Quốc hội thảo luận về Dự án Luật BHXH (sửa đổi)

17/06/2014 08:54 AM


Tiếp tục kỳ họp thứ 7 Quốc hội Khóa XIII, chiều ngày 16/6/2014, sau khi bỏ phiếu tán thành thông qua Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, các đại biểu Quốc hội cho ý kiến thảo luận tại hội trường về Dự án Luật BHXH (sửa đổi).


Đại biểu Tôn Thị Ngọc Hạnh (Đắk Nông) phát biểu ý kiến thảo luận tại hội trường

Đã có 16 đại biểu Quốc hội phát biểu thảo luận tại hội trường. Đa số các ý kiến đều nhất trí với sự cần thiết về việc sửa đổi Luật BHXH, khẳng định đây là bước thể chế hóa quan điểm của Đảng, các quy định của Hiến pháp về quyền được bảo đảm An sinh xã hội của công dân, khắc phục những bất cập trong luật hiện hành, dần hoàn thiện hệ thống pháp luật về An sinh xã hội.

Nhiều nội dung của Dự thảo Luật cũng nhận được sự đồng thuận của các đại biểu Quốc hội như: mở rộng đối tượng, sửa đổi bổ sung các chế độ bảo hiểm, ốm đau, thai sản, tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp, các chính sách bảo hiểm hưu trí hàng tháng…

Về thẩm quyền của BHXH Việt Nam, đa số các ý kiến phát biểu nhất trí về việc cần phải khẳng định BHXH Việt Nam là cơ quan trực thuộc Chính phủ, bổ sung quy định về quyền thanh tra của BHXH Việt Nam. Đại biểu Lê Thành Nhơn (Bình Dương) nêu ý kiến: BHXH là một tổ chức tài chính, làm nhiệm vụ thu, chi và tăng trưởng quỹ cho mấy chục triệu người lao động. Đây là cơ quan thuộc Chính phủ, không đơn thuần là một tổ chức sự nghiệp. Do đó, đề nghị quy định cơ quan BHXH được quyền thanh tra. Đại biểu Tôn Thị Ngọc Hạnh (Đắk Nông) phân tích: từ nhiều năm nay trên nhiều phương tiện thông tin và cũng như trong báo cáo của Ngành BHXH cho thấy có tình trạng trốn đóng, nợ đọng BHXH với xu hướng ngày càng tăng, số nợ tiền rất lớn. Do đó, cần phải có giải pháp mạnh hơn đảm bảo tuân thủ pháp luật, đảm bảo quyền lợi của người lao động. Với đội ngũ thanh tra hiện có, ngành LĐ-TB&XH rất khó đủ khả năng để đảm bảo công tác thanh tra, xử phạt vi phạm đối với doanh nghiệp nợ đọng BHXH. Vì vậy, đề nghị tăng thẩm quyền, giao chức năng thanh tra và xử phạt các trường hợp vi phạm pháp luật cho cơ quan BHXH.

Nhiều ý kiến thảo luận cũng đề cập đến việc tăng cường xử lý những vi phạm nợ đọng, trốn đóng BHXH bảo vệ quyền lợi của người lao động. Đại biểu Vũ Xuân Trường (Nam Định) cho rằng: các cá nhân, tổ chức mà cố tình chây ì, chậm nộp, kể cả những vi phạm trong quản lí  phải cần xử lí bằng các biện pháp nghiêm minh như đối với các hành vi trốn thuế, lậu thuế và áp dụng các mức phạt, mức lãi suất truy thu, cuỡng chế thu và cao nhất là có thể bằng các biện pháp hình sự. Đại biểu Nguyễn Quang Cường (TP Hải Phòng) đề nghị bổ sung vào Bộ Luật hình sự (sửa đổi) đang được Chính phủ chuẩn bị trình Quốc hội tội danh chiếm dụng tiền đóng BHXH, BHYT, nhằm ngăn ngừa tình trạng trốn đóng hoặc chiếm dụng tiền đóng BHXH, BHYT của người sử dụng lao động có xu hướng gia tăng như hiện nay.

Chi phí quản lý BHXH là vấn đề được các đại biểu Quốc hội quan tâm tại buổi thảo luận. Đại biểu Nguyễn Thị Thanh (Ninh Bình) nêu thực tế: việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý đối tượng, thanh quyết toán chế độ BHXH, BHTN, chi phí khám chữa bệnh BHYT ở nước ta còn rất hạn chế. Các nước có điều kiện như chúng ta đã mã hóa các tiêu chí, đối tượng thông qua thẻ điện tử, đặc biệt để đón bắt việc cấp mã định danh cho công dân theo chủ trương của ngành công an sắp tới cần tích hợp các tiêu chí của người tham gia BHXH, BHYT với các dữ liệu quản lý nhà nước như hộ tịch, hộ khẩu, tài khoản ngân hàng, cấp quản lý hộ chiếu... Do vậy, để giải quyết những vấn đề trước mắt và lâu dài về cải cách hành chính trong lĩnh vực này, cơ chế tài chính về chi phí quản lý BHXH cũng cần phải tính đến. Mặt khác, Quỹ BHXH hội do người lao động và người sử dụng lao động đóng góp nên chi phí phải lấy từ khoản sinh lời của hoạt động đầu tư Quỹ BHXH. Cùng quan điểm này, đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hà (TP Hà Nội) nêu ý kiến tán thành quy định chi phí quản lý phải trích từ khoản sinh lời của hoạt động đầu tư Quỹ; đề nghị giao Chính phủ định kỳ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định, phù hợp với nhiệm vụ của BHXH trong từng giai đoạn, trên cơ sở đảm bảo nguyên tắc tiết kiệm, công khai, minh bạch trong quản lý, sử dụng Quỹ BHXH.

Tuổi nghỉ hưu cũng là một nội dung nhận được nhiều sự quan tâm của các đại biểu Quốc hội, hầu hết các ý kiến phát biểu đều đề cập đến vấn đề này. Đại biểu Nguyễn Văn Sơn (Hà Tĩnh) nhấn mạnh: sửa đổi Luật BHXH lần này cần bàn kỹ, lý giải sâu hơn để có sự đồng thuận cao; điều chỉnh tuổi nghỉ hưu hợp lý vừa là xu thế của thế giới, vừa thể hiện quyền lợi và trách nhiệm xã hội của người lao động trong các nhóm giải pháp, góp phần phát triển bền vững, an toàn cho Quỹ. Cần nghiên cứu kỹ để có lộ trình cụ thể điều chỉnh tuổi nghỉ hưu từng nhóm đối tượng, có những nhóm chúng ta có thể giữ nguyên như quy định hiện hành, cũng có một số nhóm cần giảm tuổi nghỉ hưu mới hợp lý với điều kiện sức khỏe lao động nặng nhọc độc hại. Về cơ bản là nâng tuổi nghỉ hưu vừa đảm bảo nguồn lực cho quỹ, vừa phù hợp với sự tăng tuổi thọ bình quân hiện nay, vừa đáp ứng được yêu cầu của bình đằng giới, với lộ trình hợp lý nhưng cũng không kéo quá dài để đạt mốc 62 tuổi đối với nam và nữ 60 tuổi.

Nhiều ý kiến thảo luận cũng nêu vấn đề: Luật Lao động đã có quy định cho phép nâng tuổi nghỉ hưu đối với một số nhóm đối tượng và giảm tuổi nghỉ hưu đối với một số nghề và địa bàn đặc thù nhưng chưa được hướng dẫn thực hiện. Đề nghị Chính phủ khẩn trương ban hành Nghị định hướng dẫn thực hiện Điều 187, Luật lao động; có tổng kết, đánh giá để khi đủ điều kiện thì mở rộng đối tượng tăng tuổi nghỉ hưu theo lộ trình phù hợp với tình hình kinh tế xã hội.

Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng yêu cầu Ban soạn thảo nghiêm túc tiếp thu ý kiến các đại biểu Quốc hội, hoàn thiện Dự thảo Luật đảm bảo tính khoa học, phù hợp với thực tiễn. Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, nếu cần thiết sẽ tổ chức một hội nghị chuyên trách để lấy ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội góp ý kiến cho dự thảo luật này./.

Nguồn TC BHXH