Gia Lai: lấy ý kiến tham gia dự thảo Luật BHXH (sửa đổi)

22/09/2014 03:07 AM


Sáng ngày 16/9/2014, HĐND tỉnh Gia Lai phối hợp với BHXH tỉnh tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý tham gia Luật BHXH (sửa đổi), với sự chủ trì của đồng chí Huỳnh Thành, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, đồng chí Thới Văn Đạo, Giám đốc BHXH tỉnh. Dự Hội nghị cò có đồng chí Bùi Văn Cường, Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy Doanh nghiệp Trung ương, lãnh đạo các Sở, ban, Ngành của Tỉnh, một số doanh nghiệp lớn trên địa bàn cùng lãnh đạo BHXH tỉnh và BHXH các huyện, thị xã, thành phố.

 


Theo báo cáo đánh giá của đồng chí Đoàn Ngô- Phó Giám đốc BHXH tỉnh, sau 07 năm thực hiện, Luật BHXH và các văn bản hướng dẫn thi hành đã đi vào cuộc sống, phát huy tích cực trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, người sử dụng lao động, góp phần thực hiện mục tiêu an sinh xã hội của đất nước. Tuy nhiên, quá trình tổ chức thực hiện Luật BHXH đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, diện bao phủ BHXH còn thấp (chiếm khoảng 20% lực lượng lao động); nguyên tắc đóng - hưởng chưa phù hợp; số người nhận trợ cấp một lần tăng; mức tiền lương làm căn cứ đóng BHXH thấp so với thu nhập thực tế của người lao động, dẫn đến tiềm ẩn nguy cơ mất cân đối Quỹ BHXH trong tương lai gần. Vì vậy, Luật BHXH (sửa đổi) lần này tập trung vào một số nội dung: Về mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc và tự nguyện; về sửa đổi mức lương đóng BHXH, điều chỉnh mức hưởng lương hưu hàng tháng, mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH để tính lương hưu, trợ cấp BHXH hướng đến cân đối quỹ hưu trí, tử tuất; về giao thẩm quyền thanh tra việc đóng BHXH cho cơ quan BHXH; quy định về chi phí quản lý BHXH và hoạt động đầu tư quỹ BHXH; về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và việc mở rộng một số quyền lợi đối với người tham gia BHXH...

Tại hội nghị, các đại biểu tham gia nhiều ý kiến đóng góp đề nghị sửa đổi Luật BHXH cho phù hợp, trong đó tập trung vào các vấn đề: mở rộng các nhóm đối tượng tham gia BHXH bắt buộc và tự nguyện, đưa đối tượng lao động hợp đồng từ 1 đến 3 tháng vào đối tượng tham gia BHXH bắt buộc là hợp lý nhằm hạn chế việc trốn đóng của các đơn vị sử dụng lao động, song cũng cần phải có các quy định cụ thể tránh khó khăn cho doanh nghiệp. Đối với đối tượng cán bộ không chuyên trách cấp xã nên đưa vào diện tham gia BHXH tự nguyện trong đó có sự hỗ trợ của Nhà nước. Khuyến khích các hộ nông, lâm, ngư nghiệp tham gia BHXH tự nguyện. Nhà nước cũng xem xét có chính sách hỗ trợ các nhóm đối tượng này để đảm bảo an sinh xã hội lâu dài.

Đối với chế độ hưu trí, đề nghị áp dụng phương án điều chỉnh lương hưu hàng tháng theo lộ trình đến năm 2018. Về tuổi nghỉ hưu đề nghị nên tăng tuổi nghỉ hưu các nhóm đối tượng theo quy định của Bộ Luật Lao động.

Có ý kiến đại biểu cho rằng, nên bổ sung sự tham gia của tổ chức Công đoàn trong phối hợp khiếu kiện các đơn vị vi phạm trên lĩnh vực BHXH, BHYT. Riêng vấn đề trốn đóng, chiếm dụng tiền BHXH, BHYT sẽ được tiếp tục đề nghị bổ sung vào Bộ Luật hình sự.

Đa phần ý kiến đại biểu cho rằng, nên giao thẩm quyền thanh tra đóng BHXH, BHYT cho cơ quan BHXH tạo điều kiện để cơ quan BHXH thực hiện chức năng về quản lý Nhà nước trong việc tổ chức thực hiện tốt chính sách BHXH, BHYT.

Đối với tỉnh Gia Lai, các đại biểu cũng đề nghị nên đưa chỉ tiêu mở rộng đối tượng tham gia BHXH, BHYT trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trình HĐND vì hiện nay chỉ xây dựng chỉ tiêu số người tham gia BHYT trên địa bàn, cần tạo điều kiện để các đơn vị sử dụng lao động dùng người đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn, góp phần thực hiện tốt Nghị quyết 21-NQ/TW của Bộ Chính trị với mục tiêu đến năm 2020 cả nước có 50% lực lượng lao động tham gia BHXH, có 35% lực lượng lao động tham gia BHTN và theo Chương trình 55-CT/TU của Tỉnh ủy Gia Lai đến năm 2020 có 15% lực lượng lao động tham gia BHXH, có 11% lực lượng lao động tham gia BHTN.

Nguồn baohiemxahoi.gov.vn