Đưa chuối Laba xuất ngoại

19/12/2022 05:15 PM


Phát huy phẩm chất của bộ đội cụ Hồ, cựu chiến binh Phạm Ngọc Tổng vượt qua bao khó khăn, kiên trì tìm tòi, học hỏi để làm giàu cho bản thân và gia đình. Ông khiến nhiều người khâm phục khi mới ký được hợp đồng xuất khẩu chuối Laba sang Nhật Bản - một thị trường khó tính, chỉ sau hơn 3 năm bén duyên với loại chuối này. 
 
Ông Tổng (bên phải) đã tạo lập được cơ ngơi tiền tỷ
Ông Tổng (bên phải) đã tạo lập được cơ ngơi tiền tỷ
 
Ông Tổng sinh năm 1961, hiện là Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ Nông nghiệp Công nghệ cao Thương Phú - một trong những doanh nhân cựu chiến binh (CCB) tiêu biểu trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Hợp tác xã Thương Phú với 17 hộ, tổng diện tích 20 ha mang lại doanh thu hơn 3,4 tỷ mỗi năm; riêng gia đình ông mỗi năm thu về hơn 2 tỷ đồng từ ươm cây giống và chuối Laba. Không những làm giàu cho bản thân, gia đình, đầu tư cho con cái học tập, ông Tổng còn là một trong những CCB có nhiều đóng góp công cuộc xây dựng nông thôn mới cũng như tích cực tham gia các hoạt động từ thiện và nhân đạo ở địa phương. 
 
Với những gì đang có, ít ai biết được những khó khăn, vất vả mà ông Tổng từng vượt qua. Bên vườn chuối Laba 2 ha xanh mát, ông từ tốn kể, sinh ra và lớn lên ở huyện Tư Nghĩa, Quảng Ngãi, năm 1978, ông nhập ngũ và phục vụ trong quân ngũ cho đến năm 1985. “Giải ngũ, tôi về quê hương làm quản lý đường bộ được một thời gian, nhưng vì muốn tìm hướng phát triển mới nên quyết định đưa vợ con vào Đức Trọng, bởi nơi đây khí hậu ôn hòa, đất đai màu mỡ, có nhiều thuận lợi để phát triển sản xuất”, ông cho biết. 
 
Những ngày đầu lập nghiệp ở vùng đất mới, do không đủ vốn để thuê mua đất canh tác, ông Tổng chọn làm tạm công việc cơ khí để có thu nhập đảm bảo cuộc sống gia đình. Năm 2000, sau khi đã tích góp được một ít vốn, ông nghỉ việc và mạnh dạn vay mượn thêm để đầu tư hơn 300 triệu xây dựng trang trại chăn nuôi heo giống hơn 2 ha tại thôn K’long.
 
Chưa được bao lâu, dịch bệnh xuất hiện liên tục làm nhiều gia đình chăn nuôi thiệt hại lớn, thu hẹp quy mô và không phát triển đàn heo mới. Vì vậy, đầu ra heo giống của gia đình ông cũng thu hẹp, nếu tiếp tục theo đuổi, có thể có nguy cơ trắng tay. Thời điểm năm 2004, nông dân địa phương thường phải sang Đơn Dương để mua cây giống, nguồn cung địa phương hết sức hạn chế. Thấy vậy, ông nhanh chóng dỡ bỏ trang trại và chuyển hướng sang ươm hơn 2 ha cây giống để cung ứng cho bà con nông dân trên địa bàn. Cuộc sống của gia đình cũng nhờ thế mà dần ổn định. Từ những thành công bước đầu, ông dần mở rộng diện tích cũng như đa dạng hóa thêm các loại cây trồng, vật nuôi khác, vừa tăng doanh thu vừa giảm thiểu rủi ro do biến động thị trường và dịch bệnh. 
 
Năm 2017, ông đứng ra thành lập HTX Thương Phú với 17 thành viên, tất cả các thành viên đa phần là hội viên CCB trên địa bàn huyện Đức Trọng. HTX không những trực tiếp canh tác trồng trọt mà còn cung ứng giống cây trồng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, dịch vụ sau thu hoạch, lâm nghiệp và các hoạt động có liên quan. Các hoạt động trồng trọt sẽ được chuyên môn hóa tùy theo thế mạnh của từng hộ tham gia, mỗi thành viên tập trung trồng một loại cây trồng như su hào, khoai lang, dưa leo… và sản xuất theo hướng VietGAP. HTX là nơi để các hội viên chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ kỹ thuật và phát triển thị trường. Hiện nay, HTX có hơn 20 ha đất sản xuất tại các xã Đà Loan, Hiệp Thạnh và Hiệp An. 
 
Tuy công việc sản xuất và kinh doanh khá thuận lợi, nhưng với bản tính ham học hỏi, tìm tòi, cầu tiến, năm 2018, ông lặn lội xuống Đồng Nai để tìm nguồn giống và học tập kinh nghiệm, kỹ thuật trồng chuối Laba. Khi đã nghiên cứu, tìm hiểu kỹ cây trồng này, ông mua 50 nghìn cây chuối Laba giống từ Đồng Nai về trồng. Nhờ chăm sóc kỹ, năm đầu thu hoạch, 2 ha chuối Laba của gia đình cho năng suất hơn 100 tấn. Từ thành công bước đầu, ông vừa mở rộng diện tích đất canh tác vừa ươm chuối giống để giúp đỡ người dân địa phương nâng cao thu nhập. Trong quá trình trồng, tất cả các công đoạn chăm bón, tưới tiêu đều được gia đình thực hiện theo quy trình hữu cơ nghiêm ngặt, tỉ mỉ. “Do từng là thợ cơ khí, nên tôi thích tìm tòi, học hỏi, thử nghiệm các kỹ thuật mới, quan sát và điều chỉnh phương pháp tùy thuộc vào điều kiện thực tế của cây trồng. Tôi cũng chế tạo ra một số máy tưới tự động, máy đưa nước phân bón đến tận gốc cây trồng, nhờ đó giảm thiểu chi phí đầu tư mua sắm”, ông Tổng chia sẻ. 
 
Nhờ đó, sản lượng chuối Laba của gia đình ổn định và tăng đều hàng năm, được tiêu thụ không chỉ trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng mà ở Bình Dương, Đà Nẵng và các chuỗi siêu thị. Sản phẩm của gia đình đã đạt chứng nhận hữu cơ, vì vậy được người tiêu dùng tin tưởng và đánh giá cao. Đặc biệt, dự kiến vào tháng 5/2023, những đơn hàng chuối Laba đầu tiên của gia đình sẽ được xuất đi Nhật Bản, một trong những thị trường khó tính hiện nay. “Thị trường Nhật yêu cầu chất lượng rất cao, nếu tôi đáp ứng được các đòi hỏi của họ thì sẽ tiếp cận được các thị trường khác dễ dàng hơn. Vì vậy, thời gian tới, gia đình sẽ tập trung cải thiện quy trình sản xuất, đáp ứng, giữ vững các tiêu chí khắt khe của thị trường thay vì mở rộng quy mô ào ạt; qua đó, có thể đảm bảo được đầu ra ổn định và chất lượng”, ông Tổng cho biết. 
 
NHẬT QUỲNH

Báo Lâm Đồng