Trà Vinh: Nhiều kinh nghiệm trong thực hiện BHYT toàn dân
25/08/2015 01:47 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Trong những năm qua, được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương, nhất là từ khi có Luật BHYT, công tác BHYT ở Trà Vinh đã có bước phát triển, đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Số người tham gia BHYT hàng năm đều tăng, đến cuối năm 2014, toàn tỉnh có trên 853.000 người tham gia BHYT, chiếm trên 83% dân số. Hàng năm có trên 2,1 triệu lượt người khám, chữa bệnh BHYT với tổng chi phí hơn 410 tỷ đồng, đã góp phần chăm sóc sức khỏe cho nhân dân ngày càng tốt hơn và đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh. Kết quả thực tế cho thấy, BHYT thực sự là một chính sách an sinh xã hội quan trọng, hỗ trợ rất nhiều người trong khám, chữa bệnh, nhất là người nghèo, người dân tộc thiểu số, trẻ em dưới 6 tuổi, người dân sống trong vũng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.
Tăng cường công tác chỉ đạo, phối hợp thực hiện
Từ năm 2011 đến nay, cấp ủy Đảng, Chính quyền, các ngành, đoàn thể trong tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp thực hiện BHYT toàn dân. Trong đó nổi bật hơn cả là công tác chỉ đạo, phối hợp trong thực hiện chính sách này.
Ngày 31/8/2011, Tỉnh ủy Trà Vinh đã ban hành công văn số 95-CV/TU về tăng cường chỉ đạo thực hiện công tác BHYT; UBND tỉnh thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện công tác BHYT toàn dân; Đề án phát triển BHYT trên địa bàn tỉnh; Chương trình, Kế hoạch thực hiện Đề án thực hiện lộ trình tiến tới BHYT toàn dân,… 100% các huyện, thành phố đều thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện công tác BHYT toàn dân; có kế hoạch, văn bản chỉ đạo thực hiện công tác này… Các cơ sở khám, chữa bệnh trong toàn tỉnh không ngừng được cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới, bổ sung các trang thiết bị, chuyển giao kỹ thuật cao từ tuyến trên,… Từ đó, chất lượng khám chữa bệnh trong đó có khám chữa bệnh BHYT ngày càng được nâng lên. Đặc biệt, hầu hết lãnh đạo, cán bộ, viên chức làm công tác BHYT đều có quá trình làm công tác này lâu dài, đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong thực hiện chính sách BHYT trên địa bàn tỉnh.
Có thể nói, công tác chỉ đạo, phối hợp của các cấp, các ngành có vai trò quan trọng, quyết định sự thành công của thực hiện chính sách BHYT. Chủ trương BHYT toàn dân có liên quan đến nhiều chính sách khác nhau, phụ thuộc vào nhiều ngành, nhiều cấp khác nhau; nếu không có sự chỉ đạo cụ thể và phối hợp chặt chẽ, thường xuyên thì khó đạt kết quả như mong muốn. Với vai trò là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo thực hiện công tác BHYT toàn dân của tỉnh, BHXH tỉnh đã tham mưu cho Lãnh đạo tỉnh đưa chỉ tiêu bao phủ BHYT vào Nghị quyết, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; thực hiện nghiêm túc tiêu chí phát triển BHYT trong Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
Hàng năm, UBND tỉnh đều giao chỉ tiêu bao phủ BHYT cho các huyện, thành phố. Các huyện, thành phố tiếp tục giao chỉ tiêu cho các xã, phường, thị trấn và định kỳ 6 tháng, 1 năm tổ chức sơ kết, đánh giá kết quả thực hiện, rút kinh nghiệm để triển khai các năm tiếp theo. BHXH tỉnh đã đề nghị Lãnh đạo tỉnh tặng nhiều bằng khen cho tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp cho công tác BHYT toàn dân.
Ngoài ra, BHXH tỉnh còn tăng cường phối hợp với các Sở, ban, ngành trong tỉnh bằng việc ký các Quy chế, Kế hoạch phối hợp như quy chế với Sở Y tế, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Sở Tài chính, Sở Giáo dục; ký các Kế hoạch phối hợp với các tổ chức đoàn thể như Công đoàn, Thanh niên, Phụ nữ, Nông dân,… nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia BHYT; thực hiện thanh, kiểm tra, xử lý các vi phạm về BHYT; bảo đảm kinh phí cho các đối tượng do ngân sách Nhà nước đóng hoặc hỗ trợ đóng nhằm nâng cao chất lượng và nhu cầu khám chữa bệnh cho người dân.
Tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền
BHXH tỉnh xác định, công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về BHYT toàn dân là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài; phải kiên trì với phương châm “mưa dầm thấm lâu” và thực hiện với nhiều hình thức khác nhau, có những dẫn chứng mang tính thuyết phục cao để giúp người dân hiểu rõ hơn và tự giác tham gia, góp phần gia tăng số người tham gia BHYT.
Ngoài việc phối hợp với báo, đài địa phương định kỳ phát sóng; tuyên truyền trực quan bằng các ấn phẩm báo, tạp chí chuyên ngành; BHXH tỉnh còn biên soạn tờ rơi, tờ gấp với nội dung ngắn gọn, dễ hiểu, phối hợp với các đoàn thể, các cấp chính quyền cơ sở để cấp, phát cho dân; phối hợp với các đoàn thể, nhất là Hội Phụ nữ, Hội Nông dân tổ chức tuyên truyền bằng hình thức tọa đàm, tuyên truyền miệng theo nhóm, tổ hội đã mang lại hiệu quả thiết thực.
Đặc biệt, công tác tuyên truyền đối với đồng bào dân tộc thiểu số tại Trà Vinh rất được chú trọng. BHXH tỉnh xác định, vai trò của Chùa Khmer là rất quan trọng trong sinh hoạt văn hóa, giáo dục đối với người dân tộc Khmer. Định kỳ hàng tháng, BHXH tỉnh phối hợp với bộ phận biên tập chữ Khmer của Báo Trà Vinh soạn thảo nội dung tuyên truyền bằng chữ Khmer của đồng bào dân tộc để cấp phát cho 142 chùa Khmer, thông qua các vị trụ trì, các sư sãi trong chùa đưa chủ trương, chính sách BHYT đến với bà con dân tộc Khmer. Điều này góp phần đưa chính sách BHYT đến với bà con đồng bào Khmer một cách nhanh và sâu sắc nhất.
Huy động nguồn lực cho công tác phát triển đối tượng tham gia BHYT
Xác định, nguồn lực tài chính cho công tác phát triển đối tượng tham gia BHYT là rât quan trọng, BHXH tỉnh đã thường xuyên phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Sở Tài chính để tham mưu với Tỉnh ủy, UBND tỉnh hỗ trợ thêm kinh phí cho người thuộc hộ cận nghèo tham gia BHYT bằng các nguồn lực huy động của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh.
Liên tục trong ba năm, từ năm 2013 – 2015, địa phương đã hỗ trợ 92.000 lượt người cận nghèo tham gia BHYT với số tiền trên 13,2 tỷ đồng. Là một tỉnh còn nhiều khó khăn, ngân sách hàng năm còn phụ thuộc nhiều và ngân sách Trung ương, còn nhiều mục chi cho các chính sách an sinh xã hội khác thì đây là sự quan tâm rất lớn của Lãnh đạo tỉnh đối với công tác BHYT toàn dân.
Việc quan tâm, đẩy mạnh công tác thực hiện chính sách BHYT, kết quả thực hiện BHYT toàn dân trên địa bàn trong những năm qua đã có nhiều chuyển biến tích cực. Nếu như năm 2011, độ bao phủ BHYT của tỉnh là 69,95%, năm 2012 là 72,72%, năm 2013 là 79,12%, thì năm 2014 là 83,08% và dự kiến độ bao phủ BHYT năm 2015 là 85% dân số. Quỹ BHYT hàng năm đều đảm bảo cân đối và có kết dư./.
Nguồn baohiemxahoi.gov.vn
Tham gia BHXH - Trọn vòng an sinh
Tham Gia BHXH tự nguyện ngay hôm nay - An tâm cho ...
Quyền lợi của người dân khi tham gia BHXH tự ...
Thông báo Lịch nghỉ Tết Dương lịch năm 2025
Bảo hiểm xã hội tỉnh Lâm Đồng Thông báo: Chi trả lương hưu, ...
BHXH Lâm Đồng tập huấn công tác bảo vệ bí mật nhà nước
Khảo sát mức độ hài lòng đối với sự phục vụ hành chính công ...
Thực trạng công tác phát triển người đồng bào dân tộc thiểu ...