Không có chuyện vỡ quỹ BHXH

15/05/2014 03:58 AM


Đó là một trong những nội dung được BHXH Việt Nam đưa ra tại Hội nghị cung cấp thông tin định kỳ về BHXH, BHYT Quý II/2014 tới các cơ quan truyền thông chiều ngày 12/05. Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đỗ Thị Xuân Phương chủ trì hội nghị. Tham dự có đại diện lãnh đạo một số đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam; đại diện lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí Trung ương và Hà Nội. Đây là hoạt động thường kỳ của BHXH Việt Nam nhằm cung cấp, cập nhập thông tin về BHXH, BHYT cho các cơ quan truyền thông, báo chí, kịp thời tháo gỡ vướng mắc, giải tỏa băn khoăn của dư luận.


Không có chuyện vỡ quỹ BHXH

Thời gian vừa qua, nhiều báo chí đưa tin theo dự báo Quỹ BHXH sẽ vỡ vào năm 2034. Ông Trần Đình Liệu, Trưởng Ban Thu BHXH Việt Nam khẳng định Quỹ BHXH không thể vỡ mà chỉ có thể bị thâm hụt, bởi quỹ luôn được ngân sách bảo lãnh. Có tình trạng này vì hiện nay tình trạng vi phạm pháp luật trốn đóng, nợ đóng BHXH diễn ra khá phức tạp, có nhiều doanh nghiệp thành lập, sử dụng lao động nhưng trốn đóng hoặc khi trích khoản đóng của người lao động lại kéo dài thời gian làm ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của người lao động.

Hiện nay, số đơn vị đăng ký thành lập doanh nghiệp là khoảng trên 500 nghìn doanh nghiệp, nhưng thực tế có khoảng trên 300 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động và chỉ có 150 nghìn doanh nghiệp tham gia BHXH, như vậy có đến 50% doanh nghiệp không tham gia BHXH. Theo thống kê của Ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, số đối tượng có quan hệ lao động thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc là khoảng 16 triệu người, trong khi đó đối tượng đang tham gia BHXH là gần 11 triệu người, chiếm 68,8% số người phải tham gia. Như vậy, còn trên 5 triệu người chưa tham gia BHXH, tương ứng số thu BHXH, BHYT khoảng 56 nghìn tỷ đồng/năm.

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp ký hợp đồng lao động bằng mức tiền lương tối thiểu hoặc ký 2 hợp đồng với người lao động ở các mức khác nhau và lấy hợp đồng có số tiền lương phải trả ít hơn số thực trả để đăng ký với cơ quan BHXH. Hiện nay, tiền lương, tiền công bình quân của người lao động đang tham gia BHXH của khối doanh nghiệp ngoài Nhà nước khoảng 2,8 triệu đồng; theo báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, thực tế tiền lương, tiền công và các khoản phụ cấp ngoài lương khoảng 3,8 triệu đồng. Như vậy, với khoản chênh lệch 1 triệu đồng thì số thu BHXH, BHYT tương ứng khoảng 24 nghìn tỷ đồng/năm.

Nợ BHXH, BHYT xảy ra tại hầu hết các địa phương. Tính đến hết tháng 12/2013, tổng số nợ BHXH, BHYT, BHTN  là trên 6,4 nghìn tỷ đồng (trong đó: nợ BHXH trên 4,7 nghìn tỷ đồng; nợ BHTN trên 0,3 nghìn tỷ đồng và nợ BHYT trên 1,4 nghìn tỷ đồng). Tính đến hết tháng 3/2014, tổng số nợ BHXH, BHYT, BHTN là trên 11 nghìn tỷ đồng (trong đó: nợ BHXH trên 7,4 nghìn  tỷ đồng; nợ BHTN trên  0,5 nghìn tỷ đồng và nợ BHYT trên 3,1 nghìn tỷ đồng). Đặc biệt có nhiều đơn vị để nợ trong thời gian dài, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động. Có trường hợp chủ doanh nghiệp chiếm dụng tiền BHXH như thực hiện trích trừ tiền BHXH, BHYT của người lao động nhưng không nộp vào quỹ BHXH...

Nhiều sai phạm là thế nhưng ngành BHXH lại không được quyền xử phạt ngay mà phải đưa kiến nghị lên cấp có thẩm quyền, mất nhiều thời gian dẫn đến nhiều vụ việc có sai phạm vẫn nằm trên hồ sơ. Cụ thể, trong tổng số khoảng 6.000 đơn vị có kiến nghị phạt hành chính nhưng chỉ có 15% trong số đó bị xử phạt.

Ông Trần Đình Liệu cũng đưa ra kinh nghiệm quản lý trốn đóng, nợ BHXH tại một số nước trên thế giới mà BHXHVN đang nghiên cứu. Các nước như Pháp, Mỹ, Hàn Quốc,  Xin-ga-po, Ma-lai-xi-a... tuy tổ chức BHXH được gọi với các tên khác nhau tuy nhiên đều được trao quyền vừa thu, vừa chi, quản lý đầu tư quỹ và thanh tra xử phạt như cơ quan Nhà nước. Tổ chức BHXH có quyền thanh tra tất cả các doanh nghiệp đang hoạt động, nếu cố tình không khai báo, trốn đóng, chậm đóng BHXH thì bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định của Pháp luật BHXH. Sau khi xử lý xử phạt vi phạm hành chính thì yêu cầu tòa án cưỡng chế và khởi tố dân sự, hình sự đối với doanh nghiệp trốn đóng, nợ BHXH tùy theo mức độ để áp dụng. Tổ chức BHXH còn có quyền yêu cầu các tổ chức liên quan tiến hành các hoạt động kiểm toán, tòa án, tịch thu và bán tài sản của doanh nghiệp hoặc thu hồi giấy phép kinh doanh của doanh nghiệp hoặc phải tuyên bố phá sản, để thu hồi tiền trốn, nợ tiền đóng BHXH vào quỹ BHXH.

Để cân bằng quỹ BHXH, trong dự thảo sửa đổi Luật BHXH sẽ trình Quốc hội trong tháng 5 tới, tập trung vào 8 nhóm giải pháp để cân bằng quỹ BHXH. Đó là mở rộng đối tượng; tăng độ tuổi nghỉ hưu; tăng chế tài xử phạt vi phạm quy định về đóng BHXH; đầu tư tăng trưởng quỹ BHXH bằng việc sửa đổi hình thức đầu tư “cho ngân hàng thương mại của nhà nước vay” sang “gửi tiền tại ngân hàng thương mại do Nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ”; Bổ sung quyền lợi đối với người tham gia BHXH như chế độ thai sản; chế độ hưu trí; quỹ tử tuất; chế độ 1 lần; điều chỉnh tiền lương cho người hưởng lương hưu và chuyển 50% số kết dư của quỹ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và toàn bộ số kết dư quỹ BHXH tự nguyện đến trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành sang quỹ hưu trí, quỹ tử tuất.

Những vấn đề liên quan đến sửa đổi, bổ sung Luật BHYT

Tại Hội nghị, ông Vũ Xuân Bằng, Phó trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT cũng trình bày những vấn đề liên quan đến đến sửa đổi, bổ sung Luật BHYT.

BHXH Việt Nam đã chủ động, tích cực tham gia xây dựng, sửa đổi, bổ sung Luật BHYT, cung cấp các dữ liệu liên quan đến tình hình KCB BHYT; xây dựng dự báo tác động tài chính của dự án Luật đến khả năng cân đối quỹ BHYT đến năm 2020 để giúp cho việc sửa đổi, bổ sung Luật BHYT. Đồng thời góp ý trực tiếp và bằng văn bản tới Ban soạn thảo để hoàn thiện dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật BHYT. Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT có 25/52 điều được sửa đổi, bổ sung so với Luật BHYT hiện hành.

Bắt buộc tham gia BHYT

Luật BHYT hiện hành đang quy định các đối tượng có “trách nhiệm” tham gia BHYT chưa đủ mạnh để đảm bảo việc tuân thủ pháp luật của các đối tượng tham gia BHYT. Thực tế qua 4 năm triển khai thực hiện Luật BHYT cho thấy, nếu không quy định bắt buộc thì sẽ có nhiều nhóm đối tượng, nhất là các đối tượng khỏe mạnh, có thu nhập cao, ổn định cũng không tham gia BHYT mà chỉ những người có nguy cơ bệnh tật cao, thậm chí đã mắc các bệnh nặng, hiểm nghèo, cần chi phí lớn như ung thư, suy thận mãn, huyết áp, tiểu đường, tim mạch mới tham gia BHYT tạo nên tình trạng “lựa chọn ngược”, làm gia tăng khả năng mất cân đối quỹ và ảnh hưởng lớn đến tính bền vững của chính sách BHYT. Ông Bằng cũng chỉ rõ kinh nghiệm của các nước đã thực hiện thành công chính sách BHYT xã hội như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan... cho thấy chỉ có thể đạt được mục tiêu BHYT toàn dân khi quy định rõ trong Luật BHYT tính bắt buộc toàn dân phải tham gia BHYT.

Việc quy định tham gia BHYT là hình thức bắt buộc cùng với việc Nhà nước hỗ trợ ngân sách cho một số nhóm đối tượng chính sách xã hội như người có công với cách mạng, người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, hộ cận nghèo, học sinh sinh viên, trẻ em dưới 6 tuổi... sẽ là điều kiện tiên quyết, cơ bản và thuận lợi để thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân. Mặt khác, tính pháp lý của việc bắt buộc tham gia BHYT cũng có ý nghĩa nhân văn tương tự như quy định bắt buộc tiêm chủng với phụ nữ có thai và trẻ em trong Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm.

Dự thảo Luật lần này đã quy định rõ BHYT là hình thức bắt buộc được áp dụng đối với mọi đối tượng tham gia BHYT; đồng thời có chế tài xử phạt khi không tham gia BHYT (đối với cơ quan, tổ chức) và khuyến khích giảm mức đóng đối với tham gia BHYT theo hộ gia đình.

Về việc xây dựng gói dịch vụ y tế cơ bản

Gói dịch vụ y tế cơ bản được xây dựng và thực hiện trong tổ chức KCB BHYT sẽ đáp ứng nhu cầu thiết yếu trong chăm sóc sức khỏe nhân dân, phù hợp với khả năng chi trả của quỹ BHYT và từng địa phương, để người tham gia BHYT được hưởng lợi từ chính sách BHYT. Đồng thời, gói dịch vụ y tế cơ bản do BHYT chi trả cũng cần được xây dựng phù hợp với khả năng chi trả của quỹ BHYT, ngân sách và mức đóng BHYT nhằm đảm bảo sự công bằng trong chăm sóc sức khỏe nhân dân và tính bền vững của chính sách an sinh xã hội.

Phân nhóm đối tượng tham gia BHYT

Nhằm đảm bảo nguyên tắc tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý và tổ chức thực hiện, dự thảo Luật đã phân đối tượng thành 5 nhóm theo trách nhiệm đóng, trong đó nhóm được ngân sách nhà nước hỗ trợ một phần mức đóng và nhóm tự đóng BHYT tham gia theo hình thức hộ gia đình để tránh tình trạng “lựa chọn ngược”, chỉ có người ốm mới tham gia BHYT và không mang tính chia sẻ cộng đồng. Ngoài ra, Luật đã bổ sung đối tượng lực lượng Công an và Quân đội sẽ tham gia BHYT nhưng theo lộ trình để đảm bảo tính chia sẻ cộng đồng và phù hợp với nhiệm vụ đặc thù của Công an và Quân đội. Trước mắt 2 đối tượng này quản lý quỹ riêng; ngoài việc được hưởng quyền lợi KCB BHYT, phần còn lại do ngân sách nhà nước hỗ trợ.

Mở rộng quyền lợi BHYT

Dự thảo Luật lần này đã mở rộng quyền lợi được hưởng BHYT, trong đó: Người nghèo, dân tộc thiểu số sinh sống tại vùng khó khăn, người sống tại vùng đặc biệt khó khăn; thân nhân liệt sĩ không phải đồng chi trả; Người cận nghèo, thân nhân người có công khác: giảm mức đồng chi trả từ 20% xuống 5%; Không phải đồng chi trả khi tham gia liên tục 5 năm và có số tiền cùng chi trả trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở; Được KCB tại xã và huyện trên cùng địa bàn không coi là trái tuyến; Được quỹ BHYT chi trả khi điều trị lác, cận thị và tật khúc xạ của mắt của trẻ em dưới 6 tuổi; tai nạn lao động; KCB trong trường hợp tự tử, tự gây thương tích; KCB tổn thương về thể chất, tinh thần do hành vi vi phạm pháp luật của người đó gây ra.

Tuy nhiên, dự thảo cũng giảm một số quyền lợi như: Giảm tỷ lệ thanh toán trái tuyến, vượt tuyến từ 30% xuống 20% tại BV tuyến TW để giảm bớt tình trạng quá tải tuyến trên; Bỏ thanh toán KCB tại nước ngoài.


Phó Tổng Giám đốc Đỗ Thị Xuân Phương phát biểu kết luận Hội nghị

Kết luận Hội nghị, Phó Tổng Giám đốc Đỗ Thị Xuân Phương nhấn mạnh, BHXH, BHYT là hai chính sách trụ cột của hệ thống An sinh xã hội, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của nhân dân, người lao động. Kể từ khi có hiệu lực, Luật BHXH, Luật BHYT ngày càng đi vào cuộc sống và được dư luận quan tâm, nhất là trong thời điểm hai Dự thảo Luật BHXH, Luật BHYT sửa đổi sắp được trình Quốc hội. Thay mặt lãnh BHXH Việt Nam, đồng chí Phó Tổng Giám đốc trân trọng cảm ơn sự quan tâm, giúp đỡ tích cực của các cơ quan truyền thông, báo chí đã kịp thời cung cấp thông tin, định hướng dư luận, tạo sự đồng thuận cao trong việc xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật BHXH, BHYT.  Chỉ trong Quý 01/2014, đã có 500 tin, bài về BHXH, BHYT đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, góp phần phổ biến chế độ, chính sách BHXH, BHYT đến nhân dân, người lao động; phản ánh kịp thời hành vi vi phạm pháp luật BHXH, BHYT, biểu hiện lạm dụng quỹ…; tồn tại, vướng mắc trong thực hiện chế độ, chính sách…. thể hiện sự coi trọng và sát cánh của các cơ quan truyền thông, báo chí đối với BHXH Việt Nam trong công tác tuyên truyền.

Phó Tổng Giám đốc Đỗ Thị Xuân Phương mong rằng, trong khuôn khổ hội nghị, không thể giải đáp hết vấn đề vướng mắc, các cơ quan truyền thông, báo chí có thể trực tiếp liên hệ với BHXH Việt Nam nếu có nhu cầu, để được cung cấp thông tin một cách chi tiết, chính xác hơn. BHXH Việt Nam sẵn sàng chia sẻ, cung cấp thông tin, tuyên truyền về quá trình sửa đổi Luật BHXH, BHYT trên các phương tiện thông tin đại chúng…/.

Nguồn baohiemxahoi.gov.vn