Mở rộng độ bao phủ phát triển đối tượng tham gia BHXH, BH thất nghiệp

21/10/2024 03:25 PM


Báo cáo tình hình kinh tế xã hội năm 2024, dự kiến năm 2025 trước Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh năm 2025, tiếp tục chú trọng mở rộng độ bao phủ và phát triển đối tượng tham gia BHXH, BH thất nghiệp; tiếp tục nâng cao năng lực KCB; mở rộng hoạt động KCB từ xa, tăng cường hỗ trợ, chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới; sử dụng BHYT không bị giới hạn về địa giới hành chính...

Kinh tế xã hội nhiều điểm sáng

Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2024, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2025, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, ước cả năm có 14/15 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch (chỉ tiêu GDP bình quân đầu người sẽ đạt nếu GDP tăng trưởng trên 7%). Đặc biệt, chỉ tiêu tăng năng suất lao động vượt kế hoạch đề ra (sau 3 năm không đạt). Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng kinh tế cao hơn mục tiêu đề ra, các cân đối lớn được bảo đảm; nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài quốc gia và bội chi NSNN được kiểm soát tốt. Tăng trưởng GDP 9 tháng đạt 6,82%; ước cả năm đạt 6,8- 7%- cao hơn mục tiêu Quốc hội giao (6- 6,5%), thuộc nhóm nước có tốc độ tăng trưởng cao trong khu vực và thế giới, được nhiều tổ chức quốc tế lớn, có uy tín đánh giá cao.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính

Cũng theo Thủ tướng Chính phủ, công tác an sinh xã hội được bảo đảm. Thực hiện tăng lương cơ sở và điều chỉnh lương hưu, BHXH, trợ cấp ưu đãi NCC, trợ cấp xã hội từ ngày 1/7/2024, đồng thời triển khai hiệu quả các giải pháp để bảo đảm tăng lương nhưng không tăng giá; thực hiện tốt chính sách ưu đãi NCC với cách mạng. Các giải pháp, chính sách giảm nghèo bền vững được triển khai hiệu quả theo tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”; tỷ lệ hộ nghèo giảm 1%, còn 1,93%; chỉ số hạnh phúc tăng 11 bậc, xếp thứ 54/143. Xây dựng nhà ở xã hội đạt kết quả tích cực; trong thời gian ngắn, đã huy động trên 6 nghìn tỷ đồng cho phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát. Chất lượng KCB từng bước được nâng lên; kiểm soát tốt các loại dịch bệnh. Không ngừng nâng cao kỹ thuật chuyên môn sâu, làm chủ nhiều kỹ thuật cao, nhất là ghép tạng. Chuyển đổi số và KCB từ xa được đẩy mạnh; y tế tư nhân tiếp tục phát triển. Lao động, việc làm chuyển biến tích cực; chất lượng nguồn nhân lực được nâng lên; lực lượng lao động, tỷ lệ lao động có việc làm tăng; tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm giảm; thu nhập bình quân NLĐ đạt khoảng 7,6 triệu đồng, tăng 7,4%...

Bên cạnh những kết quả đạt, kinh tế vĩ mô còn tiềm ẩn rủi ro; hoạt động sản xuất, kinh doanh còn gặp khó khăn. Thể chế, pháp luật còn nhiều vướng mắc cần tháo gỡ; vẫn còn tình trạng nợ đọng, chậm ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh. Việc cắt giảm một số quy định, TTHC, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, điều kiện kinh doanh chưa được xử lý kịp thời. Chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu, đặc biệt trong các ngành công nghệ cao, các ngành phục vụ kinh tế số, kinh tế xanh, trí tuệ nhân tạo, chip bán dẫn, điện toán đám mây… Công tác đào tạo chưa theo kịp yêu cầu mới về SDLĐ và nhu cầu phát triển; đời sống của một bộ phận người dân còn khó khăn.

Thẩm tra báo cáo Chính phủ về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh khẳng định, bên cạnh những thành tựu cơ bản, tình hình kinh tế- xã hội nước ta năm 2024 còn đối diện với một số khó khăn, thách thức. Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ quan tâm ổn định kinh tế vĩ mô còn tiềm ẩn rủi ro, việc đạt được mức tăng trưởng cao hơn kỳ vọng chưa phản ánh hết khó khăn tiềm ẩn trong nền kinh tế như sự phụ thuộc vào xuất khẩu và đầu tư công. Các ngành, lĩnh vực mới nổi như kinh tế số, kinh tế xanh, trí tuệ nhân tạo, chip bán dẫn… chưa chuyển biến rõ nét. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp còn nhiều khó khăn. Tính chung 9 tháng đầu năm 2024, bình quân 01 tháng có 18,2 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường; tỷ lệ số DN rút lui khỏi thị trường trên số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường 9 tháng đầu năm 2024 là 89,7%- cao hơn mức 79,3% của năm 2023. Bên cạnh đó, cơn bão số 3 Yagi đã có những ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động sản xuất của Việt Nam trong tháng 9 với mưa lớn và lũ lụt, dẫn đến sự chậm trễ ở các dây chuyền sản xuất, chuỗi cung ứng và đóng cửa hoạt động kinh doanh tạm thời; dự báo có thể làm tốc độ tăng trưởng GDP cả năm giảm khoảng 0,15%.

Mặt khác, tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức vẫn chiếm tỷ trọng lớn. Tình trạng thiếu thuốc (một số loại như thuốc cho hệ thần kinh, hệ tim mạch, thuốc chống nhiễm trùng, thuốc chống ung thư, thuốc tiêu hóa, thuốc kháng độc bạch hầu, vắc xin khẩn cấp cho bệnh sốt vàng, các thuốc sinh phẩm từ huyết tương từ máu…) vẫn tiếp diễn; tình trạng quảng cáo, bán thuốc chữa bệnh, thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc xuất xứ chưa có giải pháp xử lý triệt để. Dân số tiếp tục xu hướng già hóa nhanh, Việt Nam đang chuẩn bị bước vào thời kỳ chuyển từ “già hóa dân số” sang “dân số già”. Tình hình tai nạn, thương tích, xâm hại trẻ em vẫn diễn ra, trong đó có những vụ việc bạo hành, xâm hại trẻ em nghiêm trọng, gây bức xúc dư luận xã hội. Đời sống của một bộ phận người dân còn khó khăn, nhất là sau cơn bão số 3 Yagi.

Tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng cho biết, năm 2025, Chính phủ dự kiến tăng trưởng GDP khoảng 6,5- 7% và phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn (7- 7,5%) để đến hết năm 2025 xếp hạng 31- 33 thế giới về quy mô GDP. GDP bình quân đầu người đạt khoáng 4.900 USD. Tốc độ tăng chỉ sổ giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4,5%; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân 5,3- 5,4%; tỉ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 70%, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ đạt khoảng 29- 29,5%; tỉ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm khoảng 0,8- 1%... Đồng thời, giữ vững ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính- NSNN; quản lý chặt chẽ, bảo đảm thu đúng, thu đủ, thu kịp thời, phấn đấu thu NSNN năm 2025 cao hơn ít nhất khoảng 5% so với năm 2024; triệt để tiết kiệm chi, nhất là chi thường xuyên; kiểm soát bội chi, nợ công trong giới hạn an toàn, hợp lý, tận dụng dư địa để huy động thêm nguồn lực cho phát triển.

Quyết liệt đổi mới, sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập; đẩy nhanh sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. Đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, triển khai hiệu quả Đề án 06; đẩy mạnh số hóa toàn diện hoạt động quản lý nhà nước và hoạt động kinh tế, xã hội. Đồng thời, chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, phát triển và ứng dụng công nghệ, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Thực hiện tốt chính sách NCC với cách mạng, giảm nghèo bền vững, trợ giúp các đối tượng yếu thế. Phấn đấu đến hết năm 2025, xóa toàn bộ nhà tạm, nhà dột nát và hoàn thành trên 100.000 căn nhà ở xã hội. Mở rộng độ bao phủ và phát triển đối tượng tham gia BHXH, BH thất nghiệp; tăng cường kết nối cung cầu, phát triển thị trường lao động toàn diện, bền vững, Tiếp tục nâng cao năng lực KCB; kiểm soát tốt các dịch bệnh; mở rộng hoạt động KCB từ xa, tăng cường hỗ trợ, chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới; sử dụng BHYT không bị giới hạn về địa giới hành chính; chú trọng bảo đảm an toàn thực phẩm. Thực hiện tốt chính sách dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, công tác người cao tuổi, thanh niên, bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ; tạo môi trường sống an toàn, thân thiện, lành mạnh cho trẻ em...

Trong năm 2025, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ bổ sung, nhấn mạnh một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu. Cụ thể, theo dõi sát diễn biến tình hình kinh tế, chính trị thế giới, phản ứng chính sách của các nền kinh tế lớn, các đối tác thương mại đầu tư chính, tình hình giá cả, lạm phát, xu hướng hạ lãi suất, giảm thắt chặt tiền tệ để chủ động có giải pháp phù hợp; bảo đảm ổn định kinh tế- xã hội trong điều kiện bất định; tận dụng tối đa cơ hội phát triển kinh tế số; nâng cao chất lượng lao động, năng suất lao động xã hội; phát triển và ứng dụng khoa học- công nghệ; tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp đang gặp khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho DN tư nhân phát triển; xử lý dứt điểm các vấn đề tồn đọng kéo dài, trình cấp có thẩm quyền tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án đất đai. Sớm hoàn thành cổ phần hóa, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước. Tăng cường đào tạo nghề và nâng cao chất lượng giáo dục đại học; xây dựng chính sách thu hút và giữ chân nhân tài, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ cao. Giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu thuốc, thiết bị, vật tư y tế; nâng cao chất lượng công tác KCB cho người dân. Tiếp tục chăm lo đời sống cho nhân dân, người nghèo, đối tượng chính sách, triển khai hiệu quả các Chương trình Mục tiêu Quốc gia. Đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân; tiếp tục chăm lo đời sống cho Nhân dân, người nghèo, đối tượng chính sách, triển khai hiệu quả các Chương trình Mục tiêu Quốc gia…

http://tapchibaohiemxahoi.gov.vn/