BHXH Việt Nam: Siết chặt công tác giám định bảo hiểm y tế

15/09/2016 12:34 AM


Để kịp thời kiểm soát tốc độ gia tăng chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (KCB BHYT), hạn chế tình trạng bội chi Quỹ KCB BHYT năm 2016, Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam vừa ban hành Công văn số 3358/BHXH-CSYT về việc chấn chỉnh công tác giám định BHYT những tháng cuối năm 2016.

trang 7
BHXH Việt Nam sẽ siết chặt kiểm soát chi để hạn chế lạm dụng quỹ.

Nhiều địa phương bội chi quỹ

Theo Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn, thời gian qua, tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ khám, KCB BHYT có chiều hướng gia tăng tại cơ sở KCB, dẫn đến quỹ KCB BHYT được sử dụng trong 6 tháng đầu năm 2016 tại nhiều địa phương bị bội chi, trong đó một số tỉnh, thành phố có số tiền vượt quỹ KCB BHYT lên tới hàng trăm tỷ đồng, ảnh hưởng đến việc tổ chức thực hiện chính sách BHYT tại các đơn vị, địa phương và quyền lợi của người tham gia BHYT.

Ông Phạm Lương Sơn cho biết, riêng tổng chi KCB 6 tháng đầu năm 2016 đã lên tới 30.372 tỷ đồng (trong khi đó tổng quỹ KCB BHYT 6 tháng được giao là 28.220 tỷ đồng), tăng 40% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 42% dự toán Chính phủ giao (72.700 tỷ đồng), với tổng số tiền tăng thêm là 8.545 tỷ đồng.

Kết quả kiểm tra của BHXH Việt Nam cho thấy, cũng trong khoảng thời gian này, đã có 37 tỉnh có số chi vượt quỹ KCB được giao, với tổng số tiền vượt quỹ gần 3.404 tỷ đồng, tăng 22 tỉnh so với cùng kỳ năm 2015. Toàn bộ 25 tỉnh đã vượt quỹ năm 2015 tiếp tục vượt quỹ 6 tháng đầu năm 2016. Nhiều tỉnh có số vượt quỹ 6 tháng đầu năm là rất lớn (trên 100 tỷ đồng) như: Thanh Hóa 370 tỷ đồng, Nghệ An 351 tỷ đồng, Quảng Nam 238 tỷ đồng, Cà Mau 221 tỷ đồng, Thái Bình 213 tỷ đồng, Đà Nẵng 167 tỷ đồng... Số lượng các tỉnh vượt quỹ tăng cao một phần do tác động của tăng giá dịch vụ y tế và thông tuyến KCB. Tuy nhiên, một số tỉnh chưa bao giờ trong tình trạng bội chi nay đã trở thành đơn vị bội chi như: Bắc Kạn, Lào Cai, Quảng Trị, Tuyên Quang.

Lý giải về tình trạng gia tăng chi phí này, ông Phạm Lương Sơn cho biết, chi phí KCB BHYT 6 tháng đầu năm tăng do nhiều nguyên nhân, cả khách quan và chủ quan: Do đối tượng tham gia BHYT tăng, do tác động của thông tuyến huyện KCB, do áp dụng giá dịch vụ y tế mới... Tuy nhiên, từ tốc độ gia tăng chi phí KCB BHYT một cách bất thường trên,  BHXH Việt Nam đã cho kiểm tra và phát hiện ra rất nhiều hành vi lạm dụng, trục lợi quỹ.

Kiên quyết từ chối những chi phí không hợp lý

Để kịp thời kiểm soát tốc độ gia tăng chi phí KCB BHYT, hạn chế tình trạng bội chi quỹ KCB BHYT năm 2016, BHXH Việt Nam đã ban hành công văn về việc chấn chỉnh công tác giám định BHYT những tháng cuối năm 2016, với 8 nhóm giải pháp. Trong đó, tập trung thực hiện một số nội dung trọng tâm như: Thẩm định lại toàn bộ chi phí KCB BHYT 6 tháng đầu năm 2016 tại các cơ sở y tế bội chi quỹ KCB BHYT, phân tích thực trạng, xác định nguyên nhân, kiên quyết thu hồi chi phí KCB không hợp lý. Tổ chức kiểm tra ngay những cơ sở y tế có chi phí KCB BHYT gia tăng bất thường, kiên quyết từ chối thanh toán những chi phí KCB không đúng quy định.

BHXH Việt Nam cũng yêu cầu các địa phương phối hợp với Sở Y tế thành lập đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra tất cả các cơ sở KCB có biểu hiện lạm dụng quỹ KCB BHYT, chi phí KCB BHYT gia tăng bất thường, tần suất bệnh nhân KCB tăng; sau kiểm tra kiên quyết thu hồi chi phí KCB sử dụng sai quy định; trường hợp sai phạm lớn, có tính hệ thống thì chuyển hồ sơ sang cơ quan công an điều tra. Tăng cường kiểm soát chi phí, chống lạm dụng quỹ KCB BHYT và chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn giám sát, cung cấp thông tin về những cơ sở y tế lạm dụng quỹ KCB BHYT. Đối với các cơ sở y tế có tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT, báo cáo UBND tỉnh xem xét tạm dừng hợp đồng KCB BHYT chờ ý kiến kết luận của cơ quan công an.

Trong thời gian tới, BHXH Việt Nam sẽ kiểm soát chặt chẽ việc chi KCB BHYT trong phạm vi quỹ được giao, kiên quyết không để xảy ra tình trạng vượt nguồn kinh phí KCB BHYT. BHXH các tỉnh phải thống kê tổng hợp, kiểm soát chi phí KCB của các máy, trang thiết bị y tế từ nguồn xã hội hóa của các cơ sở KCB từ việc xây dựng đề án, ký hợp đồng liên doanh, liên kết đến việc đấu thầu cung ứng thuốc, hóa chất thực hiện các dịch vụ kỹ thuật, trường hợp không đúng quy định sẽ tạm dừng thanh toán...

BHXH Việt Nam yêu cầu BHXH các tỉnh cập nhật tình hình liên thông dữ liệu hàng ngày, kịp thời yêu cầu các cơ sở KCB ngay khi bệnh nhân ra viện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; xác nhận và gửi dữ liệu chi tiết hàng ngày và dữ liệu tổng hợp hàng tháng; theo dõi chi KCB BHYT phát sinh hàng tuần, hàng tháng trên Hệ thống thông tin giám định BHYT để điều hành, chỉ đạo công tác giám định BHYT, tổ chức kiểm tra ngay các đơn vị phát sinh chi phí bất thường... và từ chối thanh toán chi phí KCB BHYT đối với các cơ sở KCB  không liên thông dữ liệu.
Nguồn Báo Tài chính

  • TIN BÀI LIÊN QUAN