Triển khai Nghị quyết 19-2016/NQ-CP: Công tác BHXH chuyển biến tích cực

29/09/2016 04:23 AM


Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 275/TB-VPCP thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tại buổi làm việc mới đây với Bảo hiểm xã hội Việt Nam về tình hình thực hiện Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP, một số cơ chế đối với y tế cơ sở và ứng dụng CNTT trong hoạt động bảo hiểm xã hội (BHXH).

1 cua 280916.JPG
Giao dịch tại bộ phận 1 của BHXH huyện Châu Thành, Long An

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nêu rõ, về BHXH và BHYT, triển khai thực hiện các Nghị quyết số 19 trong mấy năm gần đây, công tác BHXH đã chuyển biến tích cực, đạt được những kết quả bước đầu căn bản như đã rà soát, cắt giảm nhiều thủ tục hành chính (TTHC) không còn phù hợp, rút ngắn thời gian hoàn thành thủ tục nộp BHXH, BHYT, BH thất nghiệp nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người lao động, áp dụng CNTT, kết nối mạng giữa các cơ quan BHXH của 63 tỉnh, thành phố, tạo lập cơ sở dữ liệu BHXH tập trung của cả nước. Tuy nhiên, lưới an sinh xã hội của nước ta còn lạc hậu, BHYT chưa bao phủ đến toàn dân, BHXH mới đạt khoảng 23-25%. Thực trạng này đòi hỏi BHXH Việt Nam và các bộ, ngành liên quan cần tập trung chỉ đạo, thực hiện có hiệu quả hơn nữa các giải pháp đã đề ra nhằm tăng diện bao phủ BHYT và BHXH.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất các giải pháp cụ thể nhằm tăng số người tham gia BHXH, trước hết là đối với số lao động có hợp đồng lao động, vận động người không tham gia quan hệ lao động tham gia BHXH; Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Y tế và BHXH Việt Nam xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ các cơ chế, giải pháp cụ thể nhằm quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả và bền vững Quỹ BHXH, trước hết là cân bằng thu chi, gắn với lộ trình tăng phí BHYT, BHXH, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam chỉ đạo.

BHXH Việt Nam phối hợp với Bộ Y tế tiếp tục thực hiện các giải pháp tăng diện bao phủ BHYT, đồng thời tăng chất lượng dịch vụ BHYT theo lộ trình đã dược Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Về y tế cơ sở, Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ Y tế tập trung chỉ đạo các  địa phương thực hiện phân loại y tế cơ sở và có chế phù hợp đối với từng nhóm. Hoàn thành sớm cơ chế phù hợp, nhất là về tài chính đối với trạm y tế xã, phường để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân tại địa phương (tương tự như bác sỹ gia đình); khẩn trương bổ sung danh mục thuốc, vật tư y tế được sử dụng tại trạm y tế xã, phường (như quy định Quỹ chám chữa bệnh BHYT tại trạm y tế xã tối thiểu bằng 10% và tối đa không vượt quá 20% quỹ khám chữa bệnh BHT ngoại trú tính trên số thẻ đăng ký ban đầu…); có cơ chế để sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất của các trạm y tế ven các đô thị, có thể cho bác sỹ giỏi thuê, mượn để mở phòng khám chữa bệnh.

Phải sử dụng hiệu quả nguồn ngân sách nhà nước (kể cả ODA) đầu tư cho y tế cơ sở, trước mắt tập trung triển khai tại các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.

CNTT BHYT 021115.JPG
Ảnh minh họa

Đối với ứng dụng CNTT, Bộ Y tế, BHXH việt Nam đã nỗ lực chỉ đạo thực hiện kết nối các cơ sở khám chữa bệnh với BHXH, Bộ Y tế, BHXH Việt Nam khẩn trương hoàn thành các danh mục dịch vụ, thuốc, vật tư y tế sử dụng trong BHYT; đẩy mạnh việc tuyên truyền, tập huấn thay đổi nhận thức trước hết là đối với cán bộ y tế, tăng cường minh bạch và kỉ luật kỷ cương trong thực hiện kết nối, liên thông giữa khám chữa bệnh và BHYT. Bộ Y tế, BHXH Việt Nam tiến hành kiểm tra việc thực hiện kết nối tại một số cơ sở khám chữa bệnh, chấn chỉnh và xử lý kịp thời các vi phạm; lưu ý việc bảo đảm an toàn, an ninh thông tin trên môi trường mạng.

BHXH Việt Nam chủ động sử dụng nguồn lực hiện có để tin học hóa, hiện đại hóa BHXH. Cần phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trong xây dựng, thực hiện các dự án tin học hóa công tác BHXH (kể cả dự án vay vốn ODA của Ngân hàng thế giới cho Chương trình tổng thể hiện đại hóa BHXH như đề nghị của BHXH Việt Nam).

Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với BHXH khẩn trương có quy định, hướng dẫn và triển khai gói tin học cơ bản cho các cơ sở khám chữa bệnh.

*** Ngày 28/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành Nghị quyết 19-2016/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2016 - 2017, định hướng đến năm 2020.

Theo đó, phấn đấu các chỉ tiêu về môi trường kinh doanh đạt tối thiểu bằng trung bình của nhóm nước ASEAN 4; đến năm 2017 đạt mức trung bình của nhóm nước ASEAN 4 trên một số chỉ tiêu về năng lực cạnh tranh thuộc nhóm chỉ số nâng cao hiệu quả (theo đánh giá của Diễn đàn kinh tế thế giới); mục tiêu đến năm 2020, môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh đạt mức trung bình của các nước ASEAN 3 trên một số chỉ tiêu thông lệ quốc tế.

Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trực tiếp chịu trách nhiệm nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về kết quả thực hiện Nghị quyết 19 và tập trung chỉ đạo xây dựng Chương trình, Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết 19 trước 30/5/2016, tạo chuyển biến rõ nét về nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức về tinh thần phục vụ người dân và doanh nghiệp. Xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ, tiến độ thực hiện, đơn vị chủ trì thực hiện và kế hoạch chi tiết sửa đổi các văn bản pháp luật hiện hành.

Tập trung chỉ đạo, điều hành quyết liệt, linh hoạt, hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã nêu trong Nghị quyết. Phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm và thẩm quyền của mỗi cơ quan và cá nhân trong việc triển khai thực hiện. Có giải pháp xử lý phù hợp, kịp thời, linh hoạt đối với những vấn đề mới phát sinh; kiến nghị, đề xuất những giải pháp chỉ đạo, điều hành phù hợp, hiệu quả.

Chính phủ cũng yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương công khai các thủ tục hành chính đã được các Bộ, cơ quan, địa phương chuẩn hóa trên Cơ sở dữ liệu quốc gia trước 30/6/2016. Hoàn thành việc chuẩn hóa bộ thủ tục hành chính theo Quyết định số 08/QĐ-TTg ngày 06/1/2015 và niêm yết công khai, đầy đủ, kịp thời các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết trên mạng Internet và tại trụ sở cơ quan, đơn vị.

Điện tử hoá thủ tục (nộp hồ sơ, trả kết quả…) kiểm tra chuyên ngành; kết nối chia sẻ thông tin giữa các cơ quan, tổ chức quản lý, kiểm tra chuyên ngành với Cổng thông tin một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN để giảm thiểu giấy tờ, hướng tới mục tiêu phi giấy tờ, rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục kiểm tra chuyên ngành.

Thiết lập hệ thống thông tin tiếp nhận, xử lý kiến nghị và kết quả giải quyết thủ tục hành chính để người dân và doanh nghiệp đánh giá, phản ảnh về chính sách, thủ tục hành chính và việc thực thi công vụ của cán bộ, công chức trực tiếp giải quyết thủ tục hành chính. Người đứng đầu cơ quan, đơn vị có trách nhiệm thực hiện nghiêm quy định vể giải trình và giải quyết các kiến nghị của người dân và doanh nghiệp. Đẩy mạnh tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua mạng hoặc dịch vụ bưu điện.

Xây dựng năng lực, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý nhà nước. Thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến và Chính phủ điện tử; triển khai xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia, trước hết tập trung xây dựng các cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đất đai, doanh nghiệp...; thực hiện hiệu quả cơ chế một cửa, một cửa liên thông và áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng ISO vào hoạt động của các cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống hành chính nhà nước.

Thường xuyên kiểm tra, giám sát tiến độ và kết quả thực hiện chương trình, kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết 19. Xử lý nghiêm cán bộ, công chức và người đứng đầu thiếu trách nhiệm, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp.

Phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm xã hội Việt Nam xây dựng cơ chế liên thông kết nối thông tin về doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đăng ký lao động, bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật; triển khai thực hiện việc sử dụng mã số doanh nghiệp duy nhất, sử dụng chữ ký số của doanh nghiệp trong tất cả các quan hệ giữa doanh nghiệp với các cơ quan quản lý nhà nước (Kế hoạch và Đầu tư, Thuế, Hải quan, Bảo hiểm xã hội, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng...) và trong các hoạt động của doanh nghiệp.

Đăng tải trên Cổng thông tin quốc gia về doanh nghiệp những doanh nghiệp đã và đang giải quyết thủ tục phá sản, danh sách các quản tài viên trên toàn quốc; rút ngắn thời gian thành lập mới doanh nghiệp xuống còn 3 ngày theo quy định của pháp luật. Nâng cao năng lực phân tích chính sách cho khu vực tư nhân, nhất là các chính sách tác động tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Nguồn Website BHXH VN