BHXH Việt Nam: 06 nhóm nhiệm vụ trong công tác cải cách hành chính năm 2013

11/01/2013 08:32 AM


Nhằm củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC); giải quyết kịp thời, đầy đủ chế độ, chính sách BHXH, BHYT đối với nhân dân, người lao động… BHXH Việt Nam xây dựng Kế hoạch công tác cải cách hành chính năm 2013 với 06 nhóm nhiệm vụ chính.

 


Bộ phận “một cửa” tại BHXH Việt Nam (ảnh minh họa)

Về cải cách thủ tục hành chính (TTHC), thường xuyên rà soát để kịp thời phát hiện, loại bỏ, sửa đổi những TTHC không phù hợp; xây dựng các quy trình thẩm định việc giải quyết chế độ, chính sách BHXH, BHYT phù hợp với quy định pháp luật và thực tiễn địa phương. Ban hành quyết định công bố công khai các TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết, thường xuyên cập nhật và cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC và Trang tin điện tử BHXH Việt Nam, chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành nghiêm túc thực hiện việc niêm yết các TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết tại trụ sở. Khi ban hành mới các quy định về TTHC phải đảm bảo tính cần thiết, hợp lý, hợp pháp, hiệu quả, tránh làm phát sinh TTHC gây khó khăn cho đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BHTN. Tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân về quy định hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của BHXH Việt Nam. Phối hợp chặt chẽ với Bộ, ngành liên quan trong việc đề nghị sửa đổi, bổ sung Luật BHXH, Luật BHYT, hoàn thành phương án đơn giản hóa các TTHC hiện còn vướng mắc.

Về cải cách tổ chức bộ máy, dựa trên quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của BHXH Việt Nam do Chính phủ quy định, tiếp tục củng cố, kiện toàn để nâng cao hiệu quả trong các mặt hoạt động, đáp ứng nhu cầu tình hình mới; hoàn thiện các văn bản quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các đơn vị nhằm khắc phục tình trạng chồng chéo, bỏ trống hoặc trùng lặp; nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động của bộ phận “một cửa” tại BHXH tỉnh, huyện để thực hiện tiếp nhận hồ sơ, giải quyết TTHC, tạo thuận lợi cho đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BHTN.

Về xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức, tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ; tiếp tục chuyển đổi tác phong làm việc từ hành chính thụ động sang hành chính phục vụ; triển khai công tác xây dựng quy hoạch cán bộ giai đoạn 2015 – 2020; áp dụng Đề án vị trí việc làm đã được Bộ Nội vụ phê duyệt làm cơ sở cho việc tuyển dụng, sử dụng công chức, viên chức của Ngành và phân bổ biên chế cho BHXH các địa phương; thực hiện nghiêm túc các quy định về quản lý, bổ nhiệm; tăng cường công tác kiểm tra thường xuyên, đột xuất công chức, viên chức trong thực thi nhiệm vụ, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm kỷ luật, kỷ cương hành chính và đạo đức công vụ, gây khó khăn, phiền hà cho đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BHTN.

Về cải cách tài chính công, thực hiện các nhiệm vụ sau: Tiếp tục hoàn thiện chính sách và hệ thống tiền lương, tiền công trong nội bộ Ngành; tham gia hoàn thiện chính sách An sinh xã hội (đặc biệt là tích cực tham gia ý kiến với Bộ, ngành liên quan trình Chính phủ đề nghị Quốc hội xem xét sửa đổi Luật BHXH, BHYT cho phù hợp với thực tiễn, xây dựng Quy định Quản lý chi trả các chế độ BHXH theo hướng đơn giản hóa các TTHC, nghiên cứu phương án mở rộng triển khai chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng qua hệ thống Bưu điện); đổi mới cơ chế phân bổ ngân sách cho các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam, BHXH các tỉnh, thành; đổi mới cơ chế tài chính đối với các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam, BHXH các tỉnh, thành.

Về hiện đại hóa hành chính, tập trung triển khai thực hiện Quyết định số 714/QĐ-BHXH ngày 02/7/2012 của TGĐ BHXH Việt Nam về ban hành Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của Ngành BHXH giai đoạn 2012 - 2015. Tiếp tục xây dựng, triển khai 02 dự án “Xây dựng phần mềm quản lý các hoạt động nghiệp vụ của Ngành BHXH” và “Nâng cấp các phần mềm nghiệp vụ hiện tại và xây dựng mới một số phần mềm”. Trước hết là nâng cấp, đưa vào sử dụng các phần mềm: Tiếp nhận và quản lý hồ sơ BHXH; Quản lý Thu SMS; Giám định, thống kê và thanh quyết toán chi phí khám, chữa bệnh… Đồng thời, khảo sát, xây dựng 02 phần mềm Quản lý văn bản, lịch làm việc tại cơ quan BHXH Việt Nam và Quản lý nhân sự phục vụ cho công tác tổ chức – cán bộ của Ngành. Bên cạnh đó, tiếp tục xây dựng và triển khai áp dụng các đề án “Cơ sở dữ liệu Ngành về người hưởng BHXH”; “Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2008 đối với cơ quan BHXH Việt Nam”; “Quy hoạch xây dựng cơ sở vật chất của Ngành đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030”…

Về công tác chỉ đạo điều hành, lãnh đạo các ban nghiệp vụ, thủ trưởng các đơn vị trực thuộc BHXH, Giám đốc BHXH các tỉnh, thành có trách nhiệm thường xuyên quan tâm đến chỉ đạo, điều hành công tác CCHC; tuyên truyền, phổ biến sâu, rộng, có trọng tâm, trọng điểm, bằng nhiều hình thức khác nhau để ngày càng nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức Ngành đối với công tác CCHC; tăng cường công tác kiểm tra thường xuyên, đột xuất các đơn vị trong quá trình thực hiện CCHC để kịp thời tháo gỡ khó khăn, động viên, khen thưởng các tập thể, cá nhân thực hiện tốt và kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Nguồn TC BHXH