Đoàn ĐBQH Lâm Đồng góp ý về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

03/11/2022 08:28 AM


Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV, ngày 02/11/2022, Quốc hội tiếp tục thảo luận về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) và dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi).
 
Buổi chiều, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi).
 
Tham gia góp ý thảo luận tại tổ, Đại biểu Trần Đình Văn - Trưởng Đoàn ĐBQH Lâm Đồng cho rằng: Nhìn chung, dự thảo Luật đã thể chế hóa khá toàn diện các chủ trương, chính sách của Đảng liên quan đến vấn đề bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ở nước ta hiện nay. Tôi xin góp ý: Thứ nhất, về tên gọi: Cần xem xét bỏ cụm từ “quyền lợi” trong tên gọi của Luật. Vì “bảo vệ người tiêu dùng” có nội hàm rộng hơn so với “bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng”, vì bao gồm cả nghĩa vụ của người tiêu dùng và các vấn đề liên quan đến tiêu dùng bền vững. Thứ hai, về hoàn thiện cơ chế bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng gắn với phát huy vai trò, trách nhiệm của cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội 
 
Mặc dù Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được ban hành từ năm 2010, nhưng trong thực tế, nhiều quy định của Luật chưa phát huy được hiệu quả; trong nhiều trường hợp, người tiêu dùng luôn ở thế yếu khi xảy ra tranh chấp. Bởi vậy, yêu cầu đặt ra là cần tăng cường cơ chế bảo vệ người tiêu dùng gắn với vai trò, trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp, cơ quan thực sự có nhiều ưu thế trong hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
 
Bên cạnh vai trò của Nhà nước, một trong những chủ trương của Đảng cần được thể chế hóa trong Luật ở đây là xem xét việc xác lập cơ chế “tạo điều kiện để các tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hình thành, phát triển và hoạt động có hiệu quả”; và “đẩy mạnh hoàn thiện thể chế bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, phát huy đúng đắn, đầy đủ vai trò của người tiêu dùng, các hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng”… Để thực hiện chủ trương này, dự thảo Luật cần đặt ra yêu cầu nghiên cứu, hoàn thiện thêm về quyền, nghĩa vụ của tổ chức xã hội trong bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; nghiên cứu bổ sung các quy định để tạo cơ sở pháp lý cho việc đẩy mạnh công tác xã hội hóa nguồn lực trong bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; đồng thời với việc bổ sung điều cấm các hành vi lợi dụng chủ trương xã hội hóa để xâm hại lợi ích của Nhà nước, Nhân dân.
 
ĐBQH Nguyễn Tạo phát biểu thảo luận
ĐBQH Nguyễn Tạo phát biểu thảo luận
 
Thứ ba, chú trọng vấn đề đạo đức kinh doanh và văn hóa tiêu dùng: Các nhóm chính sách quy định tại Điều 5 về cơ bản là phù hợp và cần thiết. Bên cạnh đó, cần xem xét bổ sung nội dung chính sách về: Nâng cao đạo đức kinh doanh và hình thành văn hóa tiêu dùng an toàn, văn minh, lành mạnh và phát triển bền vững tại Điều 5 dự thảo Luật. Có thể nói, vấn đề coi trọng, thúc đẩy đạo đức kinh doanh, trách nhiệm xã hội của cá nhân, tổ chức kinh doanh đã và đang là xu thế trong đời sống kinh tế - xã hội của nhiều quốc gia và Việt Nam cũng không là ngoại lệ. Ở khía cạnh khác, xây dựng văn hóa tiêu dùng văn minh cũng có tác động tương hỗ, góp phần hình thành mối quan hệ hài hòa, phát triển bền vững giữa cá nhân, tổ chức kinh doanh với người tiêu dùng trong nền kinh tế. 
 
Thứ tư, về tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng: Nội dung thanh tra, kiểm tra có được đề cập, song khá mờ nhạt. Trong khi đó, đánh giá về thực trạng, Chỉ thị số 30-CT/TW ngày 22/01/2019 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và trách nhiệm quản lý của Nhà nước đối với công tác bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng có nhận định: “Thanh tra, kiểm tra, hỗ trợ, giải quyết yêu cầu, khiếu nại của người tiêu dùng, xử lý vi phạm pháp luật còn nhiều hạn chế…”; và cần “tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm và hỗ trợ người tiêu dùng…”. Do đó, đề nghị để tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực này, cần bổ sung rõ ràng, cụ thể hơn nội dung về hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với cơ quan, tổ chức có liên quan đến công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thành một mục riêng tại Chương VI (Trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng) trong dự thảo Luật. 
 
Thứ năm, về quyền và nghĩa vụ của người tiêu dùng (Điều 15): Khoản 6, Điều 15 quy định người tiêu dùng có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại khi sản phẩm, dịch vụ không phù hợp tiêu chuẩn, chất lượng, số lượng, tính năng, công dụng, giá cả hoặc nội dung khác mà tổ chức, cá nhân kinh doanh đã đăng ký, công bố, niêm yết, quảng cáo, cam kết hoặc theo quy định của pháp luật. Trong khi đó, Khoản 4, Điều 15 quy định nội dung gần tương tự cho phép người tiêu dùng “góp ý kiến với tổ chức, cá nhân về giá cả, chất lượng…”. Do vậy, không rõ trong trường hợp nào tổ chức, cá nhân kinh doanh có thể trao đổi với người tiêu dùng trước khi phải đứng ra làm bên bị khiếu nại, tố cáo hoặc bị đơn trong vụ việc dân sự. Để nâng cao việc áp dụng phương thức giải quyết tranh chấp bằng thương lượng và giảm thiểu khiếu nại, khiếu kiện không cần thiết, đề nghị cân nhắc quy định theo hướng: tổ chức, cá nhân có quyền thương lượng với người tiêu dùng lựa chọn cách giải quyết trong trường hợp có cách hiểu không thống nhất hoặc sai về các vấn đề của sản phẩm, dịch vụ. 
 
Thứ sáu, về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh đối với người tiêu dùng: Trách nhiệm bảo đảm an toàn, chất lượng sản phẩm, dịch vụ cung cấp cho người tiêu dùng tại Khoản 2 Điều 20 quy định: “Trong quá trình thực hiện trách nhiệm bảo đảm an toàn, chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, tổ chức, cá nhân kinh doanh phải bảo đảm sự phù hợp với các nhóm người tiêu dùng theo độ tuổi, giới tính, thu nhập, khu vực địa lý, dân tộc, tình trạng sức khỏe, đặc điểm tâm thần, thể chất”. Quy định như trên là rất khó khả thi, trong nhiều trường hợp, cá nhân, tổ chức kinh doanh không có khả năng và không có nghĩa vụ phải chịu trách nhiệm về sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ của mình phải đáp ứng đầy đủ các yêu cầu trên. 
 
Trách nhiệm của bên thứ ba trong việc cung cấp thông tin về sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ cho người tiêu dùng tại Điểm c khoản 1 Điều 22 quy định: “Chịu trách nhiệm liên đới về việc cung cấp thông tin không chính xác hoặc không đầy đủ, trừ trường hợp chứng minh đã thực hiện tất cả biện pháp theo quy định của pháp luật để kiểm tra tính chính xác, đầy đủ của thông tin về hàng hóa, dịch vụ”. Tuy nhiên, hiện không rõ các quy định pháp luật về kiểm tra tính chính xác, đầy đủ của thông tin hàng hoá, dịch vụ... gắn với những yêu cầu gì, quy trình thủ tục cụ thể như thế nào… Do đó, đề nghị quy định cụ thể hơn hoặc dẫn chiếu về quy định này, làm cơ sở cho việc áp dụng được hiệu quả.
 
Tham gia góp ý về dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Tạo nhấn mạnh: Để góp phần thúc đẩy sự phát triển giao dịch điện tử đồng thời tạo tiền đề quan trọng trong việc thúc đẩy Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số việc xây dựng và ban hành Luật Giao dịch điện tử trong thời điểm này là rất cần thiết nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước. Cụ thể, tại Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị, một trong những chủ trương, chính sách quan trọng để chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đó là phải: “Hoàn thiện pháp luật để tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển đổi số quốc gia và phát triển các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh tế mới dựa trên nền tảng công nghệ số, Internet và không gian mạng...”. Khắc phục những vướng mắc, bất cập của Luật Giao dịch điện tử năm 2005. 
 
Tại Điều 2 dự thảo Luật chỉ áp dụng “đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện giao dịch điện tử” mà chưa đề cập đến các đối tượng có hoạt động liên quan đến giao dịch điện tử giữa tổ chức, cá nhân trong nước và tổ chức, cá nhân ngoài nước. Đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu để tránh bỏ sót đối tượng áp dụng của Luật, bởi lẽ tại khoản 28 công nhận chữ ký điện tử. Về Giá trị pháp lý của thông điệp dữ liệu (Điều 10), đề nghị bỏ khoản 1 gom vào khoản 2 được viết lại thành: “1. Thông tin trong thông điệp dữ liệu tuân thủ quy định của Luật này có giá trị pháp lý như thông tin trong văn bản hoặc các hình thức khác theo quy định của pháp luật” và đề nghị bổ sung thêm 01 khoản, vì thực tế việc chiếm đoạt và sử dụng trái phép một phần dữ liệu giao dịch điện tử là hành vi khá phổ biến hoạt động thông tin điện tử và đặc biệt là trên các nền tảng mạng xã hội trong thời gian vừa qua và hành vi này sẽ còn diễn ra khá phức tạp trong thời gian tới…., nội dung như sau: “2. Chiếm đoạt, sử dụng trái phép một phần hoặc toàn bộ dữ liệu giao dịch điện tử”. Tại điểm c khoản 1 đề nghị cần phải truy cứu cả trách nhiệm hình sự vào tội xâm nhập trái phép mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác quy định tại Điều 289 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 để thể hiện sự răn đe và tính nghiêm minh của pháp luật… nên bổ sung “pháp luật hình sự” sửa thành: “Biện pháp khác theo quy định của pháp luật về an toàn thông tin mạng, an ninh mạng, pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, pháp luật hình sự và pháp luật khác có liên quan”.
 
NGUYỆT THU 

Báo Lâm Đồng