Nông dân Đạ Tẻh từng bước tiếp cận công nghệ 4.0

13/09/2022 08:16 AM


Áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ, một số nông dân trên địa bàn huyện Đạ Tẻh đang từng bước chuyển đổi phương thức sản xuất bằng công nghệ 4.0 với quy trình sản xuất tối ưu, nâng cao chất lượng, giá trị nông sản.
 
Anh Bạch Chơn Lâm (phía trước) giới thiệu mô hình điều khiển tưới sầu riêng qua smartphone
Anh Bạch Chơn Lâm (phía trước) giới thiệu mô hình điều khiển tưới sầu riêng qua smartphone
 
Khởi nghiệp từ ruộng vườn, nhưng cách làm của chị Ngô Thị Thùy Dung (35 tuổi, tại Thôn 5, xã Đạ Kho) không manh mún như bố mẹ hay nhiều hộ làm nông nghiệp quanh vùng. Với sự nhanh nhạy của bản thân và sự trợ giúp đắc lực của công nghệ số, chị Dung đã xây dựng thành mô hình dưa lưới công nghệ cao tại địa phương. Chia sẻ với chúng tôi, chị Dung cho hay, sau một thời gian làm kỹ sư nông nghiệp, chuyên chuyển giao kỹ thuật trồng và canh tác trong nhà kính cho các công ty, chị đã ấp ủ ước mơ thực hiện mô hình trồng dưa áp dụng công nghệ cao và hạn chế sử dụng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu trong quá trình sản xuất.
 
Dám nghĩ, dám làm, năm 2019, với số vốn tích góp và vay 100 triệu đồng từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, chị Dung đầu tư hơn 450 triệu đồng để xây dựng hệ thống nhà kính đúng tiêu chuẩn kỹ thuật, tưới nhỏ giọt công nghệ với đầy đủ các trang thiết bị đo chỉ tiêu của nước. Nhờ vậy, việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất không chỉ giúp chị Dung tiết kiệm được chi phí nhân công mà còn tăng giá thành sản phẩm cao gấp 3 lần so với dưa trồng thông thường.
 
Nhờ ứng dụng hiệu quả công nghệ tưới tiết kiệm, cùng tuân thủ quy trình để xây dựng, sản xuất GlobalGAP, vườn dưa lưới của chị Dung cho năng suất, chất lượng cao. Hiện tại, mô hình dưa lưới đang cho thu hoạch 3 vụ mỗi năm, với giá bán 35.000 đồng/kg tại vườn. Riêng năm 2021, chị Dung thu về hơn 10 tấn dưa lưới để cung ứng cho thị trường trong, ngoài huyện và TP Hồ Chí Minh. 
 
Ông Nguyễn Mệnh Quý - Chủ tịch Hội Nông dân xã Đạ Kho thông tin, hiện có trên 100 hộ tại xã Đạ Kho đang bắt đầu tiếp cận và ứng dụng công nghệ thông minh vào sản xuất. Không mất nhiều thời gian như trước và tốn chi phí thuê nhân công, giờ làm vườn ứng dụng công nghệ tự động, bà con sẽ đỡ phải dùng tay chân, cây cho năng suất, hiệu quả vượt trội. Ngoài sự tiện lợi, tiết kiệm thời gian, chi phí, công nghệ tưới phun tự động còn giúp nông dân hạn chế tiếp xúc với các loại thuốc, phân hóa học, giảm sự độc hại cho nhà vườn. Với nông nghiệp thông minh, nông dân nên bắt đầu từ những kỹ thuật, công nghệ đơn giản, dễ ứng dụng. Trong đó, hệ thống tưới nước tiên tiến, tiết kiệm kết hợp bón phân qua đường ống được điều khiển qua điện thoại smartphone ngày càng được nhiều nông dân ứng dụng thực tế vào sản xuất nông nghiệp.
 
Cùng đi với cán bộ Trung tâm Nông nghiệp huyện Đạ Tẻh, chúng tôi “mục sở thị” mô hình trồng sầu riêng của anh Bạch Chơn Lâm (50 tuổi) tại thôn Phú Thành, xã Đạ Lây. Anh Lâm cho biết: “Sau khi được học tập, tìm hiểu, đồng thời qua sự giới thiệu của cán bộ xã và Trung tâm Nông nghiệp huyện, tôi biết đến mô hình ứng dụng công nghệ thông minh trong sản xuất nông nghiệp. Vốn dĩ ban đầu chi phí bỏ ra cho số diện tích trồng sầu riêng của tôi cũng khá nhiều. Năm 2019, cùng với nông dân, tôi được Trung tâm Nông nghiệp hỗ trợ 40% số vốn để lắp đặt hệ thống tưới tự động, qua đó, giảm chi phí thuốc bảo vệ thực vật, chi phí thuê lao động. Nếu như phun thông thường, cần 2 công và 1 ngày rưỡi trên 1 ha, tiêu tốn 6 khối nước. Còn hệ thống này mỗi lần phun thuốc chỉ mất 10-25 phút là xong 1 ha và cần 4 khối nước, 1 người vận hành không phải tiếp xúc trực tiếp với thuốc. Khi nào cần sử dụng, chỉ cần ấn nút và điều chỉnh van khóa nước, phân bón, thuốc sẽ được phun đều khắp trên cây, giúp gia đình bảo vệ vườn sầu riêng khỏi rầy, bọ xít…”.
 
Để chăm sóc vườn sầu riêng 2 ha, hiện anh Lâm có thể ngồi tại nhà và điều khiển hệ thống thiết bị tưới nước tự động thông qua chiếc điện thoại thông minh. Chỉ cần những thao tác đơn giản thông qua điện thoại, dù ở cách xa cả trăm km, hệ thống cũng sẽ tự động vận hành, tưới theo thời gian đã cài đặt cho từng khu vực, tùy thuộc vào từng loại cây trồng.
 
Theo Trung tâm Nông nghiệp huyện Đạ Tẻh, hiện nay, hầu hết các mô hình thí điểm và những mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, được nhân rộng đều đang phát huy hiệu quả cả về kinh tế và việc ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào trong quá trình sản xuất. Ngoài các hộ nông dân thông qua trung tâm để được vay vốn, hỗ trợ thì trước đó người dân địa phương đã kịp thời nắm bắt, học hỏi được ở nhiều nơi. Điều đáng nói là các mô hình xuất hiện trên địa bàn huyện đã tạo ra nông sản có năng suất, chất lượng, có khả năng cạnh tranh, góp phần thay đổi tư duy sản xuất của người dân.
 
THÂN THU HIỀN

Báo Lâm Đồng