Hướng dẫn một số nội dung về thu BHXH, BHYT, BHTN

13/01/2015 08:21 AM


Theo Luật Việc làm về BHTN và Nghị định số 103/2014/NĐ-CP ngày 11/11/2014 của Chính phủ quy định mức lương tối thiểu vùng, BHXH Việt Nam vừa ban hành Công văn số 5471/BHXH-BT ngày 31/12/2014 hướng dẫn một số nội dung về thu BHXH, BHYT, BHTN.

Theo đó, Công văn số 5471/BHXH-BT hướng dẫn tạm thời về thu BHTN theo quy định tại Luật Việc làm, áp dụng cho các đối tượng tham gia BHTN, bao gồm:

(1) Người lao động  làm việc theo các loại hợp đồng lao động (HĐLĐ), hợp đồng làm việc (HĐLV), tính cả thời gian thử việc: HĐLĐ, HĐLV không xác định thời hạn; HĐLĐ, HĐLV xác định thời hạn; HĐLĐ theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng. Trường hợp người lao động theo theo quy định tại điểm này đang hưởng lương hưu, giúp việc gia đình thì không phải tham gia BHTN.

(2) Người sử dụng lao động tham gia BHTN theo quy định tại Khoản 3, Điều 43 Luật Việc làm, bao gồm cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị vũ trang nhân dân; tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội xã hội - nghề nghiệp; cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam; doanh nghiệp, HTX, hộ gia đình, hộ kinh doanh, tổ hợp tác, tổ chức khác và cá nhân có thuê mướn, sử dụng lao động theo HĐLĐ, HĐLV quy định như trên.

Mức đóng BHTN được tính như sau: Mức đóng hàng tháng của người lao động bằng 1% tiền lương tháng làm căn cứ đóng BHTN; mức đóng hàng tháng của người sử dụng lao động bằng 1% quỹ tiền lương tháng đóng BHTN của những người lao động đang tham gia BHTN; Nhà nước hỗ trợ tối đa 1% quỹ tiền lương tháng đóng BHTN của những người lao động đang tham gia BHTN và do ngân sách Trung ương bảo đảm, BHXH địa phương không thu khoản tiền hỗ trợ này mà do BHXH Việt Nam thực hiện.

Tiền lương tháng làm căn cứ đóng BHTN:

- Người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định thì tiền lương tháng đóng BHTN là tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc theo quy định của Luật BHXH. Trường hợp mức tiền lương tháng đóng BHTN cao hơn 20 tháng lương cơ sở thì mức tiền lương tháng đóng BHTN bằng 20 tháng lương cơ sở tại thời điểm đóng BHTN.

- Người lao động đóng BHTN theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tiền lương tháng đóng BHTN là tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc thực hiện theo quy định của Luật BHXH. Trường hợp mức tiền lương tháng đóng BHTN bằng 20 tháng lương tối thiểu vùng thì mức tiền lương tháng đóng BHTN bằng 20 tháng lương tối thiểu vùng theo quy định của Bộ luật Lao động tại thời điểm đóng BHTN.

Ngoài ra, Công văn còn hướng dẫn về mức lương tối thiểu vùng quy định tại Nghị định số 103/2014/NĐ-CP làm căn cứ thu BHXH, BHYT, BHTN kể từ ngày 01/01/2015, áp dụng cho các đối tượng doanh nghiệp thành lập, tổ chức quản lý và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp (kể cả doanh nghiệp FDI); hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các tổ chức khác của Việt Nam có thuê mướn lao động theo hợp đồng lao động; các cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế và cá nhân người nước ngoài tại Việt Nam có thuê mướn lao động theo hợp đồng lao động. Mức lương tối thiểu vùng được áp dụng theo vùng, địa bàn cụ thể là Vùng I – 3.100.000 đồng; vùng II – 2.750.000; vùng III – 2.400.000 và Vùng IV – 2.150.000. Áp dụng mức lương tối thiểu vùng làm cơ sở thỏa thuận tiền lương ghi trong HĐLĐ làm căn cứ đóng BHXH, BHYT, mức tiền lương thấp nhất làm căn cứ đóng BHXH, BHYT đối với người lao động không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng áp dụng đối với doanh nghiệp theo quy định tại Nghị định số 103/2014/NĐ-CP. Trường hợp người lao động đã qua học nghề thì mức lương thấp nhất trả cho người lao động phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng.

Nguồn TC BHXH