Xuất khẩu giống nuôi cấy mô

13/09/2022 08:13 AM


Ngoài sản xuất phục vụ thị trường trong nước, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã nâng cao chất lượng sản xuất giống các loại rau, hoa nuôi cấy mô (invitro) phục vụ thị trường xuất khẩu.
 
Lâm Đồng hướng tới ngành Công nghiệp sản xuất giống nuôi cấy mô xuất khẩu
Lâm Đồng hướng tới ngành Công nghiệp sản xuất giống nuôi cấy mô xuất khẩu
 
• GIÁ TRỊ XUẤT KHẨU LỚN
 
Lâm Đồng là một địa phương đi đầu trong việc ứng dụng công nghệ sinh học, đặc biệt là công nghệ nuôi cấy mô (invitro) trong sản xuất giống cây trồng phục vụ sản xuất. Đáng chú ý, một số doanh nghiệp nhập khẩu cây mẹ các loại từ các nước Bỉ, Indonesia, Trung Quốc, Israel, Ấn Độ… để nhân nhanh trong môi trường invitro và xuất khẩu trở lại vào các thị trường các nước. 
 
Ông Hồ Anh Dũng - Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ sinh học F1 cho biết, ngành Công nghệ sinh học, nhất là lĩnh vực nhân giống nuôi cấy mô của Lâm Đồng đã và đang phát triển rất mạnh mẽ trong thời gian qua và được các đối tác, khách hàng nước ngoài đánh giá có vị thế số 1 trong khu vực Đông Nam Á. Gần 10 năm phát triển lĩnh vực nuôi cấy mô, công ty đã đạt những thành tựu nhất định. Cụ thể, công ty đã đầu tư xây dựng phòng thí nghiệm quy mô công nghiệp và hiện đại với diện tích khoảng hơn 1.200 m2, hằng năm sản xuất khoảng 10 triệu cây giống nuôi cấy mô xuất khẩu sang ở châu Âu, Mỹ, Úc... 
 
Hiện nay, toàn tỉnh có 56 tổ chức, cá nhân (cơ sở) nuôi cấy mô. Trong đó, một số viện, trường và doanh nghiệp có vốn lớn đã đầu tư vào khoa học công nghệ, trở thành đơn vị xuất khẩu giống hàng đầu cả nước như: Công ty TNHH CNSH F1, Công ty CP Công nghệ sinh học Rừng Hoa Đà Lạt, Công ty Quang Nguyên Đà Lạt, Công ty CP Cây Giống Cao Nguyên (HIVICO); Công ty TNHH Hoa Mặt Trời; Công ty TNHH Công Nghệ Sinh Học Đất Xanh; Cơ sở Lê Mai Trung… gia công cây giống nuôi cấy mô và xuất khẩu sang các nước Bỉ, Ấn Độ, Trung Quốc, Isarel,….
 
Theo Hiệp hội Hoa Đà Lạt, năm 2021 sản lượng cây giống nuôi cấy mô xuất khẩu đạt 35 triệu cây (tăng 1,6 triệu cây so với 2020); chiếm 48,4% tổng số cây giống nuôi cấy mô toàn tỉnh. Giá trị xuất khẩu năm 2021 đạt 9 triệu USD; dự kiến năm 2022, sản lượng cây giống nuôi cấy mô trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đạt 74 triệu cây, trong đó xuất khẩu khoảng 50 triệu cây giống với giá trị xuất khẩu đạt 12,7 triệu USD.
 
• HƯỚNG TỚI NGÀNH CÔNG NGHIỆP NUÔI CẤY MÔ
 
Ngay từ năm 2004, Lâm Đồng đã chỉ đạo triển khai chương trình nông nghiệp công nghệ cao, trong đó xác định công nghệ nuôi cấy mô là lĩnh vực “đầu vào” quan trọng nhất nhằm phục vụ nền sản xuất nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh cũng như xuất khẩu. 
 
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, bên cạnh những kết quả đạt được trong lĩnh vực nuôi cấy mô, cũng cần nhìn thẳng vào thực tại mà ngành sản xuất giống còn gặp phải. Đó là, nguồn vật liệu nhân giống ban đầu để sản xuất không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, việc kiểm soát sạch bệnh trước khi đưa vào cấy mô chưa được tiến hành. Do đó, nguy cơ tiềm ẩn dịch hại ngay từ cây mẹ dẫn tới lây lan diện rộng trong sản xuất và thoái hóa giống. Đó là chưa kể ngoài các doanh nghiệp, các đơn vị thuộc khối nhà nước ra, còn lại các cơ sở sản xuất giống có quy mô nhỏ, đầu tư không đồng bộ, cơ sở vật chất còn thiếu, chưa xây dựng và áp dụng theo quy trình, chủ yếu theo kinh nghiệm... Đa phần nguồn nhân lực, kỹ thuật viên trình độ cao còn thiếu, chưa đáp ứng được yêu cầu sản xuất.
 
Ông Hồ Anh Dũng - Giám đốc Công ty Công nghệ Sinh học F1 nhận định, tiềm năng để xuất khẩu giống nuôi cấy mô là rất lớn, chính vì vậy, để thúc đẩy ngành này trở thành ngành công nghiệp có tính chiến lược thì tỉnh cần có quy định cụ thể cho việc quản lý các cơ sở sản xuất cây giống nuôi cấy mô; đặc biệt là khi đưa vào danh mục giống cây trồng phải công bố tiêu chuẩn chất lượng và gắn nhãn giống cây trồng do đơn vị sản xuất. Đồng thời, có chính sách đặc thù với quỹ đất dùng xây dựng phòng Lab công nghệ cao để doanh nghiệp có thể chủ động tái đầu tư, nâng cao năng lực cho các cơ sở sản xuất cây giống nuôi cấy mô đảm bảo nguồn giống gắn với kiểm soát tốt chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường. 
 
Ông Hà Ngọc Chiến - Chi Cục trưởng Chi Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cho biết, đến nay, Lâm Đồng là một địa phương đi đầu trong việc ứng dụng công nghệ sinh học, đặc biệt là công nghệ nuôi cấy mô (invitro) trong sản xuất giống cây trồng phục vụ sản xuất. Ngoài việc nhân nhanh nguồn giống chất lượng cao sạch bệnh cung cấp cho sản xuất trong nước, hiện đã từng bước hình thành ngành Công nghiệp sản xuất giống xuất khẩu đến nhiều nước trong khu vực. 
 
Để tiếp tục phát triển bền vững ngành sản xuất giống cây trồng nói chung và nuôi cấy mô nói riêng, trong thời gian tới, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất các cơ chế đặc thù về đất đai, thu hút đầu tư, nhập khẩu sử dụng các trang thiết bị, hóa chất,...
 
Bên cạnh đó, các đơn vị sản xuất giống cũng phải đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, công nghệ tiên tiến để sản xuất nuôi cấy mô hiệu quả và kiểm soát giống đảm bảo sạch bệnh. Nhập khẩu, mua bản quyền các giống cây mẹ mới, giá trị cao để phục vụ sản xuất trong tỉnh; thúc đẩy ngành sản xuất rau, hoa phát triển mạnh tiến đến xuất khẩu. Đồng thời, tăng cường hoạt động liên kết, hợp tác giữa các đơn vị, cơ sở để trao đổi kinh nghiệm, phát triển mở rộng sản xuất, từng bước hình thành ngành cây nông nghiệp sản xuất giống invitro. 
 
HOÀNG YÊN

Báo Lâm Đồng