Góp ý dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi): Cần tránh tình trạng “nhờn luật”

08/10/2015 07:13 AM


Một số quy định trong dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) sẽ khiến cho người phạm tội có tâm lý coi thường pháp luật, bởi có thể ngay trước khi bị xét xử, họ mới nộp số tiền trốn đóng BHXH nhằm được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự. Quy định như vậy vừa không hợp lý, vừa không có tính răn đe.

Theo Viện Khoa học BHXH, không chỉ dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi), mà trong một số luật chuyên ngành cũng có quy định về “tội phạm” và “hình phạt”, qua đó góp phần bảo vệ kịp thời hơn các quan hệ xã hội phát sinh trong lĩnh vực chuyên ngành đó.

Việc vi phạm pháp luật về BHXH rất dễ dẫn đến tranh chấp lao động- Ảnh minh họa

Thực tế cho thấy, tại Việt Nam, hệ thống văn bản pháp luật còn chưa đồng bộ, chưa thực sự có tính thống nhất cao; do đó, trong giai đoạn hiện nay, việc có nên cho phép quy định tội phạm và hình phạt cả trong luật chuyên ngành hay không cần phải được xem xét kỹ…

Liên quan trách nhiệm hình sự của pháp nhân, Viện Khoa học BHXH cho rằng, pháp nhân được quy định như trong dự thảo Luật là chủ thể của tội phạm tại một chương riêng. Xét điều kiện cụ thể của Việt Nam hiện nay, các pháp nhân kinh tế lớn đa phần là pháp nhân Nhà nước. Do đó, nếu áp dụng chế tài phạt tiền đối với pháp nhân hoặc yêu cầu bồi thường dân sự (như trong dự thảo), thì thực chất NSNN sẽ phải chịu, trong khi sai phạm của pháp nhân thực chất là do cá nhân hoặc một nhóm người có hành vi vi phạm pháp luật gây ra. Do đó, tại thời điểm hiện nay, nếu vẫn quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân, thì cũng nên quy định rõ không áp dụng đối với các pháp nhân thuộc khu vực kinh tế Nhà nước.

Về quy định trường hợp không bị thi hành tử hình (Điểm c, Khoản 3, Điều 39) cũng cần phải xem xét cân nhắc thêm. Bởi, quy định như phương án 1 có thể giúp thu hồi tài sản cho Nhà nước, nhưng thực sự đó chỉ là một mặt tích cực của vấn đề. Bởi, bất kỳ một quy định nào được ban hành cũng đều phải được đánh giá tác động một cách toàn diện, chứ không phải chỉ nhấn mạnh một điểm nào đó mà bỏ qua các mặt khác. Hơn nữa, Bộ luật Hình sự là công cụ pháp lý đắc lực của Nhà nước nhằm đấu tranh chống tội phạm, duy trì trật tự an toàn xã hội, mang lại niềm tin cho quần chúng nhân dân; chứ không phải là công cụ để người phạm tội- sau khi bị áp dụng hình phạt tử hình, nộp lại cho Nhà nước phần lớn tài sản đã chiếm đoạt- thì sẽ không bị áp dụng hình phạt tử hình.

Cũng theo Viện Khoa học BHXH, quy định về các biện pháp thay thế xử lí hình sự là cần thiết, thể hiện được chính sách nhân đạo của Đảng và Nhà nước trong việc xử lý người chưa thành niên phạm tội. Tuy nhiên, không thể để trong Bộ luật Hình sự, mà nên quy định tại văn bản pháp luật khác, bởi Bộ luật Hình sự là công cụ của Nhà nước để đấu tranh chống tội phạm; nhất là các biện pháp thay thế hoàn toàn không phải là chế tài hình sự, mà chỉ là những biện pháp nằm ngoài quy trình tố tụng hình sự.

Về phần các tội phạm, Viện Khoa học BHXH cũng nhất trí với việc quy định bổ sung một số tội danh riêng đối với lĩnh vực chuyên ngành mà Bộ luật Hình sự hiện hành chưa thể xử lý được; hoặc đã xử lý nhưng chưa thực sự phù hợp về tội danh cũng như hình phạt, dẫn đến còn có sự không thống nhất trong áp dụng.

Đơn cử như 3 tội danh riêng trong lĩnh vực BHXH (được quy định từ Điều 218 đến Điều 220). Đáng chú ý, tại Điều 220 (quy định tội trốn đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp cho NLĐ) cho thấy, trong cấu thành cơ bản của tội phạm, quy định hành vi phạm tội (có dấu hiệu đã bị xử phạt vi phạm hành chính mà còn vi phạm) thuộc một trong các trường hợp được chỉ ra trong Điểm a và b Khoản 1 Điều 220 và tại Khoản 5 của Điều này có quy định trường hợp miễn và có thể được miễn trách nhiệm hình sự.

Quy định như vậy rất nhân văn, mà vẫn có thể giúp cơ quan BHXH thu hồi được tiền trốn đóng BHXH. Tuy nhiên, quy định này cũng khiến cho người phạm tội có tâm lý coi thường pháp luật, bởi có thể ngay trước khi bị xét xử, họ mới nộp số tiền trốn đóng BHXH nhằm được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự. Quy định như vậy vừa không hợp lý, vừa không có tính răn đe.

(Trích ý kiến góp ý của Viện Khoa học BHXH, BHXH Việt Nam)

Nguồn baobaohiemxahoi.vn

  • TIN BÀI LIÊN QUAN