Chắp cánh cho tuổi trẻ về sáng tạo khoa học

02/11/2022 02:25 PM


Có những sân chơi mà học dành cho lứa tuổi học sinh hấp dẫn, ý nghĩa và tạo cảm hứng sáng tạo. Đó là những cuộc thi khoa học - kỹ thuật của học sinh.
 
Trao giải cho các tác giả tại Cuộc thi Sáng tạo thanh, thiếu niên, nhi đồng tỉnh Lâm Đồng lần thứ 18 - năm 2022
Trao giải cho các tác giả tại Cuộc thi Sáng tạo thanh, thiếu niên, nhi đồng tỉnh Lâm Đồng lần thứ 18 - năm 2022
 
• PHONG TRÀO THÀNH CÔNG VÀ LAN TỎA
 
Đến nay, Lâm Đồng đã tổ chức 18 Cuộc thi Sáng tạo thanh, thiếu niên, nhi đồng (Cuộc thi) do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh chủ trì, phối hợp các Sở: Khoa học và Công nghệ, Giáo dục và Đào tạo (GDĐT), Tài chính và Tỉnh Đoàn cùng các cơ quan, đơn vị, địa phương. Cuộc thi nhằm khơi dậy tiềm năng, phát huy tư duy sáng tạo, hướng các hoạt động của tuổi trẻ vào các công việc hữu ích cho xã hội; đồng thời, giúp các em trau dồi kiến thức, rèn luyện kỹ năng, phát huy tinh thần sáng tạo khoa học...
 
Cuộc thi được phối hợp triển khai đồng bộ, từ tuyên truyền, phát động sâu rộng đến tổ chức chất lượng ở cấp cơ sở. Cuộc thi lần thứ 18 - năm 2022 được ban tổ chức đổi mới phương thức thu nhận hồ sơ dự thi qua website nhằm thích ứng công tác phòng, chống dịch COVID-19. Ban tổ chức đã nhận được 141 giải pháp của 266 tác giả thuộc 87 trường học của 12 huyện, thành phố. Các giải pháp thuộc những lĩnh vực như: Đồ dùng dành cho học tập; phần mềm tin học; sản phẩm thân thiện với môi trường; dụng cụ sinh hoạt gia đình và đồ chơi trẻ em; giải pháp kỹ thuật nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống dịch bệnh, phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường. Có 21 giải pháp tiêu biểu được chọn tham gia Cuộc thi toàn quốc do Quỹ Hỗ trợ sáng tạo Việt Nam (Vifotec) tổ chức. 
 
Đánh giá về chất lượng cuộc thi, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Phan Văn Phấn cho rằng: “Các giải pháp tham dự khá đa dạng và phong phú, thể hiện được tính mới, tính sáng tạo, khả năng áp dụng, giá trị mang lại về hiệu quả kinh tế, xã hội và nhất là có khả năng giải quyết được các yêu cầu trong thực tiễn. Kèm theo báo cáo thuyết minh là các hình ảnh, bản vẽ, số liệu thực nghiệm. Việc cung cấp đầy đủ thông tin đã giúp các hội đồng thẩm định đánh giá và chấm điểm có đủ căn cứ để nhận xét các giải pháp một cách khách quan, khoa học. Một số giải pháp có hàm lượng khoa học cao, một số giải pháp có sự đầu tư thích đáng về kinh phí và công sức”.
 
• NHIỀU GIẢI PHÁP CÓ CHẤT LƯỢNG
 
Để có thể hình dung rõ hơn phong trào sáng tạo khoa học - kỹ thuật của học sinh Lâm Đồng, chúng tôi điểm qua một số giải pháp điển hình của 2 cuộc thi gần đây. Tại lần thứ 17 - năm 2021, giải Nhất có 3 giải pháp gồm: Hệ thống cảnh báo bảo vệ rừng của nhóm tác giả Nguyễn Lê Quang Trực và Nguyễn Đức Bảo Lâm, học sinh lớp 9 Trường THCS & THPT Đống Đa; Sản xuất gỗ ép MSF từ vỏ hạt Macadamia Ⓡ của Trần Đại Nghĩa và Nguyễn Thị Anh Thư, học sinh lớp 10 Trường THPT Lê Hồng Phong (giải pháp này đoạt giải Khuyến khích cuộc thi toàn quốc); Điều chế cồn khô từ dầu ăn đã qua sử dụng của Lê Trần Hùng và Đậu Cẩm Tú, học sinh lớp 9 Trường THCS Lộc Sơn, Bảo Lộc. 
 
Cuộc thi lần thứ 18 - năm 2022, gồm 3 giải Nhất, trong đó 2 giải pháp của học sinh lớp 12 Trường THPT Chuyên Thăng Long là: Thiết bị tập phục hồi chức năng cho người bị liệt ngón tay (Hoàng Khánh Nam, Huỳnh Đức Minh); Huyền thoại đường Trường Sơn (Nguyễn Ngọc Đăng, Nguyễn Thiện Toàn) và Robot ứng dụng trí tuệ nhân tạo hỗ trợ quản lý nền nếp trong nhà trường và trợ lý ảo tương tác với học sinh (Vũ Bình Duy, Phạm Trần Tiểu Long, Trần Ngô Anh Quân, lớp 8, lớp 9 Trường THCS Lam Sơn, Đà Lạt). 
 
Cũng cần nhắc đến một cuộc thi có nhiều hiệu quả và ý nghĩa, đó là Cuộc thi Khoa học kỹ thuật học sinh trung học do ngành GDĐT tổ chức hàng năm. Năm học 2021-2022, vòng cơ sở toàn tỉnh có 541 dự án (THPT 250 dự án, THCS 291 dự án); vòng cấp tỉnh có 178 dự án với 328 học sinh tham gia (so với năm trước tăng 10 dự án, 19 học sinh). Phó Giám đốc Sở GDĐT Trần Đức Lợi đánh giá: “Nhìn chung, các dự án đã chứng tỏ được sự nhiệt tình tham gia vào môi trường nghiên cứu khoa học một cách thực tế, năng động của học sinh phổ thông, khẳng định được năng lực tìm tòi, nghiên cứu của các em, và điều rất quan trọng, đáng ghi nhận là tinh thần trách nhiệm, ý thức xã hội đối với môi trường sống và sinh hoạt cộng đồng của học sinh dự thi...”. 
 
MINH ĐẠO

Báo Lâm Đồng