Cải tiến quy trình thực hiện chế độ bảo hiểm tại nạn lao động tại Việt Nam

26/09/2014 04:03 AM


Ngày 24/09/2014, tại Hà Nội, BHXH Việt Nam phối hợp với Cơ quan phúc lợi và đền bù cho người lao động Hàn Quốc (Comwel) tổ chức Hội thảo Cải tiến quy trình thực hiện chế độ bảo hiểm tại nạn lao động tại Việt Nam. Thứ trưởng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh tới dự và phát biểu tại hội thảo. Tham dự hội thảo có lãnh đạo Cơ quan phúc lợi và đền bù cho người lao động Hàn Quốc (Comwel) và Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc (Koica); đại diện của một số bộ, ngành liên quan…


Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh nêu bật những nỗ lực của Ngành tăng cường hoạt động hợp tác quốc tế thông qua việc thiết lập mối quan hệ, triển khai các quan hệ hợp tác với các tổ chức An sinh xã hội trong khu vực và trên thế giới. Việc trao đổi, học tập kinh nghiệm càng trở nên thiết thực hơn khi Việt Nam đang trong quá trình sửa đổi, bổ sung Luật BHXH, Luật BHYT và xây dựng Luật An toàn, vệ sinh lao động nhằm xây dựng một hệ thống BHXH bền vững và nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ người dân. Chính sách đền bù cho người lao động ở Việt Nam đã được cải thiện thông qua việc sửa đổi, bổ sung Luật BHYT, trong đó các chi phí điều trị y tế cho người bị tại nạn lao động sẽ do Quỹ BHYT và chủ sử dụng lao động cùng chi trả nhằm tăng cường sự tuân thủ, giảm bớt gánh nặng tài chính cho chủ sử dụng lao động trong trường hợp người lao động bị tai nạn. Bên cạnh đó, Dự thảo Luật An toàn, vệ sinh lao động dự kiến sẽ được đưa ra Quốc hội dự thảo trong kỳ họp tháng 10/2014, trong đó tập trung các nội dung của chính sách đền bù cho người lao động, hỗ trợ chuyển đổi nghề quay trở lại thị trường lao động, phòng ngừa tại nạn lao động và giảm thiểu các rủi ro nghề nghiệp cho người lao động.

Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Minh nhấn mạnh: là cơ quan trực thuộc chính phủ có nhiệm vụ cung cấp dịch vụ An sinh xã hội cho người dân Việt Nam, BHXH Việt Nam đã triển khai thực hiện tốt các chính sách BHXH, BHYT trong đó có chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Chế độ này đã giúp bảo đảm cho người lao động phục hồi chức năng và khả năng lao động nếu bị tai nạn lao động hoặc mắc bệnh nghề nghiệp, đồng thời giúp họ ổn định cuộc sống khi bị mất một phần hoặc hoàn toàn khả năng lao động. Do đó, chế độ tai nạn lao động bệnh nghề nghiệp có ý nghĩa to lớn về về mặt chính trị và xã hội. Trong những năm qua, BHXH Việt Nam đã cung cấp chế độ đền bù tại nạn lao động và bệnh nghề nghiệp cho hàng vạn người lao động và quản lý quỹ tại nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hiệu quả. Tuy nhiên, tình hình tai nạn lao động tại Việt Nam có chiều hướng gia tăng làm thiệt hại lớn về sinh mạng, sức khỏe của người lao động và tài sản, đặc biệt chi phí điều trị, phục hồi chức năng và trợ cấp đền bù cho người bị nạn lên tới hàng trăm tỷ đồng/năm. Thực tiễn thực hiện chế độ đền bù cho người lao động cho thấy công tác chăm sóc sức khỏe y tế và đền bù kịp thời là vô cùng cần thiết nhằm đảm bảo quyền lợi cho người lao động. Theo Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Minh, để đạt được mục tiêu trên, BHXH Việt Nam cần phải nâng cao năng lực quản trị hệ thống, cải tiến quy trình nghiệp vụ thực hiện chế độ tại nạn lao động, cải cách hành chính, giảm thiểu các thủ tục gây phiền hà, khó khăn cho doanh nghiệp và tại nạn lao động trong việc đóng BHXH và yêu cầu hưởng chế độ.


Thứ trưởng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh chụp ảnh lưu niệm với các đại biểu tham dự hội thảo

Để cải tiến quy trình xử lý bồi thường bảo hiểm đối người lao động tại Việt Nam, Ông Kim Jooyung, Trưởng ban pháp lý, Trưởng đoàn Cơ quan phúc lợi và đền bù cho người lao động Hàn Quốc (Comwel) cho rằng: Việt Nam cần đơn giản hóa quy trình thực hiện chế độ bảo hiểm tại nạn lao động; Luật BHXH cần được sửa đổi theo hướng xóa bỏ quy định nộp hồ sơ có sổ BHXH, nộp chứng nhận tai nạn giao thông và nộp thẻ cư trú. Cụ thể, thay vì người lao động bị tại nạn lao động, bệnh nghề nghiệp phải nộp sổ BHXH để yêu cầu được hưởng các lợi ích liên quan như hiện hành thì quy định này sẽ được xóa bỏ đối với người tham gia BHXH từ năm 2009. Vì vậy, thông tin của người tham gia BHXH trước năm 2009 phải được cập nhật dần vào máy tính cho đến khi toàn bộ thông tin được lưu trữ trên kho dữ liệu BHXH Việt Nam. Việc sử dụng dữ liệu máy tính sẽ nhanh và chính xác hơn so với thủ công như hiện nay. Mặt khác, theo quy định của BHXH Việt Nam, người lao động phải nộp chứng nhận cư trú trong trường hợp gặp tai nạn giao thông; nhưng thực tế, người lao động gặp rất nhiều khó khăn trong việc chuẩn bị văn bản này nếu nơi sống của người đó khác với địa chỉ ghi trên chứng nhận cư trú. Chưa kể, họ khó có thể lấy chứng nhận tai nạn giao thông từ cơ quan công an có thẩm quyền nếu cơ quan đó nằm cách xa nơi xảy ra tai nạn hoặc tai nạn không quá nghiêm trọng. Ông Kim Jooyung đề xuất, BHXH Việt Nam cần thảo luận với các bộ, ngành liên quan để xóa bỏ các quy định trên. Do đó, người lao động bị thương tích có thể yêu cầu tức thì và nhận quyết định nhanh chóng về bồi thường thương tật lao động. Còn cơ quan chức năng sẽ giảm được thời gian đưa ra quyết định về tai nạn giao thông nhờ tối giản các văn bản cần nộp từ phía người lao động.

Tại hội thảo, các đại biểu đã nghe và thảo luận về các nội dung chăm sóc và bồi thường trong hệ thống bảo hiểm thương tật lao động tại Hàn Quốc; hệ thống quản lý bảo hiểm thương tật lao động bằng công nghệ thông tin của Hàn Quốc; dự thảo cải tiến quy trình bồi thường thương tật lao động tại Việt Nam.

Hội thảo “Cải tiến quy trình thực hiện chế độ bảo hiểm tại nạn lao động tại Việt Nam” là một hoạt động trong khuôn khổ của “Chương trình đào tạo giai đoạn năm 2013 – 2015” do Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (Koica) tài trợ. Mục đích của hoạt động hợp tác này nhằm trao đổi những kinh nghiệm quý báu trong thực hiện chương trình đền bù cho người lao động tại Hàn Quốc và xây dựng một cuốn sổ tay nghiệp vụ cải thiện quy trình nghiệp vụ thực hiện chính sách bảo hiểm tại nạn lao động tại Việt Nam, góp phần nâng cao hiệu quả trong thực hiện chính sách bảo hiểm tại nạn lao động, cải cách thủ tục hành chính và nâng cấp dịch vụ tốt hơn cho người lao động./.

Nguồn TC BHXH