Dấu ấn trong xây dựng pháp luật về BHXH

10/02/2015 07:03 AM


Năm 2015, tròn 20 năm kể từ thời điểm Điều lệ BHXH đầu tiên được Chính phủ ban hành, đặt những viên gạch đầu tiên để xây dựng nền tảng thể chế BHXH cho thời kỳ đổi mới theo tinh thần Hiến pháp năm 1992. Dấu mốc này càng cần được nhắc lại khi mới đây, tại kỳ họp cuối năm 2014, Quốc hội đã thông qua Luật BHXH (sửa đổi). Nghĩ về năm 2014, với những thành viên của Ủy ban Về các vấn đề xã hội nói chung và cá nhân tôi nói riêng, điều đọng lại của một năm hoạt động đại biểu cảm xúc nhất, ấn tượng nhất chính là việc đã hoàn thành Luật BHXH (sửa đổi) - một trong những đạo luật được xây dựng tích cực nhất, khẩn trương nhất, bằng trách nhiệm cao nhất để kịp thời thể chế hóa tư tưởng của Hiến pháp mới về quyền được bảo đảm An sinh xã hội của người dân.

Dọc theo chiều dài hàng chục năm của quá trình xây dựng, phát triển và hoàn thiện chính sách, pháp luật BHXH ở nước ta, có thể thấy sự phối hợp khăng khít và đầy trách nhiệm giữa Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội với các cơ quan thuộc Chính phủ, mà BHXH Việt Nam là một trong những chủ thể quan trọng. Trên suốt con đường đó, từ khi thí điểm BHXH ngoài quốc doanh để có cơ sở thực tiễn xây dựng Nghị định số 43/CP ngày 22/06/1993 của Chính phủ, hợp nhất tổ chức BHXH thống nhất trong phạm vi cả nước, từ Nghị định 12/1995/NĐ-CP đến Nghị định số 01/2003/NĐ-CP đến Luật BHXH năm 2006, mỗi bước tiến của chính sách đều thể hiện đậm nét dấu ấn, vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan tổ chức thực hiện chính sách và cơ quan tham mưu xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật.

Lần giở lại lịch sử phát triển, hoàn thiện pháp luật BHXH có thể thấy, Nhà nước ta đã đặt ra vấn đề xây dựng Luật BHXH từ rất sớm. Thực hiện Nghị quyết Kỳ họp thứ 02 Quốc hội khóa X, ngày 28, 29/03/2001 (chỉ 06 năm sau ngày BHXH Việt Nam được chính thức thành lập), tại phiên họp thường kỳ của Chính phủ, Bộ LĐ-TB&XH đã trình Thủ tướng Chính phủ Dự thảo Luật BHXH lần thứ nhất. Ngày 22/05/2001, tại Kỳ họp thứ 09 Quốc hội khóa X, lần đầu tiên dự thảo Luật BHXH đã được đưa ra bàn thảo. Tuy nhiên, do còn nhiều vấn đề chưa thống nhất, Quốc hội đã quyết định để Chính phủ có thêm thời gian tập hợp ý kiến đóng góp của các tổ chức, quần chúng, nhân dân, người lao động trong các thành phần kinh tế, tiếp tục hoàn thiện Dự án Luật BHXH, trình Quốc hội vào những kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa XI. Ngày 02/04/2002, tức là chỉ sau 07 năm tại Kỳ họp thứ 11, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa X đã thông qua Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2003, trong đó các nội dung về BHXH tiếp tục được quy định, củng cố và hoàn thiện.

Ngày 25/11/2004, tại Nghị quyết số 35/2004/QH11 của Quốc hội khóa XI về chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2005 có nội dung về xây dựng Luật BHXH.

Xác định Luật BHXH là đạo luật có tác động mạnh mẽ đến đại bộ phận người lao động, đặc biệt để thực hiện chủ trương BHXH cho mọi người lao động, chỉ sau 05 năm thực hiện Luật BHXH năm 2006, trước những yêu cầu cấp thiết từ thực tiễn, Quốc hội đã đưa nội dung sửa đổi Luật BHXH vào chương trình xây dựng, hoàn thiện pháp luật. Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội được giao là cơ quan đầu mối chủ trì phối hợp với các cơ quan của Chính phủ tổ chức khảo sát, xây dựng Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi). Sau 20 năm xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật BHXH, chúng tôi nhận thấy quá trình hoàn thiện chính sách, pháp luật không chỉ đơn thuần là tổng hợp những tồn tại, vướng mắc của Luật hiện hành, để từ đó đề xuất xây dựng, điều chỉnh Luật (sửa đổi) cho phù hợp với thực tiễn mà còn là quá trình không ngừng tương tác, đổi mới nhận thức, là việc kiên trì, bản lĩnh để tìm kiếm, củng cố, và đẩy mạnh truyền thông về những lập luận khoa học và xác đáng để thuyết phục các đại biểu Quốc hội.

Là một đạo luật có liên quan mật thiết đến mọi người lao động nhưng lại mang tính chuyên môn sâu nên không phải tất cả những người chịu sự điều chỉnh của Luật đều có sự hiểu biết về những thiết kế chế độ, chính sách. Thực tế này tồn tại ngay trong chính các đại biểu Quốc hội. Điều này càng đòi hỏi các cơ quan tham mưu xây dựng Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) phải hết sức thận trọng và kiên trì trong việc thúc đẩy và kiến tạo những bước đi chắc chắn trên con đường đi đến sự đồng thuận.

Theo kế hoạch làm việc của Quốc hội, năm 2014, trong Kỳ họp thứ 8, sẽ thông qua Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi). Là đại biểu Quốc hội chuyên trách, làm việc tại Ủy ban Về các vấn đề xã hội, tôi đã quá quen với quy trình và những việc phải làm khi thực hiện sửa Luật nhưng vẫn không khỏi lo lắng. Từ thực tiễn quá trình giám sát tối cao thực hiện chính sách, pháp luật BHXH qua các năm, những nội dung cần phải sửa đổi trong Luật đã được nhìn nhận tương đối rõ, yêu cầu sửa đổi là sự bắt buộc tất yếu. Theo dõi quá trình thảo luận đi đến thống nhất nội dung sửa đổi Luật BHXH trên nghị trường có thể thấy là một quá trình hết sức phức tạp, thậm chí trong chừng mực nào đó, mức độ căng thẳng có lẽ nhiều hơn so với các dự thảo Luật khác. Còn nhớ, tại Kỳ họp thứ 7, khi Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) được trình các đại biểu Quốc hội xem xét, vấn đề nâng tuổi nghỉ hưu nhận được nhiều ý kiến hơn cả. Tiếp thu ý kiến tại Kỳ họp thứ 7, vấn đề nâng tuổi nghỉ hưu đã được đưa ra khỏi nội dung Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi). Trước thềm Kỳ họp Quốc hội thứ 8, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội đã phối hợp với cơ quan soạn thảo, BHXH Việt Nam và các Bộ, ngành tổ chức nhiều cuộc tham vấn công chúng, hội thảo lấy ý kiến, đóng góp vào Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi). Các nội dung của Dự thảo Luật cơ bản nhận được sự đồng thuận, tưởng như quá trình thảo luận, thông qua của Quốc hội sẽ không khó khăn đáng kể. Tuy nhiên, đến phiên thảo luận tại hội trường về một số nội dung đã được chốt phương án tại Kỳ họp thứ 7 tiếp tục nhận được ý kiến khác nhau, sự phức tạp, căng thẳng mới thực sự lên đỉnh điểm. Một số nội dung nhận được nhiều ý kiến khác nhau, chưa có sự đồng thuận dù chỉ ở mức tương đối; điển hình là quy định về cách tính lương hưu. Đáng ngại hơn, theo kế hoạch, còn quá ít thời gian đến ngày Dự thảo Luật được các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua. Thậm chí còn có sự kiện kịch tính đến mức ngay trước ngày dự kiến thông qua Luật, ngay trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH được truyền hình trực tiếp, có đại biểu Quốc hội nêu ý kiến ngay tại hội trường, đề xuất không thông qua Dự thảo Luật tại kỳ họp lần này. Là đại biểu chuyên trách, tham gia soạn thảo nội dung sửa đổi Luật từ những ngày đầu tiên, hơn ai hết tôi cảm nhận rõ khó khăn và áp lực lúc này. Để bảo đảm tính dân chủ khách quan, Thường vụ Quốc hội quyết định lấy ý kiến biểu quyết lựa chọn các phương án đề xuất quy định trong các Điều 2, 54, 62 (liên quan đến quy định về đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, quy định điều kiện hưởng lương hưu, quy định mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH để tính lương hưu, trợ cấp một lần). Sau khi thống nhất về nội dung một số điều, Quốc hội cho ý kiến thông qua Luật BHXH (sửa đổi). Với 355/424 đại biểu tán thành, tương ứng tỷ lệ 71,43% so với tổng số đại biểu Quốc hội, Luật BHXH (sửa đổi) đã chính thức được Quốc hội khóa XIII thông qua, có hiệu lực vào ngày 01/01/2016. Các thành viên của tổ biên soạn sửa đổi Luật BHXH đã có thể yên tâm, thở phào nhẹ nhõm và chia sẻ niềm vui chung về kết quả cuối cùng này.

Như vậy, năm 2014 trở thành dấu mốc quan trọng trong tiến trình xây dựng, hoàn thiện pháp luật An sinh xã hội của đất nước. Trong đó, Luật BHXH (sửa đổi) là một trong những đạo luật quan trọng, với vai trò là một trong những trụ cột chính của An sinh xã hội đã được Đảng, Nhà nước khẳng định về mặt chủ trương chính sách. Từ việc hiến định trong Hiến pháp 2013, đến Luật BHXH (sửa đổi), thực sự là một bước tiến dài về chủ trương, chính sách, cho thấy quan điểm nhất quán của Đảng, Nhà nước về xây dựng An sinh xã hội. Định hướng thực hiện BHYT toàn dân, mở rộng diện bao phủ BHXH đã được Luật hóa, tạo cơ sở quan trọng, bảo đảm tính khả thi trong thực tiễn. Với vai trò là cơ quan quản lý Quỹ BHXH, Quỹ BHYT, trực tiếp tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHTN, BHYT, BHXH Việt Nam cũng là cơ quan bận rộn nhất trong năm vừa qua. Từ phục vụ quá trình giám sát tối cao thực hiện chính sách, pháp luật BHXH hằng năm, đến việc phục vụ sửa đổi Luật, trong năm 2014, cán bộ của Ngành BHXH là những người sát cánh cùng các đại biểu Quốc hội nhiều nhất (từ các địa phương đến Trung ương), lẽ dĩ nhiên cũng là những người cảm nhận rõ nhất sự căng thẳng trong quá trình sửa đổi Luật BHXH, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT. Ấn tượng hơn cả có lẽ là Thứ trưởng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh - người chỉ mới nhận chức Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam từ ngày 19/03/2014, nhưng trong vai trò là người đứng đầu cơ quan tổ chức thực hiện chính sách, ngay trong lần đầu tiên dự một phiên họp tại Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh đã được các đại biểu Quốc hội quan tâm chất vấn về những vấn đề hết sức nóng lúc bấy giờ. Càng gần tới thời điểm Luật BHXH (sửa đổi) trình Quốc hội biểu quyết thông qua, chắc chắn lãnh đạo BHXH Việt Nam cũng là những người phải lo lắng, căng thẳng nhiều hơn cả. Đó cũng là sự đồng cảm, thấu hiểu giữa những người hoạch định chính sách và người tổ chức thực hiện chính sách.

Dù vậy, sau những căng thẳng lo lắng của năm 2014, với việc Quốc hội thông qua Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi), Ngành BHXH đã có thể yên tâm, sẵn sàng với nhiệm vụ 2015 cũng như chiến lược phát triển các năm tiếp theo. Với những sửa đổi quan trọng trong Luật BHXH, lộ trình thực hiện BHXH cho mọi người lao động, thực hiện hiến định đã được quy định trong Hiến pháp 2013 “Công dân đều có quyền được bảo đảm An sinh xã hội” chắc chắn sẽ có nhiều thuận lợi cơ bản. Quyền lợi BHXH của người lao động được nâng lên; vai trò, trách nhiệm thực hiện BHXH của các Bộ, ngành, UBND các tỉnh thành phố được luật hóa sẽ tạo động lực để chính sách BHXH được thực hiện hiệu quả hơn. Vị thế của Ngành BHXH cũng được nâng lên một tầm cao mới, xứng đáng với vai trò, nhiệm vụ bảo đảm An sinh xã hội cho nhân dân. Theo quy định tại Luật BHXH (sửa đổi), BHXH Việt Nam được giao chức năng thanh tra chuyên ngành việc đóng BHXH, BHTN, BHYT, xử lý vi phạm pháp luật về BHXH, BHTN, BHYT. Trong bối cảnh nợ BHXH, BHYT có chiều hướng gia tăng, đây sẽ là cơ sở quan trọng giúp Ngành BHXH hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, khắc phục những hạn chế trong công tác thu, thanh, kiểm tra, bảo đảm quyền lợi cho người lao động. Ngoài những thuận lợi, áp lực với Ngành BHXH cũng sẽ rất lớn. Với những thay đổi trong Luật, số người tham gia BHXH, BHYT sẽ tăng lên. Bên cạnh đó, phải thực hiện quy định thông tuyến khám, chữa bệnh toàn quốc, cung cấp thông tin đóng BHXH cho người lao động, thu BHYT theo hộ gia đình, thu BHXH bắt buộc với lao động hợp đồng từ 1-3 tháng… Thực hiện những quy định mới này, đòi hỏi công tác quản lý của Ngành BHXH phải được đổi mới, hiện đại hóa một cách mạnh mẽ.

Với bài học kinh nghiệm qua thực tiễn 20 năm xây dựng và phát triển, cùng với những thuận lợi mới, BHXH Việt Nam chắc chắc sẽ tiếp tục vững bước trong sự nghiệp xây dựng Chiến lược An sinh xã hội của đất nước. Trên cơ sở Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT và Luật BHXH mới, công tác tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT sẽ có nhiều chuyển biến tích cực; quyền lợi người lao động sẽ được bảo đảm hiệu quả hơn, khẳng định hiệu quả đổi mới chính sách của Đảng, Nhà nước. Đó cũng là điều mà các đại biểu Quốc hội, những người hoạch định chính sách mong chờ và hy vọng./.

TS.Bùi Sĩ Lợi

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội