Phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ở Đạ Tẻh

04/10/2022 01:55 PM


Phát triển công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp bền vững, trọng tâm là công nghiệp chế biến phù hợp với định hướng phát triển công nghiệp của tỉnh và khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của địa phương là hướng đi của huyện Đạ Tẻh.
 
Đại diện lãnh đạo các đơn vị của tỉnh và huyện Đạ Tẻh trao đổi việc tiến hành phát triển khu công nghiệp tại địa phương này
Đại diện lãnh đạo các đơn vị của tỉnh và huyện Đạ Tẻh trao đổi việc tiến hành phát triển khu công nghiệp tại địa phương này
 
Trên cơ sở thực hiện Nghị quyết số 13, ngày 25/5/2022 của Tỉnh ủy về việc phát triển công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và Nghị quyết số 06, ngày 9/4/2021 của Huyện ủy Đạ Tẻh về việc tăng cường thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp giai đoạn 2021 - 2025, huyện Đạ Tẻh đã có những bước đi cụ thể.
 
Theo đó, huyện Đạ Tẻh xác định rõ mục tiêu: Phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp theo hướng bền vững, hiện đại, phù hợp với điều kiện cụ thể nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên và các nguồn lực khác; giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, nâng dần tỷ trọng trong cơ cấu kinh tế. Tạo điều kiện để thu hút các nguồn lực, đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư. Hỗ trợ các doanh nghiệp, các nhà đầu tư triển khai thuận lợi các dự án trên địa bàn. Ưu tiên phát triển các ngành Công nghiệp, Tiểu thủ công nghiệp gắn với vùng nguyên liệu tại chỗ như chế biến nông - lâm sản, sản xuất vật liệu xây dựng, năng lượng mặt trời. Vận dụng các nguồn vốn đầu tư kết cấu hạ tầng để thu hút, kêu gọi đầu tư, gắn phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp với phát triển nông nghiệp, nông thôn và bảo vệ môi trường.
 
Địa phương phấn đấu đến năm 2025, giá trị sản xuất ngành Công nghiệp tăng bình quân hàng năm đạt 10% - 11%. Tỷ trọng ngành Công nghiệp, Tiểu thủ công nghiệp trong cơ cấu kinh tế đạt khoảng 8,5%.
 
Huyện Đạ Tẻh đang tập trung phát triển công nghiệp chế biến gắn với chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm trong nước và xuất khẩu. Cụ thể, phát triển công nghiệp chế biến có lợi thế cạnh tranh về vùng nguyên liệu, sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện môi trường. Đẩy mạnh phát triển chế biến sâu các loại nông sản nhằm khai thác hiệu quả nguồn nguyên liệu tại chỗ. Ưu tiên thu hút đầu tư các dự án chế biến nông sản, lâm sản có thế mạnh tại địa phương như: chế biến gạo, bắp, trái cây, sơ chế nguyên liệu giấy, chế biến các sản phẩm từ tre tầm vông có công nghệ tiên tiến, hiện đại, thân thiện môi trường. Thu hút đầu tư các cơ sở bảo quản nông sản sau thu hoạch tại các vùng nguyên liệu tập trung gắn với xây dựng nhãn hiệu; tiếp tục khôi phục và phát triển ngành nghề ươm tơ.
 
Phát triển công nghiệp chế biến lâm sản theo hướng khai thác hiệu quả và bền vững tài nguyên rừng; công nghiệp khai thác khoáng sản theo hướng áp dụng công nghệ tiên tiến, giảm tối đa tác động đến cảnh quan, môi trường sinh thái; phát triển công nghiệp cơ khí phục vụ phát triển nông nghiệp theo hướng ưu tiên phát triển các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp các sản phẩm cơ khí, điện tử, dệt may. Bên cạnh đó, phát triển và mở rộng các chuỗi liên kết bền vững giữa sản xuất, thu hoạch, sơ chế, chế biến gắn với tiêu thụ sản phẩm. Hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại, thương mại điện tử.
 
Hiện, huyện Đạ Tẻh đang tiếp tục hoàn thiện các điều kiện để đề xuất UBND tỉnh, Thủ tướng Chính phủ cho chủ trương điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển khu công nghiệp tại huyện Đạ Tẻh vào các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đồng thời quan tâm, thu hút đầu tư các khu công nghiệp, khu sản xuất tiểu thủ công nghiệp tập trung, đồng bộ về hạ tầng, hệ thống giao thông, hệ thống xử lý nước thải. Đẩy mạnh xã hội hoá trong hoạt động đầu tư xây dựng hạ tầng các khu công nghiệp, khu sản xuất tiểu thủ công nghiệp tập trung. Xây dựng lộ trình và di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường ra khỏi các khu dân cư; đồng thời, tạo điều kiện về quỹ đất để chuyển các cơ sở sản xuất này vào khu công nghiệp, khu sản xuất tiểu thủ công nghiệp tập trung.
 
Địa phương cũng khuyến khích phát triển tiểu thủ công nghiệp với các ngành nghề như sản xuất bún, bánh, rượu thủ công, sửa chữa cơ khí, mây tre đan, trồng dâu nuôi tằm, may mặc; tiếp tục vận dụng các nguồn vốn để hỗ trợ các cơ sở tiểu thủ công nghiệp mở rộng quy mô, đầu tư máy móc thiết bị, công nghệ mới vào sản xuất. Kết hợp, lồng ghép Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới với Chương trình Quốc gia Mỗi xã một sản phẩm (OCOP). 
 
Đẩy mạnh áp dụng thương mại điện tử; hỗ trợ các cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp để xây dựng website giới thiệu, quảng bá, xây dựng thương hiệu sản phẩm và áp dụng thương mại điện tử. Tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư phát triển tiểu thủ công nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.
 
Lãnh đạo huyện Đạ Tẻh khẳng định, địa phương luôn tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho phát triển công nghiệp. Đồng thời, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, phát huy vai trò của các cấp ủy đảng và người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong quản lý nhà nước về công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Từng bước xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức quản lý nhà nước đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ đặt ra trong tình hình mới. Tăng cường thực hiện vai trò giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc thực hiện cơ chế, chính sách phát triển công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn.
 
NGỌC NGÀ

Báo Lâm Đồng