Để công tác quản lý, bảo vệ rừng ngày càng hiệu quả và mang tính bền vững

06/09/2022 10:45 AM


Tình trạng phá rừng trái phép dưới nhiều hình thức và mục đích khác nhau đang diễn ra rất phức tạp, gây nhiều khó khăn cho các cấp chính quyền cũng như cơ quan chức năng trong vấn đề quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Đây là vấn đề mang tính xã hội cao, vì vậy để giải quyết vấn nạn này không đơn thuần là giải pháp riêng biệt của một cấp, một ngành, một lĩnh vực mà cần có những giải pháp tổng hợp với sự tham gia của nhiều ngành chức năng.
 
Phút nghỉ ngơi của lực lượng quản lý, bảo vệ rừng trong rừng sâu
Phút nghỉ ngơi của lực lượng quản lý, bảo vệ rừng trong rừng sâu
 
• TỪNG ĐƠN VỊ PHẢI XÂY DỰNG PHƯƠNG ÁN QUẢN LÝ, BẢO VỆ RỪNG
 
Để tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng, ngăn chặn tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp; khôi phục và phát triển rừng trên địa bàn toàn tỉnh, UBND tỉnh Lâm Đồng gần đây đã yêu cầu các đơn vị làm công tác quản lý, bảo vệ rừng (QLBVR) hàng năm phải xây dựng phương án QLBVR. Các phương án này sẽ được Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh kiểm tra, rà soát, đánh giá sau đó trình UBND tỉnh để phê duyệt và giám sát. 
 
Vấn đề đảm bảo công tác quản lý, bảo vệ rừng ở các Ban Quản lý rừng phòng hộ, các đơn vị lâm nghiệp, các hạt... luôn được đặt ở mức độ cao nhất. Ở một số địa bàn có diễn biến phức tạp, hay xảy ra một vài vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp, các cán bộ làm công tác QLBVR ngay lập tức đặt trong tình trạng “căng như dây đàn”. Toàn bộ đơn vị hầu như đều tăng ca, thường xuyên đi rừng, bám rừng…
 
Tại 2 xã Lộc Bắc, Lộc Bảo (Bảo Lâm) có các nhà đầu tư được UBND tỉnh cho thuê rừng và đất lâm nghiệp để thực hiện các dự án đầu tư trồng rừng, trồng cao su, các công trình thủy điện, khai thác khoáng sản... Các buôn, làng trên địa bàn 2 xã hiện nay đã được định canh, định cư ổn định, cơ sở hạ tầng được nâng cấp, đất sản xuất được bố trí ổn định. Tình hình chính trị, trật tự an ninh, quốc phòng ổn định và giữ vững. Tuy nhiên, 2 xã này được đánh giá là 2 xã đầu mối về tình hình di dân, khai thác gỗ và lâm sản ngoài gỗ, phần lớn là đồng bào dân tộc bản địa và dân di cư tự do từ các tỉnh khác đến, thành phần dân tộc gồm có Mạ, Kinh, K'Ho, Cil, Tày, Nùng, Mường,...
 
Ông Nguyễn Minh Lịch - Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Lộc Bắc cho biết, để tăng cường hiệu quả đối với công tác QLBVR trên diện tích rừng được giao, công ty đã xây dựng phương án QLBVR. Theo đó, Công ty đề ra một số biện pháp cần thiết và tổ chức triển khai thực hiện linh hoạt tại các diện tích rừng trồng, diện tích rừng tự nhiên, đặc biệt là ở những khu vực nhạy cảm về các hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp, các điểm dễ phát sinh cháy. Song song đó, tăng cường công tác phối kết hợp giữa đơn vị chủ rừng với chính quyền địa phương, các tổ chức và các đơn vị đóng trên địa bàn để thực hiện một cách nhịp nhàng công tác QLBVR tại địa bàn.
 
Tương tự Công ty Lâm nghiệp Lộc Bắc, ở một số công ty TNHH MTV Lâm nghiệp khác trên địa bàn tỉnh cũng đều đã xây dựng các phương án QLBVR theo đặc thù riêng của từng đơn vị. Việc xây dựng phương án QLBVR chính là nhằm đưa ra giải pháp chung để tiến tới tất các địa phương, đơn vị phải thực hiện đồng bộ các bước công việc trong QLBVR&PCCCR, trong đó có cả công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân về việc tuân thủ pháp luật, các quy định của Luật Lâm nghiệp; Luật Đất đai... Trong các phương án QLBVR, các đơn vị cũng đều phải xây dựng kế hoạch, lịch trực cụ thể tại cụm tiểu khu, các chốt chặn, đặc biệt vào các ngày nghỉ lễ, tết chú trọng các điểm nóng thường xuyên xảy ra các hành vi khai thác, vận chuyển, cất dấu lâm sản trái phép, ngăn ngừa các hành vi phá rừng, lấn chiếm, tái lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép,… do đơn vị quản lý. 
 
 TIẾP TỤC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC TUYÊN TRUYỀN, VẬN ĐỘNG NHÂN DÂN
 
Có thể thấy rằng, những năm gần đây, việc quản lý, bảo vệ rừng luôn là chủ đề nóng được chính quyền các cấp đặc biệt quan tâm. Rất nhiều hoạt động đã được chính quyền các cấp quan tâm triển khai nhằm giảm thiểu những vi phạm về Luật Lâm nghiệp. Nhiều chính sách hỗ trợ của Nhà nước đã được thực hiện như Chương trình xây dựng Nông thôn mới, Chương trình 135, 327, 661, 449, 30a... đã có tác động tích cực, góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn trong vùng, song vẫn chưa giải quyết được triệt để nạn phá rừng. Tỉnh Lâm Đồng cũng đã chỉ đạo cơ quan chức năng và chính quyền các địa phương, các đơn vị lâm nghiệp chủ động phối hợp, thường xuyên thăm nắm kiểm tra thực tế những khu vực rừng tự nhiên có nguy cơ bị chặt phá. Mặt khác, tích cực tuyên truyền, vận động người dân tham gia QLBVR. 
 
Trong năm 2021, lực lượng kiểm lâm và các cơ quan, đơn vị liên quan của tỉnh đã tổ chức tuyên truyền 376 cuộc với 16.826 lượt người tham gia, ký 5.958 bản cam kết bảo vệ rừng; ngoài ra, còn tổ chức nhiều đợt tuyên truyền lưu động bằng xe loa tới tất cả các xã, phường, thị trấn có rừng. Với việc đẩy mạnh các hoạt động truyền thông về QLBVR trong những năm gần đây, nhận thức của đa số người dân về hành vi này đã được nâng lên rõ rệt. Nhiều người dân đã biết phá rừng trái phép là hành vi vi phạm pháp luật và sẽ gây hại về môi trường. Tuy nhiên, do tác hại của phá rừng không diễn ra ngay nên người dân thường chỉ thấy cái lợi trước mắt mà không quan tâm đến cái hại lâu dài. Hơn nữa, các hình thức xử phạt và chế tài của luật pháp vẫn chưa đủ mạnh, chưa đủ sức răn đe, việc xử lý vi phạm gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều trường hợp người vi phạm là người dân tộc thiểu số, đời sống khó khăn, không có khả năng chấp hành các quyết định xử phạt, dẫn đến nhiều vụ việc không xử lý triệt để, do vậy tính giáo dục và răn đe chưa được đề cao. Chính vì vậy, tình trạng phá rừng trái phép vẫn tiếp tục xảy ra dưới mọi hình thức. 
 
Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận rằng, từ đầu năm đến nay, công tác quản lý, bảo vệ rừng đã có những chuyển biến tích cực, có chiều hướng giảm so với trước. Thời gian tới, khi mà các phương án quản lý, bảo vệ rừng của các đơn vị, địa phương đã được xây dựng, hoàn chỉnh và đưa vào triển khai thực hiện, cùng với đó là sự quan tâm lãnh chỉ đạo quyết liệt, giám sát chặt chẽ từ các cơ quan chức năng, hy vọng rằng, công tác QLBVR trên địa bàn tỉnh sẽ ngày càng đạt được hiệu quả cao và mang tính bền vững.
 
NGUYỄN NGHĨA

Báo Lâm Đồng