Chăm sóc, bảo vệ và giáo dục sức khỏe cho HSSV: Nhiệm vụ cấp thiết

07/09/2015 02:56 AM


Hiện nay, nước ta có khoảng hơn 20 triệu học sinh, sinh viên (HSSV), chiếm khoảng ¼ dân số. Theo thống kê của BHXH Việt Nam, có khoảng 85% HSSV HSSV đang tham gia BHYT. Đảng, Nhà nước đã xác định vai trò to lớn của việc bao phủ BHYT HSSV trong thực hiện BHYT toàn dân, tầm quan trọng của việc thực hiện BHYT HSSV trong chăm lo cho sức khỏe của tương lai đất nước, theo đó, quy định HSSV là đối tượng bắt buộc tham gia BHYT.

HSSV 250815.jpg
Ảnh: Thanh Dũng

Hình thức bắt buộc đối với BHYT HSSV

Từ năm 1994, BHYT HSSV đã được triển khai trên phạm vi cả nước theo hướng dẫn của Liên

Luật Giáo dục đã xác định mục tiêu: “Đào tạo con người Việt Nam phát triển toàn diện, có đạo đức, tri thức, sức khỏe, thẩm mỹ và nghề nghiệp, trung thành với lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; hình thành và bồi dưỡng nhân cách, phẩm chất và năng lực công dân, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

Bộ Giáo dục, Đào tạo và Y tế. Có thể nói, BHYT HSSV là sự kết hợp toàn diện các yêu cầu của công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho HSSV, từ chăm lo sức khỏe ban đầu tại trường học, tới khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế. Thông qua việc tham gia BHYT, HSSV được giáo dục nhân cách và lối sống nhân ái, chia sẻ khó khăn, đồng cảm với người không may gặp rủi ro.

Do mục đích ưu việt, thiết thực, giàu tính nhân văn, BHYT HSSV đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của toàn xã hội, vượt qua mọi khó khăn, trở ngại và ngày càng phát triển mạnh mẽ. Khởi đầu là loại hình BHYT tự nguyện, nhưng từ 01/01/2010, theo quy định của Luật BHYT, HSSV là đối tượng bắt buộc tham gia BHYT. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT có hiệu lực từ ngày 1/1/2015 tiếp tục khẳng định, BHYT là hình thức bảo hiểm bắt buộc đối với toàn dân, bao gồm HSSV.

Theo Trưởng Ban Thực hiện chính sách BHYT, BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn, Luật BHYT quy định HSSV là một trong những nhóm đối tượng có trách nhiệm bắt buộc tham gia BHYT thay vì không bắt buộc như trước đây. Cùng với trẻ em dưới 06 tuổi, thì HSSV là một trong những nhóm cần được quan tâm, chăm sóc sức khỏe của cả gia đình và toàn xã hội. Muốn chăm sóc sức khỏe tốt thì cần phải có nguồn tài chính ổn định, kịp thời cho các đối tượng. Thực hiện cơ chế trách nhiệm với đối tượng tham gia BHYT, là một điểm đặc biệt trong chính sách BHYT của Việt Nam. Trách nhiệm bắt buộc tham gia BHYT ở đây gồm Nhà nước, nhà trường, gia đình và cả xã hội. Nhà nước có trách nhiệm hỗ trợ đóng BHYT cho các HSSV; Nhà trường là đầu mối đứng ra tổ chức thu tiền đóng BHYT và triển khai công tác y tế trường học; Gia đình, phụ huynh có trách nhiệm tham gia đóng góp nguồn kinh phí vào quỹ BHYT.

Các bậc phụ huynh tham gia BHYT cho con em mình là đảm bảo sức khỏe cho chính con em mình, và giúp đảm bảo sức khỏe cho cả cộng đồng. Xã hội có trách nhiệm bảo đảm nguồn thu đó để dành cho việc khám, chữa bệnh, đầu tư cho cơ sở và nơi khám chữa bệnh ban đầu tại nhà trường. Đặc biệt giúp đỡ những em có bệnh nan y được hỗ trợ trong điều trị.

Sức khỏe tốt là một mục tiêu quan trọng của giáo dục toàn diện HSSV trong trường học các cấp. Chăm sóc, bảo vệ và giáo dục sức khỏe cho HSSV - những chủ nhân tương lai của đất nước, là mối quan tâm lớn của Đảng, Nhà nước, của mỗi gia đình và toàn xã hội.

Triển khai đồng bộ các giải pháp

Với ý nghĩa nhân văn của mình, chính sách BHYT HSSV ngày càng thể hiện vai trò quan trọng trong việc chăm sóc sức khỏe ban đầu và phát triển giáo dục toàn diện cho các em. Việc tham gia BHYT của HSSV năm sau cao hơn năm trước đã thể hiện rất rõ điều này.

Chỉ sau một năm thực hiện theo Luật BHYT- HSSV là đối tượng bắt buộc tham gia BHYT, BHYT HSSV có bước phát triển mạnh mẽ, khẳng định tính đúng đắn trong định hướng phát triển BHYT toàn dân của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Năm học 2010 - 2011, cả nước đã có gần 10,5 triệu HSSV tham gia. Nếu tính cả số HSSV thuộc hộ nghèo, cận nghèo và thân nhân sĩ quan quân đội, công an khoảng 1,5 triệu em thì số HSSV tham gia BHYT chiếm khoảng 70% số phải tham gia, một kết quả đáng khích lệ trong năm đầu tiên thực hiện. Nhiều địa phương số HSSV tham gia BHYT đã lên tới 80 - 90%. Nhiều trường học 100% các em đã tham gia. Nhờ có nguồn kinh phí từ BHYT HSSV, y tế trường học trong cả nước có điều kiện hoạt động, mang lại những hiệu quả thiết thực. HSSV khám, chữa bệnh theo chế độ BHYT được đảm bảo quyền lợi theo quy định của pháp luật. Tính đến 30/06/2013 có trên 10,2 triệu HSSV tham gia BHYT, đạt 80,4% so với số HSSV; Tỷ lệ tăng số người tham gia BHYT hàng năm khoảng 4,2%, trong đó HSSV khoảng 10%. Còn hiện nay, theo thống kê của BHXH Việt Nam đã có khoảng 85% HSSV tham gia BHYT.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện BHYT HSSV vẫn còn những khó khăn, vướng mắc như việc quy định đồng nhất mức đóng giữa nông thôn, thành thị; mệnh giá thẻ BHYT tăng so với năm học trước;  thu nhập của dân cư trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, giá cả thị trường tăng cao, cuộc sống của người dân nông thôn còn khó khăn nhất là ở các vùng sâu, vùng xa; gia đình có nhiều con đi học,... nên việc vận động HSSV tham gia còn gặp nhiều khó khăn.

Theo nhận định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tỷ lệ HSSV tham gia BHYT chưa cao do một số nguyên nhân chủ yếu như : Một số cơ sở giáo dục chưa thực sự quan tâm chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác BHYT, đặc biệt là các cơ sở đào tạo, chủ yếu chỉ các sinh viên năm thứ nhất tham gia BHYT; Công tác truyền thông cho HSSV và cha mẹ học sinh về BHYT chưa đạt hiệu quả; Công tác phối hợp liên ngành về BHYT giữa ngành Giáo dục với các ngành Y tế, BHXH còn thiếu chặt chẽ.

Bên cạnh đó, HSSV là đối tượng có trách nhiệm tham gia BHYT nhưng lại chưa có biện pháp đảm bảo thi hành trong thực tế, chưa gắn trách nhiệm cụ thể cho ngành Giáo dục và Đào tạo, Hiệu trưởng các nhà trường...  dẫn đến một số nhà trường cũng chưa thực sự tích cực thực hiện chính sách BHYT HSSV; Nhận thức của một bộ phận HSSV và phụ huynh học sinh về BHYT còn hạn chế mặc dù được Nhà nước hỗ trợ một phần nhưng cũng chưa tham gia BHYT.

Để việc triển khai BHYT HSSV theo quy định của Luật BHYT ngày càng tốt hơn, góp phần đảm bảo thực hiện mục tiêu của Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012 – 2020 và Quyết định số 538/QĐ-TTg ngày 29/3/2013 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án thực hiện lộ trình tiến tới BHYT toàn dân giai đoạn 2012- 2015 và 2020, cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chỉ đạo quyết liệt của chính quyền địa phương là nhân tố có ý nghĩa quyết định, đảm bảo tỷ lệ tham gia cao, thành nề nếp, truyền thống của địa phương. Việc giao chỉ tiêu đạt tỷ lệ học sinh tham gia BHYT vào nội dung thi đua giữa các trường, giữa các địa phương là cách làm hay, rất cần duy trì và phát huy trong năm học này.

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động, hướng dẫn giải thích cho phụ huynh, cho HSSV, nhà trường các cấp hiểu và tích cực hưởng ứng trong thực hiện chính sách. Công tác tuyên truyền BHYT HSSV phải đi vào chiều sâu, nâng cao nhận thức toàn xã hội về bản chất ưu việt, giá trị nhân văn, lợi ích thiết thực đối với mọi nhà và toàn xã hội; thường xuyên phổ biến các mô hình, gương điển hình để nhân rộng; Giáo viên chủ nhiệm có trách nhiệm tuyên truyền trực tiếp cho phụ huynh, học sinh của lớp trong các buổi họp phụ huynh và trong sinh hoạt chủ nhiệm để phụ huynh, học sinh thấy được quyền lợi từ chính sách BHYT.

Cần sự phối hợp chặt chẽ giữa BHXH, Ngành Giáo dục và các bộ, ngành có liên quan từ việc thống kê, phân loại HSSV đến việc triển khai mua thẻ BHYT và thực hiện nâng cao chất lượng KCB BHYT cho HSSV.

Thường xuyên kiểm tra, đánh giá việc thực hiện BHYT học sinh tại các trường, qua đó nhân rộng cách làm hiệu quả, đề xuất giải pháp khắc phục những hạn chế, bất cập.  Hàng năm tổ chức đánh giá theo chuyên đề để các tỉnh, thành phố rút kinh nghiệm, học tập lẫn nhau trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ và làm tốt công tác triển khai BHYT đối với HSSV, khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân làm tốt; chấn chỉnh, phê bình những đơn vị chưa làm tốt.

Phải khẳng định rằng BHYT là một giải pháp đúng đắn, ưu việt, vừa lợi ích, vừa nhân đạo, giáo dục các em HSSV nâng cao ý thức phòng tránh những rủi ro, bệnh tật, biết tự bảo vệ sức khỏe cho mình, xây dựng môi trường sống lành mạnh, văn minh. Thông qua việc tham gia BHYT giúp cho các em hiểu thêm được ý nghĩa tương trợ cộng đồng, giáo dục các em tính nhân đạo xã hội.Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, hy vọng rằng mục tiêu 100% HSSV tham gia BHYT sẽ đạt được trong thời gian không xa.

Nguồn baohiemxahoi.gov.vn