Vai trò của hương ước, quy ước trong xây dựng đời sống văn hóa ở Bảo Lộc

27/12/2022 07:50 AM


Từ khi xuất hiện đến nay, hương ước, quy ước được gọi với nhiều tên khác nhau, với tên gọi nào đi chăng nữa, trong quá trình tồn tại hương ước, quy ước đã khẳng định được vai trò của mình trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.
 
Việc thực hiện quy ước, hương ước góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở Bảo Lộc. Trong ảnh: Buôn B'Lao Srê (phường B'Lao) ký giao ước thi đua năm 2023. Ảnh: K.Phúc
Việc thực hiện quy ước, hương ước góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở Bảo Lộc. Trong ảnh: Buôn B'Lao Srê (phường B'Lao) ký giao ước thi đua năm 2023. Ảnh: K.Phúc
 
Những năm qua, việc xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước trên địa bàn TP Bảo Lộc luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của HĐND thành phố, các cấp ủy đảng, chính quyền, sự đồng thuận cao của các tầng lớp Nhân dân. Nhờ đó, công tác xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước đã từng bước hoàn thiện và ngày càng phát huy hiệu quả, góp phần quan trọng vào việc phát huy dân chủ ở cơ sở, xây dựng gia đình văn hóa, thôn, tổ dân phố văn hóa.
 
Việc chỉ đạo, hướng dẫn xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước được triển khai gắn với việc thực hiện Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa và Cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Tại các xã, phường, công tác rà soát, sửa đổi, bổ sung hương ước, quy ước theo kế hoạch của UBND thành phố được các địa phương chỉ đạo các đơn vị chuyên môn và các thôn, tổ dân phố trên địa bàn thực hiện. 
 
Trước khi thực hiện Quyết định 22/2018 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước, TP Bảo Lộc có 79 quy ước khu dân cư của 5 đơn vị xã, phường được UBND thành phố phê duyệt. Triển khai thực hiện theo Quyết định 22/2018 của Thủ tướng về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước, thành phố đã rà soát, sửa đổi, bổ sung hương ước, quy ước theo quy định và đề xuất sửa đổi, bổ sung, thay thế và ban hành mới lại các quy ước cho các thôn, tổ dân phố trên địa bàn. Đến nay, trên địa bàn thành phố đã có 154/164 quy ước khu dân cư được UBND thành phố phê duyệt và sửa đổi, bổ sung. 
 
Các hương ước, quy ước khi xây dựng đã đảm bảo phát huy dân chủ, có sự bàn bạc, thống nhất ý kiến của Nhân dân tại cơ sở trước khi trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Hầu hết các hương ước, quy ước đã bám sát đời sống và tình hình thực tế của từng địa phương nhằm điều chỉnh các mối quan hệ xã hội mang tính tự quản của cộng đồng, những lĩnh vực pháp luật chưa có điều chỉnh hoặc chỉ quy định nguyên tắc nhằm xây dựng nếp sống văn hóa mới, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xây dựng kết cấu hạ tầng, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, vệ sinh môi trường, thực hiện chính sách dân số, gia đình và trẻ em. 
 
Nhiều hương ước, quy ước đã thể hiện được trí tuệ, công sức của tập thể cộng đồng; đã khơi dậy, phát huy những phong tục, tập quán, truyền thống tốt đẹp của quê hương, dòng họ; phù hợp với cộng đồng dân cư. Cùng với việc xây dựng hương ước, quy ước, nhiều phong tục, tập quán lạc hậu, mê tín dị đoan, nhất là trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số được bãi bỏ, góp phần quan trọng vào xây dựng môi trường văn hóa trong cộng đồng dân cư. 
 
Những thôn, tổ dân phố có quy ước được phê chuẩn đưa vào thực hiện đã có tác động trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội của cộng đồng dân cư, góp phần quan trọng vào việc phát huy dân chủ ở cơ sở, xây dựng gia đình văn hóa, thôn, tổ dân phố văn hóa; giữ gìn và phát huy những phong tục, tập quán truyền thống tốt đẹp của dân tộc. 
 
Tuy nhiên, việc triển khai xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước trên địa bàn TP Bảo Lộc vẫn còn tồn tại một số hạn chế. Một số nơi, cấp ủy, chính quyền địa phương chưa thật sự quan tâm, thiếu sự chỉ đạo, tham mưu và việc phối kết hợp chưa thật chặt chẽ; công tác chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra của chính quyền cơ sở có lúc có nơi chưa đầy đủ, nghiêm túc. Một số hương ước, quy ước của khu dân cư còn sơ sài về nội dung, sao chép lẫn nhau, chưa thể hiện đặc điểm về kinh tế, văn hóa, xã hội, cũng như phong tục tập quán và truyền thống văn hóa riêng của mỗi tổ dân phố, thôn. Chất lượng của một số hương ước, quy ước còn hạn chế, có địa phương coi việc xây dựng hương ước, quy ước của các khu dân cư là việc làm cho có. Việc thực hiện hương ước, quy ước sau khi được phê duyệt ở một số xã, phường còn mang tính hình thức, công tác phổ biến hương ước, quy ước ở một vài nơi chưa được thường xuyên, dẫn đến khi quy ước đã được phê duyệt nhưng không được đưa vào sử dụng triệt để, hiệu quả.
 
Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả trong công tác quản lý, xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước trên địa bàn, phát huy giá trị của hương ước, quy ước trong xây dựng đời sống văn hóa hiện nay, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và các tầng lớp Nhân dân về vị trí, vai trò của hương ước, quy ước trong quản lý xã hội, nhất là trong thực hiện Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa. Tăng cường năng lực quản lý, thực thi về hương ước, quy ước; tổ chức các hoạt động giám sát, kiểm tra, xử lý vi phạm trong xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước. Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên các cấp trong việc thực hiện hương ước, quy ước ở cơ sở đảm bảo dân chủ, khách quan, đúng theo quy định của Nhà nước. Kịp thời sơ kết, tổng kết, chú trọng động viên, khen thưởng những tập thể, cá nhân điển hình trong xây dựng và tổ chức thực hiện hương ước, quy ước... 
 
NGUYỄN ĐÌNH HOÀN

Báo Lâm Đồng