Giám sát thực hiện chính sách BHXH tại DN: Đụng đâu vi phạm đấy!

07/10/2015 03:52 AM


Trong hai ngày 5- 6/10, Đoàn giám sát liên ngành của Tổng LĐLĐ Việt Nam, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Thanh tra Chính phủ, Bộ LĐ-TB&XH và BHXH Việt Nam đã làm việc với UBND tỉnh Hà Nam, các cơ quan chức năng liên quan và kiểm tra, giám sát thực tế tại 3 DN trên địa bàn.

Tại buổi làm việc với Đoàn, bà Nguyễn Thị Thuý Liễu- Giám đốc BHXH Hà Nam cho biết, tính đến tháng 9/2015, số nợ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp của các đơn vị SDLĐ trên địa bàn là 54,2 tỷ đồng. Có tới 575 DN trên tổng số 800 DN đang được cơ quan BHXH tỉnh quản lý có nợ BHXH. Trong năm 2014, các cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn đã tổ chức 2 đợt thanh tra với 26 DN. Hiện nay, cơ quan BHXH và các cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương không thể nắm được đầy đủ số lao động thuộc đối tượng phải tham gia BHXH bắt buộc của trên 2.000 DN đang hoạt động trong toàn tỉnh.

Trước tình hình trốn đóng, nợ BHXH tại Hà Nam, ông Mai Đức Chính- Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam- Trưởng đoàn giám sát đã chỉ rõ: Việc DN nợ đọng, trốn đóng BHXH đang ảnh hưởng trực tiếp tới quyền lợi của NLĐ. Đề nghị, chính quyền và cơ quan chức năng tỉnh Hà Nam nghiên cứu giải pháp tích cực và hữu hiệu trong việc thu hồi số tiền các DN đang nợ BHXH. Đồng thời, phân loại các DN nợ BHXH do thực sự khó khăn hay do cố tình không tuân thủ pháp luật về BHXH. Nếu DN cố tình chiếm dụng tiền đóng BHXH của NLĐ, nợ đọng dây dưa, kéo dài thì khởi kiện ra tòa hoặc xử lý theo Quy chế phối hợp số 1853 ngày 16/5/2012 giữa Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm và BHXH Việt Nam để thu hồi các khoản nợ, đảm bảo các quyền lợi về BHXH, BHYT cho NLĐ; công khai danh tính các DN nợ trên các phương tiện thông tin đại chúng…

Tại Công ty CP May Bắc Hà Việt Nam, đoàn giám sát đã phát hiện Công ty có 70 lao động chưa tham gia BHXH. Ông Trần Đình Thái- Giám đốc điều hành DN lý giải: Đây là số công nhân mới học nghề tại chuyền may ở xưởng, công nhân mới tuyển và những công nhân đã nghỉ xin đi làm lại.

Giải thích về việc này, 2 trong số 70 công nhân không được tham gia BHXH cho biết, họ không xác định gắn bó lâu dài với DN nên không tham gia BHXH hoặc do chưa bố trí được thời gian đi lấy sổ BHXH tại công ty cũ (?).

Tại Công ty TNHH Dayeon Bi Jou VN (có 595 lao động thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc) có 6 lao động chưa được tham gia. Qua kiểm tra, xác minh, Đoàn giám sát nhận thấy, từ tháng 4/2015 đến nay, DN đang nợ cơ quan BHXH với số tiền là: hơn 3,1 tỷ đồng (bao gồm cả lãi chậm đóng). Điều đáng nói, trong thời gian này, DN vẫn trích tiền đóng BHXH của NLĐ nhưng không nộp về cơ quan BHXH theo quy định. Hiện DN còn đang giữ 843 sổ BHXH của NLĐ đã nghỉ việc tại DN mà chưa bàn giao về cơ quan BHXH.

Cũng do DN chậm đóng BHXH nên có 178 NLĐ đã nghỉ việc nhưng chưa được chốt sổ BHXH và chưa giải quyết và chi trả kịp thời chế độ thai sản cho 50 NLĐ đang nghỉ thai sản.

Trong khi đó, Công ty CP Cơ khí dầu khí nợ BHXH từ tháng 1/2012 đến hết tháng 9/2015 với hơn 3,17 tỷ đồng, trong đó lãi chậm đóng là trên 750 triệu đồng. DN này đã không trình được các sổ sách, hồ sơ theo dõi việc đóng và giải quyết các chế độ BHXH của NLĐ.

Ông Lê Đình Quảng- Phó Trưởng ban Quan hệ Lao động (Tổng LĐLĐ), Phó Trưởng đoàn Giám sát nhận định: “Có thể thấy, nhận thức của NLĐ về chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp còn hạn chế; nhiều người mới chỉ nhận thấy cái lợi trước mắt mà từ bỏ quyền lợi về lâu về dài khi không tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp. Ngoài ra, phía DN vẫn còn lách luật, trốn đóng BHXH cho NLĐ”.

Sau Hà Nam, Đoàn sẽ tiếp tục giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp tại tỉnh Nam Định và một số tỉnh miền Trung.

Nguồn baobaohiemxahoi.vn