BHXH Việt Nam - Mô hình có nhiều kinh nghiệm tốt trong tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT
10/02/2015 07:21 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Đầu năm 2015, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT có hiệu lực thi hành, vào thời điểm này, BHXH Việt Nam tổ chức kỷ niệm 20 năm Ngày thành lập, nhân dịp này, Tạp chí BHXH có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Nguyễn Văn Tiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội.
Ngày 13/06/2014, Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2015. Luật sửa đổi lần này có nhiều nội dung mới mang tính đột phá mạnh mẽ, cơ bản đã khắc phục được những hạn chế, tạo cơ chế pháp lý, bảo đảm quyền lợi của người tham gia BHYT và tính bền vững của Quỹ BHYT. Thưa Tiến sĩ, yêu cầu đặt ra đối với các cơ quan, ban, ngành liên quan trong triển khai thực hiện Luật BHYT (sửa đổi)?
TS. Nguyễn Văn Tiên: Với nhiều nỗ lực của Ban soạn thảo cũng như cơ quan thẩm tra, đặc biệt sự kiên quyết của lãnh đạo Quốc hội và các bộ liên quan, tại kỳ họp thứ 7 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT đã được Quốc hội thông qua với một số quy định mang tính đột phá và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2015.
Chính phủ đã ban hành văn bản hướng dẫn thi hành Luật BHYT sửa đổi, hội nghị triển khai tại 02 khu vực tại TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh đã được tiến hành và ngay trong ngày đầu tiên của năm mới 2015, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện nhắc nhở các cơ quan liên quan và các địa phương về việc triển khai thực hiện quy định của luật. Bộ Y tế và BHXH Việt Nam rất tích cực và chủ động hoàn thành nhiều công việc được giao, chuẩn bị các điều kiện cơ bản để thực hiện tốt luật.
Tuy vậy, vẫn cần sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của các cơ quan liên quan. Chính phủ khẩn trương ban hành Nghị định hướng dẫn về thực hiện BHYT trong lực lượng vũ trang (Quân đội và Công an), Bộ Y tế sớm ban hành bảng giá dịch vụ KCB theo BHYT cho bệnh viện cùng hạng. BHXH Việt Nam phải kịp thời đề xuất cơ chế để UBND cấp xã lập danh sách làm cơ sở cho các cơ quan liên quan cấp thẻ BHYT, đặc biệt khẩn trương tổ chức quản lý thông tin thẻ để đảm bảo người dân đi KCB thuận lợi và hạn chế sự lạm dụng BHYT khi từng bước mở thông tuyến theo lộ trình được quy định tại luật.
Điều đáng lo ngại nhất là việc tổ chức triển khai ở các tỉnh, thành phố. Vừa qua, tại 02 hội nghị triển khai thực hiện Luật BHYT sửa đổi cho thấy sự chưa quan tâm sâu sát đến chính sách BHYT của một số lãnh đạo chính quyền cấp tỉnh, đây là điều đáng lo nhất để thực hiện Luật BHYT. Ngành Y tế, cơ quan tham mưu cho UBND cấp tỉnh tại một số nơi có vẻ ít quan tâm, còn BHXH cấp tỉnh thì vai trò và chức năng cũng có những hạn chế nhất định trong hệ thống chính trị ở địa phương. Vì vậy, dù Luật BHYT sửa đổi vừa có hiệu lực, nhưng thiết nghĩ các cơ quan ở Trung ương sớm tổ chức các đoàn đi giám sát, nhắc nhở các địa phương, nếu không sẽ khó đạt lộ trình BHYT toàn dân theo Nghị quyết số 21 của Bộ Chính trị và Nghị quyết của Quốc hội đã đề ra.
Luật BHYT (sửa đổi, bổ sung năm 2014) đã quy định BHYT là hình thức bảo hiểm bắt buộc được áp dụng đối với các đối tượng, như vậy, theo quy định này, từ năm 2015 tất cả thành viên trong xã hội đều phải tham gia BHYT, không còn hình thức BHYT tự nguyện, đây là hành lang pháp lý quan trọng để thực hiện thắng lợi mục tiêu BHYT toàn dân mà Đảng và Nhà nước ta đã đề ra. Thưa Tiến sĩ, cần có giải pháp như thế nào để thực thi nghiêm chính sách, pháp luật về BHYT?
TS. Nguyễn Văn Tiên: Đến nay, BHYT đã bao phủ được khoảng 71% dân số, như vậy, khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT có hiệu lực và được triển khai, con đường đến BHYT toàn dân của Việt Nam sẽ không xa lắm, thực ra đạt đến 90%-95% cũng là mỹ mãn lắm rồi, vì có thể 5-10% dân số còn lại họ có đủ tiền để khám, chữa bệnh ở những nơi đắt nhất nên không cần đến BHYT, còn người nghèo và các đối tượng khác đã có các loại cơ chế đan xen hỗ trợ nên đa số họ đã tham gia BHYT. Tuy nhiên, nếu tất cả các cơ quan, ban ngành và chính quyền không tích cực vào cuộc và thiếu sự hợp tác của gần 30% dân số chưa có BHYT thì cũng khó có mục tiêu BHYT toàn dân.
Trước hết, chỉ tiêu bao phủ BHYT phải được ghi trong Nghị quyết về phát triển KT-XH hàng năm của Quốc hội, của HĐND cấp tỉnh, vì đó coi là chỉ tiêu pháp lệnh thì cuối năm mới kiểm điểm đánh giá và quy trách nhiệm, không thể hô hào chung chung rồi cuối năm đạt hay không đạt cũng chả biết quy lỗi cho cơ quan nào.
Trên cơ sở có chỉ tiêu Nghị quyết, Chính phủ/UBND cấp tỉnh sẽ giao trách nhiệm và phân công cụ thể cho các ngành; đồng thời trong cơ chế liên tịch giữa chính quyền với Mặt trận tổ quốc Việt Nam và đoàn thể xã hội các cấp sẽ phối hợp chỉ đạo cụ thể để tuyên truyền và vận động nhân dân tham gia BHYT.
Dựa trên cơ sở pháp lý của Luật BHXH sửa đổi, Chính phủ sẽ chỉ đạo BHXH Việt Nam tổ chức triển khai lực lượng thanh tra, kiểm tra để xử lý các trường hợp cố tình vi phạm pháp luật về BHYT.
Hiện nay, theo Luật BHYT sửa đổi đã quy định BHYT đã là bắt buộc, vì vậy dịch vụ KCB theo BHYT cũng như việc tham gia BHYT phải thuận lợi và hấp dẫn hơn. Để đạt được mục tiêu này, về phía Ngành Y tế bên cạnh tiếp tục chấn chỉnh y đức và cải tiến tổ chức khám, chữa bệnh thì việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế thống nhất giữa các bệnh viện cùng hạng, tổ chức đấu thầu giá thuốc theo quy định của Luật Đấu thầu sửa đổi sẽ là yếu tố tích cực để nâng cao chất lượng dịch vụ KCB. Riêng với BHXH Việt Nam, cần liên tục có những sáng kiến cải tiến để người dân tham gia BHYT dễ dàng, thanh toán nhanh chóng tại các bệnh viện, đặc biệt khi có thay đổi về chế độ hưởng BHYT cần minh bạch, giải trình cặn kẽ để người dân hiểu rõ ngọn ngành, thông cảm với Ngành BHXH làm công việc “Làm dâu trăm họ”.
Ngày 16/02/1995, Chính phủ ban hành Nghị định số 19/CP thành lập BHXH Việt Nam, trên cơ sở thống nhất các tổ chức BHXH ở Trung ương và địa phương thuộc hệ thống Lao động - Thương binh và Xã hội và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Thực hiện chủ trương cải cách bộ máy của Chính phủ, từ năm 2003, hệ thống BHYT chuyển giao vào BHXH Việt Nam, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, góp phần bảo đảm An sinh xã hội trong tình hình mới. Nhân dịp kỷ niệm 20 năm Ngày thành lập BHXH Việt Nam, xin Tiến sĩ cho biết những đánh giá đối với sự nghiệp BHXH ở nước ta?
TS. Nguyễn Văn Tiên: Trước hết, phải khẳng định rằng, sự nghiệp BHXH đã góp phần bảo đảm ổn định đời sống cho người lao động, ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy sự nghiệp xây dựng đất nước, bảo vệ Tổ quốc. Đặc biệt bắt nhịp chuyển đổi theo cơ chế mới và tạo nền tảng cơ bản về An sinh xã hội cho việc xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Việc chuyển giao BHYT Việt Nam sang BHXH Việt Nam để thực hiện các chế độ về An sinh xã hội cơ bản đã tạo điều kiện để các bên hỗ trợ lẫn nhau, giảm bớt các thủ tục hành chính trong BHXH và BHYT. Sự cải cách thể hiện rõ nét nhất là có đầu mối thu chung, đặc biệt những năm Quỹ BHYT bị bội chi đã được Quỹ BHXH hỗ trợ kịp thời; quản lý 02 quỹ tài chính An sinh xã hội cơ bản đã được tập trung thống nhất, tách bạch chức năng quản lý nhà nước và quản lý quỹ (tránh tình trạng vừa đá bóng vừa thổi còi)… Kết quả tăng số người tham gia BHXH, BHYT cũng như chỉ số về quản lý các quỹ là minh chứng cụ thể cho thành tựu của Ngành BHXH trong 20 năm qua. Phải nói rằng, BHXH Việt Nam là mô hình có nhiều kinh nghiệm tốt trong tổ chức thực hiện chế độ, chính sách BHXH, BHYT, BHTN cũng như quản lý các nguồn quỹ.
Tuy đạt được kết quả như trên, nhưng để đáp ứng được những mục tiêu mà Đảng và Nhà nước đề ra (Nghị quyết 21-NQ/TW ngày 22/11/2012 của Bộ Chính trị “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012 – 2020”, Luật BHXH và Luật BHYT), Ngành BHXH cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa trong việc chuyên nghiệp hóa về BHXH và BHYT, cải tiến và áp dụng công nghệ tin học, giảm thủ tục hành chính. Kế tục những thành tựu đạt được trong 20 năm qua, trong thời gian tới, mong cán bộ Ngành BHXH lưu ý mấy vấn đề khi tham mưu đề xuất chính sách chế độ và thực hiện nghiệp vụ chuyên môn:
- Trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, mặc dù chính sách An sinh xã hội được Nhà nước hỗ trợ, nhưng khi thay đổi quyền lợi của người tham gia BHXH cũng như BHYT hãy hết sức cân nhắc và phải dựa trên tính toán khoa học, kinh nghiệm thế giới. Thực tế một số chính sách An sinh xã hội ở nước ta vừa qua đã cho bài học lớn, ví dụ chưa lường hết phát sinh khi mở rộng cơ chế BHYT tự nguyện, khi mở rộng danh mục thuốc BHYT chi trả với 01 số thuốc biệt dược đắt tiền cũng như chế độ bảo hiểm hưu trí với khu vực công… Vì vậy, đến khi uốn nắn lại để bảo đảm các chế độ theo quy luật thì gặp khó khăn từ nhiều phía.
- Cán bộ Ngành BHXH phải nêu cao tinh thần trách nhiệm trong thực thi công việc, nên coi người tham gia BHXH và BHYT là thượng đế, hãy cố gắng bảo vệ quyền lợi theo luật định của bệnh nhân, tạo điều kiện để người bệnh hưởng đủ quyền lợi của BHYT và đấu tranh với các hành vi trục lợi BHYT của các bên; tạo điều kiện người dân tham gia BHXH, BHYT và người lao động hưởng các chế độ BHXH, được về hưu thuận lợi nhất. Thực tế hiện nay có một số đơn vị do nhiều nguyên nhân trong đó có tình trạng do làm ăn khó khăn, thua lỗ liên miên nên chưa có khả năng đóng BHXH, BHYT cho người lao động, đối với những trường hợp này Ngành BHXH một mặt kiên quyết trong việc thu nợ BHXH, BHYT nhưng cũng đồng thời đề xuất với các cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực BHXH tạo cơ chế hợp lý để người lao động ở các đơn vị đó khi có đủ điều kiện được nghỉ hưu thuận lợi, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho người lao động.
Bước sang giai đoạn phát triển mới, chúc Ngành BHXH đạt nhiều kết quả hơn nữa trong tổ chức thực hiện chế độ, chính sách BHXH, BHYT, góp phần vào bảo đảm An sinh xã hội của đất nước./.
Trân trọng cảm ơn Tiến sĩ!
Nguồn TC BHXH
Tham gia BHXH - Trọn vòng an sinh
Tham Gia BHXH tự nguyện ngay hôm nay - An tâm cho ...
Quyền lợi của người dân khi tham gia BHXH tự ...
Thông báo Lịch nghỉ Tết Dương lịch năm 2025
Bảo hiểm xã hội tỉnh Lâm Đồng Thông báo: Chi trả lương hưu, ...
BHXH Lâm Đồng tập huấn công tác bảo vệ bí mật nhà nước
Khảo sát mức độ hài lòng đối với sự phục vụ hành chính công ...
Thực trạng công tác phát triển người đồng bào dân tộc thiểu ...