Ðồng bộ các giải pháp bảo đảm Quỹ Bảo hiểm xã hội

17/06/2014 08:32 AM


Bảo đảm an toàn, cân đối Quỹ Bảo hiểm xã hội (BHXH) được xem là một trong những mục tiêu chính trong dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) đang được Quốc hội xem xét lần này. Tuy nhiên, với nhiều điểm mới được đưa ra, như: thay đổi công thức tính lương hưu; tăng thời gian đóng BHXH, nâng tuổi về hưu... có nhiều tranh luận khác nhau.

 


Cán bộ BHXH trả sổ BHXH cho người lao động

Lương hưu phải dựa trên nguyên tắc đóng - hưởng

Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai cho rằng, việc sửa đổi Luật BHXH lần này hướng tới hai mục tiêu quan trọng: Bảo đảm an sinh xã hội cho người dân thông qua việc bổ sung, điều chỉnh chính sách để mở rộng nhanh hơn diện bao phủ BHXH. Nhà nước phải có chính sách khuyến khích, hỗ trợ lao động trong khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện, hướng tới mục tiêu năm 2020 có khoảng 50% lực lượng lao động tham gia BHXH (khoảng 29 triệu người). Và bảo đảm an toàn, cân đối quỹ BHXH thông qua việc xây dựng lộ trình hợp lý nhằm điều chỉnh công thức tính lương hưu theo nguyên tắc mức hưởng phải dựa trên cơ sở mức đóng; tăng thời gian đóng BHXH để bảo đảm cân đối với thời gian hưởng BHXH của người lao động.

Ðể bảo đảm sự bình đẳng trong việc tham gia và thụ hưởng chế độ BHXH giữa người lao động thuộc khu vực nhà nước và ngoài nhà nước, tại khoản 1 Ðiều 61 dự thảo Luật quy định đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định bắt đầu tham gia BHXH từ ngày luật có hiệu lực thi hành (1-7-2015) trở đi thì mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH để tính lương hưu là bình quân toàn bộ thời gian đóng, giống như người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định.

ồng thời, để từng bước thu hẹp khoảng cách giữa tiền lương tháng đóng BHXH và thu nhập thực tế của người lao động, khoản 2 Ðiều 89 dự thảo Luật quy định, khi luật có hiệu lực thi hành đến hết năm 2017 thì tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc là mức lương và phụ cấp lương ghi trên hợp đồng lao động. Từ ngày 1-1-2018 trở đi, tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác ghi trên hợp đồng lao động (như Ðiều 90 của Bộ luật Lao động).

Nhiều ý kiến cho rằng, cách tính lương hưu như trên sẽ làm giảm quyền lợi của người về hưu và tạo ra sự bất bình đẳng giữa những người về hưu trước và sau khi Luật BHXH (sửa đổi) có hiệu lực thi hành. Tuy nhiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi cho biết: "Hiểu không đúng cho nên người dân mới bức xúc, hoang mang". Vì đối với những lao động thuộc khu vực Nhà nước đang tham gia BHXH trước thời điểm luật này có hiệu lực thi hành thì vẫn thực hiện tính mức bình quân theo số năm cuối như quy định của Luật BHXH hiện hành. Chỉ những người tham gia BHXH từ ngày luật có hiệu lực (1-7-2015), sau đó 20 năm, tức là đến thời điểm năm 2035 trở đi thì tiền lương hưu mới được tính theo đúng tinh thần tính đúng, tính đủ.

Tăng tuổi về hưu chỉ là một giải pháp

Theo khoản 2, Ðiều 53 dự thảo luật, từ năm 2016 trở đi, điều kiện về tuổi hưởng lương hưu của cán bộ, công chức, viên chức cứ mỗi năm tăng thêm bốn tháng tuổi cho đến khi đạt 60 tuổi đối với nữ và 62 tuổi đối với nam. Từ năm 2020, sẽ áp dụng đối với các nhóm đối tượng còn lại (trừ nhóm lực lượng vũ trang và người làm công tác cơ yếu).

Tuy nhiên, đề xuất này đang gặp nhiều ý kiến tranh cãi, khi cho rằng, Việt Nam đang ở thời kỳ cơ cấu dân số vàng và tỷ lệ thất nghiệp lao động trẻ cao, cho nên việc điều chỉnh tuổi hưu là không phù hợp. Phó Chủ tịch Tổng LÐLÐ Việt Nam Mai Ðức Chính cho biết: Theo khảo sát của Tổng LÐLÐ, hầu hết số công nhân lao động không đồng tình về việc nâng tuổi hưu, nhất là lao động nữ. Ông Chính cũng cho rằng, Bộ luật Lao động năm 2012 mới có hiệu lực từ 1-5-2013, khẳng định tuổi về hưu của lao động là nam 60, nữ 55, nay dự thảo Luật BHXH lại quy định tăng điều kiện về tuổi hưởng lương hưu là không phù hợp.

Về ý kiến cho rằng, tăng tuổi về hưu là nhằm tránh nguy cơ "vỡ" Quỹ BHXH, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh khẳng định, tăng tuổi hưu chỉ là một trong tám nhóm giải pháp để cân đối Quỹ BHXH, như: thay đổi mức đóng - mức hưởng, phát triển đối tượng, khắc phục tình trạng nợ đọng BHXH... Ðồng thời, dự thảo luật cũng nêu rõ, với những nhóm lao động công việc nặng nhọc, độc hại, suy giảm khả năng lao động... thì vẫn giữ nguyên như quy định hiện hành. Ðiều đó không có mâu thuẫn với Bộ luật Lao động đã ban hành mà chỉ là làm rõ, cụ thể thêm.

Ông Phạm Ðỗ Nhật Tân, Phó Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu lao động Việt Nam cho rằng: Với phương thức điều chỉnh tăng tuổi như dự thảo luật quy định, đến năm 2031 thì nữ thuộc nhóm đối tượng cán bộ, công chức, viên chức mới có tuổi hưởng lương hưu là 60 tuổi (đối với nam là năm 2022) và với các nhóm đối tượng khác, việc điều chỉnh được thực hiện từ năm 2020, thì vào năm 2035 nữ thuộc nhóm đối tượng này mới đạt tuổi về hưu là 60 tuổi, nam là vào năm 2026. Ðiều này, không tạo nhiều sự biến động lớn trong thị trường lao động, nhất là có độ trễ nhất định về thời gian để các đối tượng điều chỉnh chuẩn bị tâm lý. Ðây cũng là phương thức điều chỉnh tăng tuổi của nhiều nước trên thế giới đã thực hiện.

* Về công thức tính lương hưu, vẫn giữ nguyên tỷ lệ hưởng lương hưu tối đa là 75% nhưng thay đổi cách tính tỷ lệ hưởng lương hưu theo hướng có lộ trình tăng dần.

* Theo Ðiều 55 của dự thảo Luật, từ năm 2016, số năm đóng BHXH tương ứng với 45% mức bình quân tiền lương tháng để tính lương hưu cho người về hưu vào năm 2016 là 16 năm; năm 2017 là 17 năm; năm 2018 là 18 năm; năm 2019 là 19 năm và năm 2020 là 20 năm (thay vì cách tính hiện nay là 15 năm đóng BHXH được hưởng 45%).

* Tăng tỷ lệ giảm trừ do về hưu trước tuổi từ 1% lên 2% tương ứng với mỗi năm về hưu trước tuổi.

Thống kê của BHXH Việt Nam cho thấy, từ năm 2010 đến nay hơn 70% số người hưởng lương hưu có hơn 30 năm đóng bảo hiểm (đối với nam) và 25 năm (đối với nữ). Ðiều này cho thấy tác động của việc điều chỉnh theo quy định mới sẽ chỉ ảnh hưởng nhiều tới khoảng 30% số người không đủ số năm đóng góp để được hưởng mức đóng tối đa.

Theo Vũ Lan (báo Nhân dân)