BHYT bao phủ gần 90% dân số cho các dịch vụ khám chữa bệnh
29/08/2019 05:00 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Trong các ngày 29/8 - 30/8/2019, tại Siem Reap, Campuchia, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã dẫn đầu đoàn đại biểu của Bộ Y tế nước CHXHCN Việt Nam tham dự Hội nghị Bộ trưởng Y tế ASEAN lần thứ 14 và các Hội nghị liên quan.
Quang cảnh hội nghị.
Tại Phiên toàn thể của Hội nghị có chủ đề “Tăng cường Sức khỏe cho mọi người dân ASEAN” diễn ra chiều ngày 29/8/2019, Bộ trưởng Bộ Y tế Việt Nam Nguyễn Thị Kim Tiến đã có bài phát biểu về chủ đề của Hội nghị. Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nêu rõ: Việt Nam đã thực hiện nhiều chính sách cải cách y tế nhằm tăng cường hiệu quả hoạt động của hệ thống y tế nhằm cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe tốt hơn cho người dân.
Thứ nhất, tăng cường năng lực mạng lưới y tế cơ sở trong cung ứng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, chú trọng tới tăng cường sức khỏe, chăm sóc sức khỏe ban đầu và phòng ngừa bệnh tật là trọng tâm của đổi mới. Dịch vụ chăm sóc sức khỏe ở tuyến y tế cơ sở được mở rộng và cung ứng dựa trên nguyên lý y học gia đình. Nguồn nhân lực y tế cơ sở được tăng cường cả về số lượng và chất lượng. Theo báo cáo giám sát năm 2017 về UHC của WHO và WB, chỉ số bao phủ dịch vụ y tế của Việt Nam được đánh giá ở mức 73 điểm trong tổng số 100; trong khi mức điểm trung bình của các nước khu vực Đông nam Châu Á là 59 điểm và điểm trung bình của toàn cầu là 64 điểm.
Thứ hai, để đảm bảo tất cả mọi người dân đều được tiếp cận các dịch vụ y tế cơ bản mà không phải chịu gánh nặng về tài chính, ngân sách nhà nước bao phủ 100% dân số thuộc nhóm đối tượng đích cho các dịch vụ dự phòng, trong khi BHYT xã hội bao phủ gần 90% dân số cho các dịch vụ khám chữa bệnh. Chính phủ trợ cấp 100% mệnh giá BHYT cho đối tượng yếu thế và trợ cấp 70% mệnh giá cho người cận nghèo.
Thứ ba, đổi mới cơ chế tài chính y tế. Đây được coi là một chính sách quan trọng để cải thiện hiệu quả hoạt động của hệ thống chăm sóc sức khỏe. Chi tiêu công cho y tế đã tăng đáng kể từ năm 2000. Năm 2016, tổng chi tiêu cho y tế của Việt Nam đạt mức 5,9% GDP và 129 USD/đầu người.
Thứ tư, nhận thức được việc tăng thêm ngân sách cho y tế là rất khó khăn, do vậy, ưu tiên của Việt Nam là tận dụng tối đa nguồn lực tài chính sẵn có và tăng hiệu suất sử dụng nguồn tài chính thông qua một số giải pháp như: Củng cố hệ thống cung ứng cung ứng dịch vụ y tế dựa trên nền tảng của chăm sóc sức khỏe ban đầu, chú trọng tới nâng cao sức khỏe và phòng bệnh; Rà soát và xác định gói quyền lợi bảo hiểm y tế trên cơ sở lựa chọn các dịch vụ/thuốc có bằng chứng về chi phí-hiệu quả thông qua tiến hành đánh giá công nghệ y tế; Đổi mới phương thức chi trả dịch vụ y tế, chuyển từ hình thức thanh toán theo phí dịch vụ sang chi trả theo định suất và theo nhóm chẩn đoán DRG; giảm giá thuốc thông qua việc thực hiện mua sắm toàn quốc tập trung và đàm phán giá thuốc cũng như thúc đẩy việc sử dụng thuốc do Việt Nam sản xuất.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cũng đã chia sẻ những thách thức Việt Nam gặp phải trong quá trình thực hiện đổi mới. Mặc dù chi phí tiền túi từ hộ gia đình đã giảm đáng kể trong những năm gần đây nhưng vẫn còn cao ở mức khoảng 40%. Các nguồn lực chủ yếu vẫn tập trung hơn vào các dịch vụ chữa bệnh trong khi kinh phí không đủ để chi cho các dịch vụ nâng cao sức khỏe, dự phòng và y tế công cộng. Các nhóm đối tượng yếu thế (đặc biệt là người dân tộc và những người sống ở các tỉnh nghèo, miền núi) có chỉ số về sức khỏe thấp hơn mức trung bình và có khả năng tiếp cận thấp hơn tới các cơ sở y tế có chất lượng tốt. Sự chênh lệch về chất lượng chăm sóc sức khỏe giữa nông thôn và đô thị vẫn còn tồn tại, gây nên tình trạng vượt tuyến trong khám chữa bệnh. Nhu cầu chăm sóc sức khỏe tăng lên với gánh nặng của bệnh không lây nhiễm, già hóa dân số, mong đợi của người dân về chăm sóc sức khỏe tăng lên, cùng với sự phát triển của công nghệ cao và dịch vụ đắt tiền là những yếu tố có thể ảnh hưởng đến tài chính y tế bền vững.
Bộ trưởng đã khẳng định cam kết của Việt Nam trong thực hiện Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững hướng tới mục tiêu bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân.
Bộ trưởng Bộ Y tế Campuchia tiếp song phương Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến.
Hội nghị Bộ trưởng Y tế ASEAN 14 đã thông qua Tuyên bố chung của các Bộ trưởng, đồng ý tiếp tục duy trì và sử dụng những lợi ích từ việc thực hiện Chương trình Phát triển Y tế ASEAN sau năm 2015 và tiến tới xây dựng các chương trình hành động mới và các dự án cho giai đoạn 2021 - 2025. Các Bộ trưởng cũng cam kết thúc đẩy già hóa lành mạnh và tích cực, đồng thời thừa nhận việc thành lập Trung tâm ASEAN về Tuổi già năng động và sáng tạo (ACAI) sẽ hỗ trợ các chính sách về già hóa tích cực, tăng cường năng lực và hợp tác giữa các quốc gia ASEAN về lĩnh vực này.
Các Bộ trưởng cũng nhắc lại cam kết thúc đẩy các hành động để ngăn ngừa và kiểm soát các bệnh không lây nhiễm; hợp tác và thực hiện hiệu quả các hoạt động phòng chống các bệnh truyền nhiễm, mới nổi và tái bùng phát; đồng thời ủng hộ sáng kiến Một ASEAN trong Ứng phó và quản lý thảm họa trong y tế. Các Bộ trưởng tái khẳng định cam kết đối với Tuyên bố của các nhà lãnh đạo ASEAN về kháng kháng sinh (AMR); Ủng hộ việc hoàn thiện Kế hoạch hành động của WHO trong việc chống lại thuốc giả và thuốc kém chất lượng bằng cách tăng cường cơ chế của các cơ quan quản lý Nhà nước; Hỗ trợ công tác đảm bảo an toàn thực phẩm; Cam kết tăng cường công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu để đạt được bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân. Các Bộ trưởng cũng đánh giá cao sự nỗ lực của các quan chức cấp cao và các Nhóm Công tác chuyên môn trong việc tăng cường hợp tác và thực hiện Chương trình Phát triển Y tế của ASEAN sau năm 2015, đồng thời đánh giá cao sự đóng góp của các Đối tác phát triển, các Tổ chức quốc tế, các ngân hàng phát triển và các khu vực tư nhân, các tổ chức xã hội.
Hội nghị Bộ trưởng Y tế ASEAN 14 cũng đã thông qua nội dung dự thảo Tuyên bố của các Nhà Lãnh đạo ASEAN về An ninh và tự lực vắc xin. Văn kiện này sẽ được đệ trình lên các Nhà Lãnh đạo ASEAN tuyên bố tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 35 tổ chức tại Thái Lan tháng 11/2019.
Bên lề Hội nghị AHMM 14, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã có cuộc họp với với TS. Takeshi Kasai, Giám đốc WHO khu vực Tây Thái Bình Dương. Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã đánh giá cao sự hỗ trợ kỹ thuật và tài chính của WHO cho ngành y tế Việt Nam thời gian qua, đặc biệt là hỗ trợ Việt Nam nghiên cứu, xây dựng chính sách trong công tác chăm sóc, phòng ngừa và tăng cường sức khỏe cho người dân Việt Nam. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã đề nghị WHO khu vực hỗ trợ Việt Nam một số hoạt động trong thời gian tới nhằm thực hiện lộ trình Bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân bao gồm tổ chức Hội nghị quốc tế về phòng chống bệnh không lây nhiễm tại Việt Nam; hỗ trợ nghiên cứu, xây dựng cơ chế tài chính y tế để thực hiện bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân./.
PV
Tham gia BHXH - Trọn vòng an sinh
Tham Gia BHXH tự nguyện ngay hôm nay - An tâm cho ...
Quyền lợi của người dân khi tham gia BHXH tự ...
Thông báo Lịch nghỉ Tết Dương lịch năm 2025
Bảo hiểm xã hội tỉnh Lâm Đồng Thông báo: Chi trả lương hưu, ...
BHXH Lâm Đồng tập huấn công tác bảo vệ bí mật nhà nước
Khảo sát mức độ hài lòng đối với sự phục vụ hành chính công ...
Thực trạng công tác phát triển người đồng bào dân tộc thiểu ...