5 năm thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

10/08/2022 07:59 AM


Giai đoạn 2016 - 2021, tỉnh Lâm Đồng đã cơ bản hoàn thành các nhiệm vụ trọng tâm về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTK, CLP) đã đề ra theo Quyết định 1630/QĐ-UBND ngày 25/7/2017 của UBND tỉnh. Công tác quản lý chi ngân sách, đầu tư xây dựng cơ bản, mua sắm, sử dụng tài sản, phương tiện, trụ sở làm việc... ngày càng được quan tâm, chú trọng góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, tập trung nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh trật tự, đảm bảo an sinh xã hội. 
 
Đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh giải trình làm rõ một số nội dung đoàn giám sát nêu.
Đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh giải trình làm rõ một số nội dung đoàn giám sát nêu.
 
Triển khai Nghị quyết số 07-NQ/TW ngày 18/11/2016 của Bộ Chính trị và Chương trình hành động số 62/CTr-TU ngày 23/5/2018 của Tỉnh ủy về cơ cấu lại ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh đã chỉ đạo thực hiện tái cơ cấu lại chi ngân sách địa phương theo hướng giảm dần tỷ trọng chi thường xuyên và tăng hợp lý tỷ trọng chi đầu tư phát triển gắn với đổi mới mạnh mẽ khu vực sự nghiệp công lập theo cơ chế tự chủ tài chính và tinh giản bộ máy, biên chế.
 
Các cơ quan, địa phương, đơn vị đã triển khai nhiều giải pháp nhằm đảm bảo cân đối ngân sách, bảo đảm nguồn lực chi an sinh, phúc lợi xã hội theo dự toán được giao đầu năm, hạn chế bổ sung dự toán trong năm đối với các nhiệm vụ chi chưa thật sự cần thiết, cấp bách. Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ dự toán chi ngân sách, triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, nhất là các khoản chi mua sắm phương tiện, trang thiết bị đắt tiền,… để tạo nguồn thực hiện cải cách tiền lương theo lộ trình của Chính phủ; thực hiện tiết kiệm tối thiểu 10% chi thường xuyên hàng năm theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Tài chính. 
 
Tốc độ tăng chi ngân sách địa phương đã được kiểm soát hiệu quả, cơ cấu chi ngân sách chuyển biến tích cực, tỷ trọng chi thường xuyên trong tổng chi ngân sách có xu hướng giảm dần, tỷ trọng chi đầu tư trong giai đoạn 2016-2020 tăng khá so với giai đoạn 2011-2015, cụ thể: năm 2016 đạt 19,7% và tăng lên 29,2% trong năm 2021; kỷ luật, kỷ cương tài chính ngân sách được tăng cường, hiệu quả sử dụng ngân sách được nâng lên. 
 
Trong giai đoạn 2016-2021, địa phương đã tiết kiệm trong khâu lập, thẩm định, phê duyệt dự toán, quyết toán, quản lý sử dụng kinh phí NSNN là 3.381 tỷ đồng, trong đó, tiết kiệm dự toán chi thường xuyên theo chỉ đạo của Chính phủ, tiết kiệm thông qua cắt giảm dự toán, tiết kiệm tạo nguồn phòng, chống dịch bệnh COVID-19 là 2.370 tỷ đồng. Tiết kiệm chi quản lý hành chính (điện, nước, văn phòng phẩm, thông tin liên lạc, hội nghị, công tác, tiếp khách, khánh tiết…) 326 tỷ đồng.
 
Địa phương đã thực hiện tiết kiệm tối thiểu từ 12% -15% các khoản kinh phí chi hội nghị, hội thảo, tọa đàm, chi tiếp khách, khánh tiết, tổ chức lễ hội, lễ kỷ niệm, sử dụng xăng xe, điện, nước, văn phòng phẩm, sách, báo, tạp chí...
 
Thực hiện các Nghị quyết của Chính phủ về đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, UBND tỉnh đã ban hành các văn bản chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ, thành lập các đoàn công tác do lãnh đạo UBND tỉnh làm trưởng đoàn làm việc với từng huyện, thành phố, chủ đầu tư để nắm bắt tình hình thực hiện dự án của từng dự án, nhằm giải quyết các khó khăn, vướng mắc và đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công. Qua đó, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công giai đoạn 2016-2021 đảm bảo yêu cầu góp phần phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.
 
Thống kê cụ thể, giai đoạn 2016-2021, tổng số vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh: 15.502 tỷ đồng; đã bố trí vốn cho 794 dự án, 3 chương trình, phân cấp cho các địa phương và một số nội dung khác. Kết quả giải ngân 14.942 tỷ đồng, đạt 96,3%. Có 14.707 gói thầu về đầu tư công với giá trị 18.122 tỷ đồng, tổng giá trúng thầu 17.528 tỷ đồng, giảm qua đấu thầu 594 tỷ đồng, tương ứng 3,2%. 
 
Về nợ đọng xây dựng cơ bản đã được xử lý triệt để; kế hoạch đầu tư công trung hạn (giai đoạn 2016-2021) đã bố trí đủ vốn để thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản, không phát sinh thêm nợ đọng xây dựng cơ bản trong giai đoạn. Bố trí vốn còn thiếu cho các dự án đã quyết toán hoàn thành không thuộc diện tiết kiệm 10% tổng mức đầu tư, hoàn trả tạm ứng với số tiền hơn 99,7 tỷ đồng.
 
 Có 43 dự án điều chỉnh quy mô đầu tư nhưng không làm tăng tổng mức đầu tư do sử dụng nguồn vốn tiết kiệm qua đấu thầu, vốn dự phòng chưa sử dụng hết để bổ sung thêm một số hạng mục cần thiết, phát huy hiệu quả đầu tư; 13 dự án điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư với số tiền phát sinh tăng 58,3 tỷ đồng do chi phí mặt bằng, điều chỉnh đơn giá, cơ chế chính sách. Để khắc phục tình trạng này, UBND tỉnh đã yêu cầu các chủ đầu tư cần làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, tạo sự đồng thuận của người dân trong thực hiện công tác đền bù, giải phóng mặt bằng dự án; tích cực, chủ động giải quyết các khó khăn, vướng mắc, sớm bàn giao mặt bằng để tổ chức thi công dự án; ưu tiên sử dụng nguồn vốn được bố trí để chi trả tiền đền bù, giải phóng mặt bằng cho Nhân dân, tránh làm phát sinh tổng mức đầu tư.
 
Có 13 chương trình, dự án vốn ODA với tổng vốn theo Quyết định đầu tư 171 triệu USD, gồm: vốn ODA 137,6 triệu USD (Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) 54,7 triệu USD, Ngân hàng Thế giới (WB) 43,3 triệu USD, Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) 39,6 triệu USD), vốn đối ứng 33,4 triệu USD. Đến hết năm 2020, có 8 chương trình, dự án hoàn thành, 4 chương trình, dự án đang triển khai, 1 dự án không thực hiện.
 
Qua công tác thẩm tra quyết toán đã hạn chế tối đa tình trạng thất thoát, lãng phí và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư xây dựng cơ bản. Trong giai đoạn 2016-2021, tổng dự án quyết toán 3.979 dự án, trong đó, dự án quyết toán đúng thời gian quy định 3.544 dự án.
 
Thực hiện tiết kiệm trong lĩnh vực đầu tư xây dựng, quản lý sử dụng trụ sở làm việc và công trình phúc lợi công cộng 1.530 tỷ đồng, trong đó giá trị quyết toán được duyệt giảm so với vốn bố trí là 78 tỷ đồng. Đã hoàn thành 100% việc sắp xếp lại các cơ sở nhà, đất của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn thuộc đối tượng sắp xếp theo Nghị định số 167/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ. 
 
Ngày 10/4/2017, UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành Quyết định số 679/QĐ-UBND về việc ban hành Đề án thí điểm Tổ chức quản lý xe ô tô dùng chung của các cơ quan, đơn vị đang làm việc tại Trung tâm Hành chính tỉnh; theo đó, tỉnh Lâm Đồng thành lập Đội xe ô tô công bao gồm tất cả các xe ô tô và lái xe thuộc quyền quản lý, sử dụng của các cơ quan, đơn vị đang làm việc tại Trung tâm Hành chính tỉnh; đồng thời sắp xếp điều chuyển một số xe cho các huyện và thanh lý các xe đã hư hỏng; sắp xếp cho một số lái xe nghỉ việc (đến tuổi nghỉ hưu 3 người; sắp xếp nghỉ hưu trước tuổi, nghỉ việc cho lái xe theo Nghị định số 108/2014/NĐ-CP: 7 người; thanh lý hợp đồng đối với 1 người do hết tuổi lao động) từ đó tiết kiệm được chi phí sử dụng xe ô tô, chi phí tiền lương và chi khác. Kết quả sau sắp xếp giảm 17 xe, 15 lái xe, tiết kiệm được hơn 1 tỷ đồng/năm. 
 
NGUYỆT THU

Báo Lâm Đồng