Nỗ lực thúc đẩy khai thác du lịch Lâm Hà

27/10/2022 08:25 AM


Lâm Hà có xuất phát điểm rất ý nghĩa - là tên ghép của 2 địa danh Lâm Đồng và Hà Nội, trên cơ sở sáp nhập Vùng kinh tế mới Hà Nội và 5 xã của huyện Đức Trọng. Vùng đất Lâm Hà có diện tích tự nhiên trên 93 ngàn ha, sau 35 năm xây dựng và phát triển đang tạo nên một huyện nông thôn mới với khí thế và sinh lực mạnh mẽ ở mọi lĩnh vực, đặc biệt là du lịch. 
 
Thác Liêng Chi Nha giữa bạt ngàn cà phê và rừng nguyên sinh
Thác Liêng Chi Nha giữa bạt ngàn cà phê và rừng nguyên sinh
 
Lâm Hà có hơn 30 dân tộc anh em, với bản sắc văn hóa độc đáo của các dân tộc gốc Tây Nguyên, như: K’Ho, Mạ, M’Nông, Churu...; cùng đặc trưng của các dân tộc thiểu số Tây Bắc, là: Thái, Tày, Nùng, H’Mông..., kết hợp với văn hoá truyền thống lâu đời của dân tộc Kinh từ nhiều vùng, miền khác nhau, hòa quyện, giao thoa tạo nên sự đa dạng, phong phú trong đời sống của cộng đồng dân cư toàn huyện. 
 
Đặc biệt, các dân tộc anh em ở Lâm Hà còn lưu giữ tín ngưỡng dân gian của người Mạ, người K’Ho chủ yếu sống ở thị trấn Đinh Văn, Phú Sơn, Đạ Đờn, Phi Tô, Mê Linh, Tân Thanh, Đan Phượng..., như các lễ: lễ mừng lúa mới, lễ mang lúa về kho...; có các vật hiến sinh là gà, heo, bò, trâu...; với phần hội, gồm: đốt lửa, uống rượu cần, cồng chiêng, Yang Yau, điệu Tăm Ja... Những tài sản quý giá được cất giữ trong nhà của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên là chiêng và chóe; cũng như các vật dụng truyền thống dân dã khác, là những quả bầu khô dùng để đựng nước và lấy nước, các công cụ làm rẫy như rìu, xà gạc, dao, gùi các loại, công cụ săn bắn như ná, lao, lưới, tên, cối giã gạo... 
 
Hằng năm, Nhân dân các dân tộc ở Lâm Hà cũng tổ chức các lễ hội truyền thống văn hoá, nghệ thuật, lịch sử... đặc sắc khác, như Lễ hội Hai Bà Trưng (xã Mê Linh) vào mùng 6 tháng Giêng; Hội võ vật dân tộc (xã Hoài Đức, xã Tân Hà) vào các dịp hội, Tết Nguyên đán; hát Then, đàn Tính của dân tộc Tày (xã Phi Tô); Lễ hội giỗ Tổ Hùng Vương (xã Tân Hà); thưởng thức làn điệu chèo, quan họ Bắc Ninh (thị trấn Nam Ban và các xã Nam Hà, Gia Lâm, Tân Hà); nghệ thuật đờn ca tài tử, cải lương (xã Phú Sơn)... 
 
Đồng bào các dân tộc ở Lâm Hà cũng còn lưu tryền các nghề thủ công truyền thống của từng vùng miền, từng dân tộc: nghề dệt thổ cẩm, đan lát mây tre, cói...; một số nghề truyền thống của người Kinh như làm bánh cuốn truyền thống tại thôn Thanh Trì (xã Đông Thanh); nghề làm giò chả, bánh chưng, làm bún truyền thống, nghề ươm tơ, dệt lụa (thị trấn Nam Ban)... Ẩm thực mang hương vị truyền thống các địa phương cũng có ở Lâm Hà như: phở Hà Nội, bún chả Hà Nội, cà đắng da trâu, bún bò Huế, bánh chưng, bánh dày... và nhiều đặc sản như: trà Ô long, chuối La ba, cà phê chồn, macca... 
 
Lâm Hà có điều kiện giao thông khá thuận lợi, gần sân bay Liên Khương, là điểm kết nối với Quốc lộ 20 và Quốc lộ 27, từ TP Đà Lạt với các tỉnh Tây Nguyên, tiếp cận dễ dàng đi TP Hồ Chí Minh và đến các tỉnh ven biển miền Trung. Điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng của Lâm Hà cũng ưu ái cho vùng đất này hệ sinh thái phong phú, nhiều hồ, thác tạo nên các thắng cảnh thiên nhiên đẹp, như: thác Voi, thác Liêng Chi Nha, hệ thống thủy lợi Đạ Đờn, hồ thủy điện Đồng Nai 2, Đồng Nai 3, thác Mưa Bay, hồ Phúc Thọ, hồ Đạ Sa... 
 
Nhiều năm nay, một số tour tuyến du lịch đến Lâm Hà đã được các công ty lữ hành kết nối và khai thác hiệu quả, như: tuyến du lịch Đà Lạt - Tà Nung - Nam Ban; du lịch tâm linh Thác Voi - chùa Linh Ẩn; tham quan làng dân tộc và dệt thổ cẩm thôn Đam Pao - Đạ Đờn; tham quan và nghỉ dưỡng tại Khu du lịch Long Đỉnh, Hồ Gia Trang; các điểm tham quan, du lịch canh nông như: Trại dế Thiên An, Cơ sở ươm tơ dệt lụa Cường Hoàn, Ba Minh...; đặc biệt, loại hình du lịch thể thao mạo hiểm trên sông Đạ Dâng đã từng rất hấp dẫn du khách cho đến khi khai thác thuỷ điện...
 
Trong Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của huyện Lâm Hà (giai đoạn 2021-2025) du lịch được định hình rõ nét là: Phát triển du lịch theo hướng bền vững đi đôi với việc bảo tồn, phát huy các giá trị bản sắc văn hóa các vùng, miền, các dân tộc, kết hợp với việc bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, cảnh quan và môi trường. Tuy nhiên, du lịch Lâm Hà chưa được khai thác đúng mức; mà chỉ là một số tour, tuyến nhỏ, với lượng khách chủ yếu là người ngoại quốc tìm hiểu văn hoá truyền thống, hoặc các bạn trẻ trải nghiệm du lịch thể thao mạo hiểm; lượng khách tăng trưởng bình quân thấp, doanh thu ngành Du lịch mới chỉ chiếm hơn 2% giá trị ngành Dịch vụ...
 
Tuy nhiên, với quyết tâm đầu tư phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, là động lực thúc đẩy các ngành khác phát triển vào năm 2030, Lâm Hà huy động các nguồn lực đầu tư phát triển du lịch của huyện theo hướng chất lượng cao, bền vững; khuyến khích phát triển du lịch canh nông, du lịch cộng đồng; quan tâm đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực du lịch… Cơ quan quản lý nhà nước huyện Lâm Hà đã kỳ công biên soạn cuốn “Cẩm nang Du lịch Lâm Hà” một cách chi tiết đến từng thôn, xã; đồng thời, đang chuẩn bị kế hoạch tổ chức các chương trình xúc tiến, kết nối du lịch đến Lâm Hà trong thời gian tới.
 
NHẬT QUÂN

Báo Lâm Đồng