Cần xem xét bổ sung thêm thẩm quyền quản lý Nhà nước cho cơ quan BHXH
09/05/2014 09:41 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) được kỳ vọng sẽ đem đến nhiều quyền lợi tốt hơn cho NLĐ, trách nhiệm của chủ sử dụng lao động (SDLĐ), cơ quan quản lý được quy định cụ thể hơn. Tuy nhiên, vẫn còn một số vướng mắc liên quan đến công tác thanh kiểm tra cũng như quy định chi phí quản lý BHXH Việt Nam. Báo BHXH đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, cơ quan thẩm tra dự án Luật.
* PV: Theo dự báo của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), với chính sách hiện hành thì Quỹ BHXH đến năm 2021 có thể bắt đầu bị mất cân đối và đến năm 2034 hoàn toàn cạn kiệt. Theo ông, cần những giải pháp gì để duy trì được khả năng cân đối Quỹ BHXH?
-TS. Bùi Sỹ Lợi: Chúng ta cần phải nói rõ để NLĐ yên tâm, Quỹ BHXH bao gồm: Quỹ BHXH ngắn hạn (ốm đau, thai sản và TNLĐ- BNN) và Quỹ BHXH dài hạn (hưu trí, tử tuất), Quỹ BHXH được Nhà nước bảo hộ, không bị phá sản, theo quy định tại Khoản 2, Điều 6, Luật BHXH năm 2006. Hiện nay, Quỹ BHXH ngắn hạn đang kết dư cao (hơn 30.000 tỷ) và không có nguy cơ mất cân đối. Điều đáng quan tâm nhất là quỹ BH hưu trí, tử tuất có khả năng bị mất cân bằng trong tương lai gần, nếu không có sự thay đổi về chính sách. Theo dự báo, Quỹ hưu trí và tử tuất có số thu bằng số chi vào năm 2021, từ năm 2022 trở đi để đảm bảo chi chế độ hưu trí, tử tuất, ngoài số thu trong năm phải trích thêm từ số dư của tồn tích Quỹ và đến năm 2034 thì số thu BHXH trong năm và số dư tồn tích Quỹ không đảm bảo khả năng chi trả. Để khắc phục tình trạng này, chúng ta phải giải quyết được những mâu thuẫn từ chính hệ thống pháp luật hiện hành.
Trước hết, độ bao phủ BHXH tại nước ta chưa rộng khắp, việc tuân thủ pháp luật về BHXH cũng rất thấp. Hiện cả nước có khoảng 10,9 triệu người tham gia BHXH bắt buộc, trong khi lực lượng lao động hiện có khoảng 15- 16 triệu người. Như vậy còn 4- 5 triệu người thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc nhưng chưa đóng. Cùng với đó, đối tượng tham gia BHXH tự nguyện tăng chậm mới đạt hơn 170.000 người (chiếm khoảng 0,5%) tổng số người có thể tham gia BHXH tự nguyện. Rõ ràng nếu quy mô đối tượng không tăng thì tính chia sẻ trong BHXH không cao. Độ tuổi nghỉ hưu hiện hành của nữ là 55, nam 60, là thấp hơn nhiều so với các nước. Tuy nhiên, những người lao động bị suy giảm khả năng lao động; làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm việc ở vùng cao, vùng râu, vùng xa, biên giới hải đảo vẫn thực hiện giảm tuổi nghỉ hưu theo quy định tại khoản 2, Điều 187 Bộ luật lao động 2012. Chính vì lẽ đó, tuổi bình quân của người về hưu hiện thời chỉ có 54,2 tuổi. Trong khi đó, tuổi thọ bình quân của người Việt Nam đã xấp xỉ 74.
Bên cạnh đó, tỉ lệ đóng BHXH hiện nay đã ở mức cao (22% tiền lương). Nếu cộng cả BHYT, BH thất nghiệp thì tỉ lệ này lên đến 33,5%. Đáng chú ý, mức lương làm căn cứ đóng BHXH mới tính trên tiền lương tối thiểu vùng, chưa thu trên tiền lương thực tế theo Điều 90 Bộ luật Lao động. Mức hưởng BHXH lại cao, tối đa 75% tiền lương bình quân của 5 năm, hay 10 năm cuối khi nghỉ hưu, tuy tỷ lệ hưởng tối đa cao nhưng thực tế thu nhập của người về hưu vẫn còn thấp.
Một vấn đề hết sức quan trọng chính là công tác quản lý, bảo toàn, đầu tư tăng trưởng Quỹ BHXH. Lâu nay chúng ta mới cơ bản bảo toàn được Quỹ BHXH mà chưa có tăng trưởng. Có những thời kỳ tỷ lệ lãi suất từ tồn tích quỹ BHXH cho vay hoặc mua trái phiếu Chính phủ còn thấp hơn chỉ số CPI. Chính vì vậy, nếu chúng ta vẫn duy trì Luật BHXH như hiện hành thì chuyện mất cân bằng Quỹ BHXH trong tương lai là điều đương nhiên.
* Một trong những nội dung sửa đổi Luật BHXH lần này là tăng tuổi nghỉ hưu của NLĐ. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng sức khỏe người Việt Nam không thể đáp ứng công việc, nhất là lao động nữ trong ngành dệt may, da giày, cao su... Ý kiến của ông về vấn đề này ra sao?
- Nói như vậy không có nghĩa là quy định tuổi nghỉ hưu bình quân cho tất cả mọi người như nhau. Một số ngành nghề quy định tuổi nghỉ hưu không phải 62 với nam và 60 với nữ mà có thể cao hơn nữa như giáo dục, y tế đã thực hiện. Cũng có ngành nghề nữ không thể làm đến 55, nam đến 60 nên phải giảm đi do ngành nghề hoặc tình trạng sức khỏe như quy định tại khoản 2, Điều 187 Bộ luật lao động năm 2012. Do vậy, chúng ta phải phân biệt rõ tuổi nghề và tuổi nghỉ hưu. Tuổi nghỉ hưu do Nhà nước quy định, còn tuổi nghề do ngành nghề quyết định. Chẳng hạn lao động nghệ thuật không thể làm đến 55 với nữ, 60 với nam; thể thao và vùng đặc biệt khó khăn cũng vậy. Trong ngành dệt may, da giày, cao su...chắc chắn chưa thể nâng tuổi nghỉ hưu cao hơn được.
Vấn đề quan trọng là nâng tuổi nghỉ hưu không áp đặt ngay, nên gắn điều chỉnh tuổi nghỉ hưu theo từng lĩnh vực, ngành nghề nhất định để phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong từng thời kỳ và không để dồn nén quá nhiều lao động trẻ, có chuyên môn kỹ thuật lại thiếu việc làm và thất nghiệp như hiện nay. Do đó cần nghiên cứu xem xét lựa chọn phương án đề xuất của Chính phủ hoặc trước mắt chỉ thực hiện nâng tuổi nghỉ hưu cho nhóm cán bộ quản lý, cán bộ có trình độ chuyên môn kỹ thuật như quy định tại khoản 3, Điều 187 Bộ luật lao động năm 21012. Do đó, Chính phủ cần đánh giá tác động và hiệu quả của 2 phương án để đại biểu Quốc hội có cơ sở xem xét lựa chọn.
* Với việc nghỉ hưu trước tuổi lao động sẽ bị giảm lương hưu 2% mỗi năm. Liệu có phải quyền lợi của NLĐ bị cắt giảm không, thưa ông?
- Luật BHXH (sửa đổi) nâng tỉ lệ trừ lùi tiền lương 2% với mục đích không khuyến khích người về hưu trước tuổi. Do đó giảm lương hưu 2% mỗi năm là quyền lợi của NLĐ bị cắt giảm là đương nhiên. Tuy nhiên, trường hợp đặc biệt bất khả kháng hoăc NLĐ có nhu cầu thì luật vẫn cho phép, vì vậy có thể có người phải hưởng mức lương hưu thấp, hoặc thậm chí dưới mức tối thiểu. Vấn đề quan trọng ở đây là Luật BHXH (sửa đổi) lần này làm sao để xử lý được vấn đề sàn lương hưu tối thiểu để tất cả những người về hưu trong trường hợp lương hưu không đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu thì Nhà nước phải hỗ trợ để họ đảm bảo đủ sống lúc tuổi già.<
* Hiện cán bộ kiểm tra của ngành BHXH đã phát hiện rất nhiều tiêu cực, sai phạm, trốn đóng, nợ đọng BHXH nhưng lại không có quyền xử phạt nên tình trạng nợ đọng BHXH vẫn diễn ra phổ biến. Nên chăng Luật BHXH (sửa đổi) giao chức năng thanh tra, xử phạt vi phạm về BHXH cho ngành BHXH?
- Nếu quyết định BHXH Việt Nam là tổ chức sự nghiệp (Điều 93 dự thảo Luật) thì việc ủy quyền thực hiện chức năng thanh tra là không phù hợp với Điều 29 Luật thanh tra vì đây là chức năng của cơ quan quản lý nhà nước. Tuy nhiên, hiện nay tình trạng trốn đóng, nợ đọng BHXH có xu hướng tăng với số tiền nợ rất lớn; số lượng thanh tra của ngành Lao động-thương binh và xã hội ít, do vậy, cần thiết phải có giải pháp để tăng cường tính tuân thủ pháp luật về BHXH. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, tùy theo điều kiện kinh tế - xã hội, thể chế chính trị các quốc gia lựa chọn mô hình tổ chức BHXH khác nhau, có một số nước quy định BHXH là tổ chức trực thuộc Bộ quản lý chuyên ngành (Bộ Lao động hoặc Bộ an sinh xã hội), một số nước quy định BHXH là tổ chức độc lập làm công tác quản lý BHXH. Hiện nay, tổ chức BHXH Việt Nam là cơ quan thuộc Chính phủ, chịu trách nhiệm quản lý quỹ tài chính rất lớn liên quan đến an sinh xã hội, do đó, để đảm bảo thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ được giao cần tăng thêm thẩm quyền cho tổ chức BHXH Việt Nam trên cơ sở không xem BHXH Việt Nam là đơn vị sự nghiệp như y tế, giáo dục... mà như một tổ chức tài chính, có chức năng thu BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, quản lý quỹ và tổ chức chi trả lương hưu, tử tuất, bảo hiểm thất nghiệp, chi tra ốm đau, thai sản và TNLĐ, BNN. Do vậy, cần xem xét bổ sung thêm thẩm quyền quản lý Nhà nước cho cơ quan BHXH.
* Ngành BHXH là đơn vị sự nghiệp, nhưng kinh phí hoạt động lại thực hiện theo chi phí quản lý của cơ quan hành chính nhà nước. Cán bộ ngành BHXH lại không được hưởng phụ cấp thâm niên nghề như đơn vị sự nghiệp và cũng không được hưởng phụ cấp công vụ như cán bộ công chức hưởng lương từ ngân sách. Theo ông, chi phí quản lý ngành BHXH sẽ tính thế nào?
- Quỹ BHXH là do người lao động và người sử dụng lao động đóng góp để đảm bảo an sinh cho người lao động, do đó, chi phí quản lý lấy từ khoản sinh lời là hợp lý hơn và nên giao cho Chính phủ báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định phù hợp với nhiệm vụ BHXH trong từng giai đoạn để đảm bảo nguyên tắc tiết kiệm, công khai, minh bạch trong quản lý, sử dụng quỹ BHXH. Tuy nhiên, dự thảo luật cần phải quy định rõ tiêu chí, nội dung chi phí quản lý như: chi cho công tác tuyên truyền pháp luật và phát triển đối tượng; công tác quản lý và chi cho bộ máy làm công tác BHXH... Đồng thời, BHXH Việt Nam cần đẩy nhanh quá trình cải cách bộ máy trên cơ sở xác định vị trí việc làm theo nhiệm vụ đã quy định trong Luật, ứng dụng công nghệ thông tin, xã hội hóa công tác BHXH và cải cách thủ tục hành chính, nhằm từng bước giảm chi phí một cách hợp lý.
Xin cảm ơn ông!
Nguồn baohiemxahoi.gov.vn
Tham gia BHXH - Trọn vòng an sinh
Tham Gia BHXH tự nguyện ngay hôm nay - An tâm cho ...
Quyền lợi của người dân khi tham gia BHXH tự ...
BHXH Lâm Đồng tập huấn công tác bảo vệ bí mật nhà nước
Khảo sát mức độ hài lòng đối với sự phục vụ hành chính công ...
Thực trạng công tác phát triển người đồng bào dân tộc thiểu ...
Cảnh giác việc mạo danh viên chức BHXH tỉnh yêu cầu cập ...
Thông báo Thời gian chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH hàng ...