BHXH, BHYT: Đồng hành cùng ngư dân bám biển

01/04/2019 05:00 PM


“Quê mình nghèo, dân bám biển mà đi...” - câu thơ cũ cứ ám ảnh tôi day dứt khi chứng kiến bước chân xiêu vẹo theo nhịp sóng của những ngư dân kéo lưới trên biển Sầm Sơn - một bãi biển du lịch nổi tiếng của cả nước...

 

Sầm Sơn mùa này chưa vào mùa du lịch nên khá vắng. Trên biển, thảng hoặc mới thấy một vài người dân địa phương đi bơi buổi sáng. Tôi men theo dọc bờ biển lân la chuyện trò với mấy ngư dân vừa kéo lưới về. Nhanh tay gỡ những con cá còn mắc lại trên mắt lưới, bà Nguyễn Thị Hoa, 75 tuổi, trú tại phường Quảng Cư, TP Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hoá vừa kể cho chúng tôi nghe câu chuyện cuộc đời bà…

Bà Hoa sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Sầm Sơn này. Từ khi còn là một cô bé cho đến tận bây giờ, khi đã qua cái tuổi thất thập... bà vẫn gắn bó với biển, vẫn ngày ngày ra biển mưu sinh.

Theo quy định hiện hành, người thuộc hộ gia đình nông - lâm - ngư - diêm nghiệp có mức sống trung bình được Nhà nước hỗ trợ 30% kinh phí mua thẻ BHYT

18 tuổi, như mọi cô gái làng chài, cô Hoa lấy chồng, lần lượt sinh 3 người con. Con cá, con tôm ở biển giúp vợ chồng cô nuôi các con khôn lớn, trưởng thành. Dựng vợ, gả chồng cho các con, vợ chồng cô Hoa dần lên chức ông, bà. Những tưởng theo đạo lý của người Việt Nam "Trẻ cậy cha, già cậy con", vợ chồng bà Hoa sẽ thảnh thơi, an nhàn, sẽ yên tâm ở nhà vui cùng con cháu. Nhưng ai đoán được chữ ngờ… Cách đây mấy năm, vợ chồng anh con trai cả đi trông coi hồ cá thuê ngoài Hà Nội bị tai nạn đuối nước để lại cho ông bà hai đứa con thơ dại. Hai người con sau cũng con thơ nheo nhóc, làm thuê làm mướn chỉ đủ cáng đáng gia đình mình, lấy đâu mà giúp bố mẹ. 75 tuổi - cái tuổi cần được nghỉ ngơi, bà Hoa vẫn hằng ngày ra biển, kéo lưới kiếm tiền nuôi cháu, nuôi thân.

Trong làng, người già không có thu nhập như bà Hoa không phải ít. Để tạo điều kiện kiếm miếng cơm, manh áo cho những người không còn đủ sức khỏe và sự nhanh nhạy đi biển đánh bắt xa bờ, một vài người trong làng có điều kiện kinh tế hơn đứng ra đầu tư tiền mua lưới và các vật dụng cần thiết rồi tổ chức thành những đội đánh bắt hải sản gần bờ. Cứ 4 giờ sáng hằng ngày, cả đội đi ra biển, thả lưới xuống rồi kéo lưới về. Biển vẫn là người mẹ bao dung với họ, vẫn cho họ con cá, con tôm... Xong hai mẻ lưới trời cũng đã sang trưa. Mấy người phụ nữ tập trung phân loại cá, bán cho các nhà hàng trong thành phố. Những người già như bà Hoa thì đi gỡ những con cá nhỏ còn sót trong mắt lưới cho vào chiếc hom đeo bên mình để mang về nhà. Đây là thức ăn thường trực trên mâm cơm gia đình họ.

Như buổi sáng nay, mỗi mẻ lưới kéo về được vài yến cá, dăm - bảy chục con sứa to... Cả hai lần kéo lưới tính ra cũng được gần 8 triệu đồng. Chủ lưới được 3 phần, còn 07 phần là của những người kéo thuê. Chia đổ đầu mỗi người được hơn 200 ngàn đồng. Bà Hoa cất mấy tờ tiền năm chục ngàn còn vương vẩy cá vào trong chiếc túi nhỏ. Hai trăm ngàn đồng này là tiền rau cháo của cả gia đình bà, là tiền học của hai đứa cháu côi cút. Vén mấy sợi tóc mai bạc trắng đẫm mồ hôi quyện với nước biển, bà bảo tôi: Cũng may mọi người thương nên vẫn để cho bà đi làm cùng đội dù sức khỏe bà không bằng người khác, tiền thu về hầu như là chia đều, cũng có khi hơn kém một chút thôi. Có việc làm, có thu nhập, bà mới nuôi các cháu ăn học được…

Khi nghe tôi hỏi, vậy những lúc trái nắng trở trời thì làm thế nào? Bà Hoa cười, lúc bà ốm thì thằng cháu lớn 15 tuổi đi kéo thay một mẻ lưới sớm rồi về đi học, các bác trong tổ thương, vẫn chia cho đều như thế. Còn bà ốm thì đi khám bệnh có BHYT. Dù khó khăn nhưng bà vẫn dành dụm tiền mua BHYT cho cả nhà. Mình nghèo lại càng phải phòng thân cô ạ. Bị ốm, có BHYT mới dám đi viện. Mà bệnh viện thành phố Sầm Sơn bây giờ khám rất tốt, thái độ phục vụ của các cô chú bác sỹ cũng rất tốt…

Cán bộ BHXH TP.Sầm Sơn tư vấn, tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH, BHYT

Mang câu chuyện của bà Hoa chia sẻ với các đồng nghiệp tại BHXH tỉnh Thanh Hóa và BHXH TP. Sầm Sơn, chúng tôi được biết, trong mấy năm trở lại đây, cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao vai trò, chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống đại lý thu BHYT hộ gia đình, công tác phát triển đối tượng tham gia BHYT trên địa bàn thành phố Sầm Sơn đã có những chuyển biến tích cực. Tính đến hết 31/3/2019, trên địa bàn thành phố đã có hơn 80% dân số tham gia BHYT, riêng địa bàn phường Quảng Cư có hơn 74% dân số tham gia BHYT. Với quy mô một thành phố biển nhỏ, chỉ có trên 100.000 dân, có tới 60% lực lượng lao động trong độ tuổi là lao động phi chính thức, sản xuất kinh doanh nhỏ hoặc lao động thời vụ, dịch vụ du lịch, việc phát triển BHXH, BHYT đến người dân còn có những khó khăn. Đối với phường Quảng Cư, do từ 01/01/2017, phường vừa hết chính sách ưu đãi đối với xã bãi ngang ven biển nên người dân cũng đang chuyển đổi nhận thức từ được cấp thẻ BHYT sang tự đóng phí tham gia BHYT…

Từ mong muốn tất cả người dân Sầm Sơn đều được chăm sóc sức khỏe bằng BHYT, một Sầm Sơn tương lai mỗi người già đều có lương hưu, BHXH Thành phố Sầm Sơn đã từng bước đổi mới mạnh mẽ công tác tuyên truyền, đưa chính sách BHXH, BHYT đến với người dân Sầm Sơn. Thực hiện phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” để tuyên truyền về tính nhân văn, chia sẻ của BHYT hộ gia đình, BHXH tự nguyện. Không chỉ tuyên truyền tại các cuộc họp dân phố, cán bộ BHXH và các đại lý thu còn đến từng cuộc họp của các dòng họ dịp cuối năm để tuyên truyền chính sách, nhờ các bác trưởng họ và những người già có uy tín trong dòng họ tham gia tuyên truyền chính sách ngay trong chi, họ mình…

Chỉ trong năm 2018, đã có trên 330 người đăng lý tham gia BHXH tự nguyện, gấp hơn 2 lần số người tham gia BHXH tự nguyện trong 10 năm triển khai chính sách giai đoạn trước đó. Quan trọng hơn, nhận thức của người dân về chính sách đã chuyển biến mạnh mẽ. Đến nay, những người dân có ý thức tham gia BHYT dù còn nhiều khó khăn như bà Hoa đã khá phổ biến; bên cạnh đó, còn có nhiều lao động trẻ chủ động tham gia BHXH tự nguyện với mong muốn khi về già có lương hưu, tự chủ trong cuộc sống, không phải phiền lụy con cháu…

Người dân Sầm Sơn hôm nay vẫn bám biển để đi, nhưng trên hành trình của họ luôn có chính sách BHXH, BHYT của Đảng và Nhà nước song hành, là điểm tựa cho họ vững tâm và vững tin cất bước về phía trước./.

 

Đức An