Nông dân Gia Lâm làm quen giống cà phê chín muộn
21/08/2023 11:06 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Mùa cà phê, với những khó khăn về thời tiết, về nhân công gây sức ép lớn đến người nông dân. Làm sao để kéo giãn vụ cà phê, giúp nông dân giảm sức ép vụ thu hoạch đang được nhiều nông hộ xã Gia Lâm, huyện Lâm Hà thử nghiệm với một giống cà phê chín muộn, thường được bà con gọi là “siêu trễ”.
Ông Nguyễn Đăng Thiệp, nông dân thôn Quang Trung 2, xã Gia Lâm đi kiểm tra vườn cà phê 6,5 sào đang vụ kết trái của gia đình. Ông Thiệp cho biết, đây là diện tích tái canh của gia đình từ vườn cà phê giống cũ. Niên vụ cà phê 2022, vườn cà phê này của ông thu được tới 4 tấn nhân, tính ra năng suất phải đạt xấp xỉ 6 tấn/ha. Đặc biệt, vườn cà phê của ông Thiệp cho thu hoạch rất trễ, tới sau tết âm lịch, trong khi hầu hết các vườn cà phê trong xã thu vào tháng 11, 12 dương lịch. Bởi vậy, việc thu hoạch của gia đình ông rất nhàn, gọi công dễ, giá công thu hái cũng thấp hơn khá nhiều so với vụ chính.
Ông Nguyễn Đăng Thiệp cho biết, cũng như hầu hết người Gia Lâm, ông cũng trồng các giống cà phê theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp. Nhưng khi tái canh vườn, ông nghe một vài hộ lân cận trồng giống cà phê siêu trễ và ông mua chồi giống về ghép làm theo. Theo ông, giống cà phê siêu trễ có kỹ thuật chăm bón y hệt các giống cà phê nông dân đang trồng. Tuy nhiên, cuống trái rất dai, ít rụng trái dù gặp trời mưa gió, thời gian đeo trái rất lâu. Ông Thiệp nhận xét: “Loại cà phê mới này nhìn trái không to như nhiều loại cao sản nhưng thực ra vỏ rất mỏng, nhân to. Vì thế thu hoạch rất lợi, năng suất cao. Thêm nữa cây chín trễ, tới sau tết ta mới thu hoạch nên kêu công dễ dàng, thời tiết lại nắng đẹp, không mưa, phơi sấy đều tiện”.
Ông Đoàn Mạnh Trình, Phó Giám đốc Công ty XNK Cà phê Tám Trình, doanh nghiệp trồng, thu mua và xuất khẩu cà phê lớn trên địa bàn huyện Lâm Hà cũng đồng thời là một nông dân của xã Gia Lâm. Ông chính là người đầu tiên trồng thử nghiệm giống cà phê siêu trễ này theo một dự án của Viện Eakmat Tây Nguyên. Theo ông Trình cho biết, năm 2019, Viện Eakmat mang sang địa bàn xã Gia Lâm trồng thử nghiệm 2 giống cà phê siêu trễ có tên gọi TR14 - TR15. Đây là 2 chủng cà phê robusta có trái đều, thời gian thu hoạch muộn, chín rất đều, tiện lợi cho việc thu hoạch của nông dân vùng Tây Nguyên. Vì nhiều lý do, ông Trình là một trong những người thử nghiệm trồng giống cà phê này. Vì trồng từ cây ghép, thời gian sinh trưởng cần 3 năm nên niên vụ cà phê 2022, ông Trình mới thu được vụ đầu. Theo ông Trình, hai giống TR 14 - TR15 có thể coi là một sự bổ sung rất hiệu quả cho nông dân Lâm Đồng.
Ông Đoàn Mạnh Trình nhận xét: “Vụ thu hoạch cà phê nào, nông dân chúng tôi cũng rất vất vả vì thiếu công lao động. Vì chỉ trong vòng 2 tháng, hàng ngàn tấn cà phê phải được hái, phơi sấy nên không đủ người làm. Thêm vào đó, đây cũng là cuối mùa mưa, cà phê phơi vẫn chịu ảnh hưởng của thời tiết. Vì vậy, trồng giống cà phê siêu trễ là một cách bổ sung rất hiệu quả cho nông dân”. Nếu nhà ông Nguyễn Đăng Thiệp tái canh từ chồi ghép trên cây mẹ, cho trái nhanh và năng suất cao thì nhà ông Đoàn Mạnh Trình trồng từ cây nhỏ. Vì vậy, vụ cà phê 2022, ông Trình thu được 10 kg quả tươi/cây so với 30 kg/cây của ông Thiệp. Tuy nhiên, ông Trình đánh giá, riêng về năng suất cà phê TR14 - TR15 cũng là khá ổn định. Đặc biệt, cây có cuống trái rất dai, ít rụng nên nông dân có thể yên tâm khi canh tác tại vùng nhiều gió.
Anh Đinh Văn Sang, Chủ tịch Hội Nông dân xã Gia Lâm cho biết, giống cà phê siêu trễ TR14 - TR15 được Viện Eakmat Tây Nguyên thử nghiệm tại xã Gia Lâm đã cho thấy hiệu quả rất tốt. Cả trồng mới từ cây nhỏ và tái canh từ chồi đều thích ứng rất tốt, năng suất ổn định, thời gian chín trễ. Chính khả năng neo trái lâu, chín trễ của 2 dòng cà này sẽ giúp người nông dân giải quyết được khâu khó khăn khi vào vụ cao điểm thu hoạch. Bởi vậy, nhiều nông hộ trong xã khi tái canh vườn cũ hoặc trồng mới đều được giới thiệu giống siêu trễ như một lựa chọn hiệu quả. Và nông dân Gia Lâm cũng khá nhiều vườn thực hiện tái canh bằng giống siêu trễ. Anh Sang chia sẻ: “Nông dân Gia Lâm tái canh cà phê từ nhiều năm nay và năng suất vườn cà phê đã khá ổn định. Tuy nhiên, việc đưa giống cà phê siêu trễ vào để bà con có thêm sự lựa chọn giống mới vẫn được tuyên truyền và hiện nhiều nông hộ trong xã đã bắt đầu tin tưởng, chọn lựa cà phê siêu trễ khi trồng mới hoặc tái canh những diện tích còn lại. Chúng tôi rất hy vọng diện tích cà phê siêu trễ sẽ tăng dần, giảm áp lực vụ thu hoạch, kéo dài mùa cà phê trên vùng cà phê Gia Lâm”.
Báo Lâm Đồng
Tham gia BHXH - Trọn vòng an sinh
Tham Gia BHXH tự nguyện ngay hôm nay - An tâm cho ...
Quyền lợi của người dân khi tham gia BHXH tự ...
Thông báo Lịch nghỉ Tết Dương lịch năm 2025
Bảo hiểm xã hội tỉnh Lâm Đồng Thông báo: Chi trả lương hưu, ...
BHXH Lâm Đồng tập huấn công tác bảo vệ bí mật nhà nước
Khảo sát mức độ hài lòng đối với sự phục vụ hành chính công ...
Thực trạng công tác phát triển người đồng bào dân tộc thiểu ...