Thực trạng và giải pháp đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật trong tình mới

13/07/2024 08:52 AM


Sáng ngày 12/7/2024, tại Hà Nội, Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản JICA phối hợp cùng Bộ Tư pháp tổ chức Hội thảo “Thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả công tác thi hành pháp luật trong tình hình mới”.

Tham gia Hội thảo có đại diện tổ chức pháp chế các Bộ, cơ quan ngang bộ, một số cơ quan thuộc Chính phủ, trong đó có đại diện BHXH Việt Nam.

Quang cảnh Hội thảo

Hội thảo đã nghe một số tham luận về thực trạng và giải pháp nhằm đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật tại Việt Nam trong thời gian vừa qua cũng như những khó khăn vướng mắc và sự thích ứng với điều kiện trí tuệ nhân tạo có khả năng tạo ra kết quả đầu ra (output) là văn bản, âm thanh, hình ảnh, video …từ các dữ liệu đầu vào.

Đối với việc tổ chức thực hiện pháp luật, khi được ban hành, để phát huy hiệu quả trong thực tiễn, các đạo luật đều phải được tổ chức thi hành thông qua hàng loạt các hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước và các cơ quan khác có liên quan. Ví dụ: BHXH Việt Nam sẽ phải thực hiện đồng bộ hàng loạt các hoạt động khi Luật BHXH sửa đổi năm 2024 có hiệu lực thi hành như: xây dựng, thực hiện kế hoạch phổ biến, giáo dục, tuyên truyền pháp luật, tổ chức thực thi, thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của Luật, theo dõi thi hành pháp luật, xử lý vi phạm pháp luật.

Các đạo luật về phổ biến, giáo dục pháp luật, thanh tra, xử lý vi phạm hành chính, giải quyết khiếu nại, tố cáo cùng các đạo luật quản lý chuyên ngành (Luật Đất đai, Bộ luật Lao động, Luật việc làm…) cùng các văn bản quy phạm pháp luật về tổ chức bộ máy nhà nước đã quy định khá chi tiết về các hoạt động này.

Những tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đối với hoạt động tổ chức thực hiện pháp luật, hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật, theo dõi thi hành pháp luật, xử lý vi phạm pháp luật nhất là trong bối cảnh việc xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số, phù hợp với yêu cầu của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư là vô cùng quan trọng đối với công tác tổ chức thi hành pháp luật tại Việt Nam.

Tuy nhiên, trong bối cảnh mà sự hiện diện của người dân trên không gian mạng rất lớn như hiện nay (trung bình mỗi ngày, mỗi người dùng khoảng 7 giờ cho hoạt động trên mạng internet, mạng xã hội) thì có thể nói, không gian sinh tồn của người dân, các chủ thể pháp luật đã được mở rộng từ không gian off-line sang một phần quan trọng là không gian online (trực tuyến).

Về nguyên tắc, ở đâu có sự hiện diện của người dân, ở đâu có các giao dịch, tương tác của người dân, thì ở đó cần có sự hiện diện của nhà nước để hỗ trợ, bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, đồng thời định hướng cho nhân dân hiểu rõ bản chất chính sách, pháp luật của nhà nước (ví dụ: sử dụng mạng xã hội đễ tuyên truyền, phổ biến tính ưu việt của việc tham gia BHXH tự nguyện).

Trong bối cảnh đó, hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật, theo dõi thi hành pháp luật của ngành BHXH Việt Nam cũng phải được mở rộng “thị phần” trên không gian mạng và phải thực sự thể hiện được vai trò, chức năng là tổ chức thực hiện các chế độ, chính sách BHXH, BHYT; tổ chức thu, chi chế độ BHTN…

Bên cạnh đó, việc đầu tư, ứng dụng các công nghệ hiện đại để tổ chức thi hành pháp luật trên môi trường mạng, trong đó có việc xây dựng Chính phủ điện tử và chính phủ số, phù hợp với yêu cầu của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư là vô cùng quan trọng.

Trên cơ sở tham luận tại Hội thảo, BHXH Việt Nam có thể tham khảo, làm cơ sở để đề ra những giải pháp tốt hơn, phù hợp hơn và hiệu quả hơn đối với công tác theo dõi thi hành pháp luật trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN cũng như các lĩnh vực liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của Ngành trong tương lai.

 

 

https://baohiemxahoi.gov.vn