Không bám mãi mác lao động 'giá rẻ'

11/06/2014 02:42 AM


Đã đến lúc VN cần chấm dứt xem lao động giá rẻ là một lợi thế thu hút đầu tư và nên tập trung tối đa nâng cao chất lượng nguồn lao động vẫn còn đang tụt hậu rất xa.


Cần chấm dứt lao động giá rẻ

Các doanh nghiệp (DN) đầu tư nước ngoài (FDI) vẫn cam kết tiếp tục ở lại VN, gần một tháng sau khi bị một số người manh động phá hoại tài sản ở Bình Dương, Hà Tĩnh. Nguyên nhân chủ yếu khiến các DN này tiếp tục đặt niềm tin vào VN chính là cam kết đảm bảo an ninh, an toàn tuyệt đối cho các nhà đầu tư làm ăn tại đây, như Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã khẳng định ngày 5.6: “Hệ thống chính trị của VN hoàn toàn đủ sức để làm điều đó”. Một nguyên nhân quan trọng khác, như các DN FDI nhiều lần công nhận, chính là nguồn nhân công rẻ tại đây.

Tuy vậy, chính trong bối cảnh kinh tế thế giới và VN hiện nay, các chuyên gia cho rằng đến lúc VN cần mạnh dạn chấm dứt xem lao động rẻ là yếu tố mấu chốt để thu hút đầu tư nước ngoài về lâu dài. Theo các chuyên gia, để thực sự tạo ra môi trường đầu tư bền vững và là điểm đến hấp dẫn, VN bắt buộc phải nâng chất nguồn nhân lực phù hợp với yêu cầu sáng tạo và đổi mới ngày càng cao của tình hình kinh tế hiện nay.

Tiến sĩ Thomas Jandl, một chuyên gia về kinh tế VN tại ĐH American (Mỹ), nhận định vớiThanh Niên: “Nếu tiếp tục chỉ dựa vào lao động rẻ để thu hút đầu tư, không sớm thì muộn VN cũng sẽ bị tác động của bẫy thu nhập trung bình. Tức là, khi đó, môi trường đầu tư của VN sẽ mắc kẹt trong những ngành nghề tạo ra việc làm đơn giản thô sơ, trong khi không nâng cao được năng suất lao động và do vậy, sẽ chẳng nâng cao được thu nhập và chất lượng cuộc sống người dân”. Đồng quan điểm trên, Giáo sư Ian Coxhead, ĐH Wisconsin-Madison (Mỹ), nói: “Mang lợi thế nhân công rẻ ra cạnh tranh là một chiến thuật mạo hiểm đối với một quốc gia đang phát triển. Vấn đề quan trọng nhất đối với VN lúc này là phải nâng chất lực lượng lao động. Nếu không, VN cũng sẽ sớm muộn gặp phải vấn đề Thái Lan mắc phải vào giữa thập niên 1990”.

Theo Giáo sư Coxhead, năm 1995 không đến phân nửa học sinh Thái hoàn tất trung học. Chính việc thiếu các kỹ năng, kiến thức cần thiết đã khiến các ngành công nghiệp nước này rất khó khăn trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm và trình độ công nghệ. Cuộc khủng hoảng tài chính giai đoạn 1997 - 1998 ở Thái Lan có nguyên nhân sâu xa bắt nguồn từ việc thiếu chuẩn bị trong giáo dục, đào tạo một lực lượng lao động đủ trình độ đáp ứng yêu cầu của một nền kinh tế tiên tiến.

Hiệu quả giáo dục đào tạo thấp

Một nghiên cứu của Công ty tư vấn lao động McKinsey cho thấy ngay cả nếu xem lao động rẻ như một lợi thế, điều này cũng sẽ chẳng kéo dài vì dân số VN hiện đang già đi nhanh. Đó là chưa kể hiện nay hiệu quả giáo dục đào tạo của VN vẫn đang vô cùng thấp so với các nước trong khu vực.

Nghiên cứu của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) công bố năm 2013 cho thấy năng suất lao động của VN thuộc nhóm thấp nhất ở châu Á - Thái Bình Dương (những nơi có thể thu thập số liệu) - thấp hơn Singapore gần 15 lần, Nhật 11 lần và Hàn Quốc 10 lần. Ngay cả so với các nước láng giềng ASEAN có mức thu nhập trung bình, đó vẫn là một khoảng cách lớn. Chẳng hạn, năng suất lao động của VN chỉ bằng 1/5 Malaysia và 2/5 Thái Lan.

Cũng theo ILO, một xu hướng đáng chú ý là tốc độ tăng của năng suất lao động giảm đi tại VN. Trong giai đoạn 2002 - 2007, năng suất lao động tăng trung bình 5,2% mỗi năm - mức cao nhất trong khu vực. Tuy nhiên, kể từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008, tốc độ tăng năng suất trung bình hằng năm của VN chậm lại, chỉ còn 3,3%. Các nghiên cứu gần đây cho thấy tỷ lệ các công ty nước ngoài khẳng định phải đào tạo lại đội ngũ nguồn nhân lực nội địa luôn ở mức từ 40% đến 50%. Các DN này cho biết chính việc thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao là lý do lớn nhất khiến họ không thể đầu tư tối đa ở VN hay tệ hơn nữa là chọn một thị trường khác trong khu vực.

Tiến sĩ Jandl nhận định: “Trong bất cứ quy trình sản xuất hiện đại nào, mỗi công nhân đều phải có khả năng tư duy để giải quyết những vấn đề phát sinh bất cứ lúc nào. Và điều đó đòi hỏi rất nhiều tư duy độc lập, sáng tạo. Đây chính là điểm hệ thống giáo dục VN còn khiếm khuyết. Và khi nào điều này chưa được giải quyết, các công ty nước ngoài, dù có đầu tư ồ ạt vào VN, cũng sẽ chẳng bao giờ mang những công nghệ cao hay công việc được coi là “cao cấp” vào VN. Vì thế, VN sẽ mãi chỉ là sân sau trong quy trình sản xuất của các DN FDI nếu không triệt để thay đổi và cải cách hệ thống giáo dục. Nhân công rẻ chỉ có tác dụng trước mắt và không bao giờ nên đặt cược vào nó cho tương lai”.

Theo Báo Thanh niên