỉ kê 1 đến 2 giường, trong khi các phòng khác giường được kê dày thêm đã làm gia tăng tình trạng quá tải tại các BV công.

Tại BV Thanh Nhàn, ngoài 540 giường bệnh trong kế hoạch được TP giao, đơn vị kê thêm gần 250 giường dịch vụ; BV Ung Bướu HN kê thêm 167 giường, BV Phụ Sản HN thêm 290 giường, BV Đức Giang thêm 140 giường... GĐ Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền lý giải việc BV tăng thêm giường bệnh, phòng khám dịch vụ là đáp ứng nhu cầu người dân, sau khi đảm bảo yêu cầu hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn. Nhưng Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP Nguyễn Văn Nam thẳng thắn hỏi: "5 mét vuông cho một giường, kê dày lên chỉ còn là 2 mét vuông một giường, thì đấy có phải là hoàn thành nhiệm vụ không?”.

Người dân ai cũng biết rằng khu KCB dịch vụ chắc chắn "chiếm giường” của BV công, nếu ai đó nói "không đâu” thì chắc là không ai nghe được. Nhưng các kiến nghị yêu cầu xử lý các biến tướng của XHH y tế đã không được ngành y tế và các cơ quan chức năng giám sát, xử lý kịp thời. BV công được đà tự chủ tài chính chỉ chạy theo doanh thu để lạm dụng chỉ định các dịch vụ, để kê thêm giường bệnh kiếm nguồn thu "càng nhiều càng ít”.

Lẽ ra cơ sở vật chất thực hiện XHH phải không liên quan đến BV, kể cả nguồn nhân lực, đúng như quy định tại Thông tư 15/2007 của Bộ Y tế hướng dẫn quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng tài sản để liên doanh, liên kết làm dịch vụ tại các cơ sở y tế công lập, nhưng BV công lại xiên xẹo công tư quá lộ, khi dành diện tích đáng kể tại các buồng bệnh được đầu tư bằng ngân sách nhà nước để kê giường điều trị "theo yêu cầu”.

Dù là BV công trung ương hay địa phương, việc bất chấp tình trạng quá tải giường điều trị để dành phòng tốt điều trị "theo yêu cầu” phải được xem như hành vi tham nhũng tài sản tập thể công khai, kéo dài…, làm tăng quá tải các BV, gây hậu họa nhiều mặt. Gần đây nhất BV Nhi TW kêu trời về tình trạng quá tải dẫn đến lây chéo.

XHH chỉ nên là giai đoạn nhất thời, dần dần nên có cơ chế tách bạch để người bệnh không bị phân biệt đối xử ngay trong một môi trường là BV công - TS Dương Huy Liệu, Chủ tịch Hội Khoa học kinh tế y tế VN từng nhìn nhận về giải pháp để tránh nguy cơ bệnh viện BV công bị… "tư nhân hóa” khi chạy theo mục tiêu XHH.

Cả nước hiện đã đủ BV tư giúp người bệnh có khả năng chi trả, tiếp cận dịch vụ tốt hơn BV công, và đặc biệt giảm thời gian chờ đợi, không phải lo khoản "phí ngầm”. BV công không nên vơ vét thêm số người bệnh này, làm quá tải BV triền miên, gây bức xúc cho cả XH và tăng thêm cái chết oan nghiệt cho trẻ nhỏ.

Bộ Y tế cần khảo sát, sớm công bố công khai số giường điều trị công tư nhập nhèm như HN vừa khảo sát, đánh giá hết mức độ XHH y tế bị xiên xẹo, để mục tiêu giảm tải của ngành y tế không phải khẩu hiệu suông, đỡ tốn công sức tiền của của Nhà nước cho các Đề án BV vệ tinh giảm tải.

Tự chủ tài chính và XHH trong BV công nhập nhèm như lâu nay chính là nguyên nhân khiến quá tải BV kéo dài và hơn thế, đẩy các hộ gia đình cận nghèo và nghèo xuống bẫy thảm họa do chi trả y tế.

Theo Báo Đại đoàn kết