Lạc Dương ''bắt tay'' với xứ sở hoa anh đào

04/08/2022 08:29 AM


Với những nét tương đồng về tiềm năng, lợi thế trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, du lịch…, huyện Lạc Dương và thành phố Yachiyo (Nhật Bản) đang xúc tiến chương trình hợp tác. Và cái “bắt tay” vào tháng 9 tới đây sẽ là cơ hội để vùng đất Lang Biang phát huy thế mạnh cũng như thu hút đầu tư từ xứ sở hoa anh đào.
 
Đoàn công tác chính quyền thành phố Yachiyo tìm hiểu các sản phẩm nông sản đặc trưng của huyện Lạc Dương
Đoàn công tác chính quyền thành phố Yachiyo tìm hiểu các sản phẩm nông sản đặc trưng của huyện Lạc Dương
 
• TƯƠNG ĐỒNG VỀ TIỀM NĂNG, LỢI THẾ
 
Là địa phương nằm giáp ranh với thành phố Đà Lạt, huyện Lạc Dương có nhiều tiềm năng, lợi thế về điều kiện tự nhiên phù hợp cho phát triển sản xuất nông nghiệp, nhất là về nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp thông minh với những loại nông sản có ưu thế như: cà phê arabica, rau, hoa, cây dược liệu, cá nước lạnh... Đến nay, toàn huyện có trên 900 ha sản xuất nông nghiệp công nghệ cao; thu nhập bình quân trên đơn vị diện tích đất canh tác đạt trên 320 triệu đồng/ha, trong đó diện tích trồng rau trong nhà kính đạt 500 - 800 triệu/ha/năm, diện tích trồng hoa ước đạt 800 triệu đến 1 tỷ đồng /ha/năm (có diện tích lên đến 2 tỷ đồng/ha/năm đối với hoa lyly). Trên địa bàn huyện được phê duyệt 4 khu và 1 vùng quy hoạch sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, trong đó có 1 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao quốc gia được Thủ tướng phê duyệt (Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Lâm Đồng tại xã Đạ Sar với quy mô 221,32 ha). Địa phương đang thu hút hơn 30 doanh nghiệp, 15 hợp tác xã, 2 trang trại đầu tư sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. 
 
Bên cạnh đó, Lạc Dương còn có điều kiện sinh thái, nhiều cảnh quan thiên nhiên đẹp, hệ động, thực vật phong phú, độ che phủ rừng đến 85% phù hợp để phát triển các loại hình dịch vụ du lịch như du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch gắn với nghiên cứu khoa học… Đồng thời, các dân tộc trên địa bàn huyện có nền văn hóa phong phú, giàu bản sắc dân tộc, đặc biệt văn hóa cồng chiêng của đồng bào dân tộc bản địa nơi đây thuộc Không gian văn hóa công chiêng Tây Nguyên đã được UNESCO vinh danh là kiệt tác truyền khẩu và di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, hiện đang được duy trì và phát huy có hiệu quả. Huyện Lạc Dương cũng thuộc vùng lõi của Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Lang Biang - Khu Dự trữ sinh quyển thế giới của Việt Nam được UNESCO công nhận.
 
Trong chuyến thăm để tìm hiểu và tìm kiếm cơ hội hợp tác với huyện Lạc Dương, ông Mizugaki Masahiro - Ủy viên Hội đồng thành phố Yachiyo giới thiệu: Yachiyo là một thành phố nhỏ của tỉnh Ibaraki nhưng có nền sản xuất nông nghiệp và du lịch phát triển. Sản xuất nông nghiệp của thành phố chủ yếu là các giống rau và cây ăn quả. Hiện, thành phố thu hút nhiều người nước ngoài định cư và làm việc, trong đó có khoảng 250 người Việt Nam. 
 
 HỢP TÁC CÙNG PHÁT TRIỂN
 
Chuyến thăm, tìm hiểu và tìm kiếm cơ hội hợp tác của đoàn công tác chính quyền thành phố Yachiyo - tỉnh Ibaraki (Nhật Bản) với huyện Lạc Dương vào cuối tháng 7 vừa qua đã đi đến thống nhất: hai địa phương sẽ tổ chức lễ lý kết hợp tác trong tháng 9 năm nay. “Với nhiều điểm tương đồng về tiềm năng, lợi thế, chúng tôi mong muốn hợp tác với huyện Lạc Dương nhằm trao đổi kinh nghiệm trong sản xuất nông nghiệp, du lịch, đào tạo nguồn nhân lực, tìm kiếm cơ hội đầu tư, hỗ trợ giao thương nhằm phát huy thế mạnh của hai địa phương để cùng nhau phát triển”, Ủy viên Hội đồng thành phố Yachiyo Mizugaki Masahiro nhấn mạnh.
 
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương Lê Chí Quang Minh, , địa phương mong muốn được hợp tác với thành phố Yachiyo trên những lĩnh vực như: đào tạo nguồn nhân lực, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, du lịch, thu hút đầu tư và hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng. Qua đó, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của hai địa phương cũng như hỗ trợ cho các doanh nghiệp của hai phía về mọi mặt, đặc biệt là hướng đến nâng cao đời sống cho người dân. 
 
“Chính quyền và các doanh nghiệp trên địa bàn huyện Lạc Dương sẽ cử người sang thành phố Yachiyo tham gia các khóa đào tạo ngắn hạn khoảng 1 - 2 tuần để nâng cao nhận thức, tầm nhìn về cách làm nông nghiệp, cách làm du lịch hoặc về công tác chuyển đổi số; tiến xa hơn sẽ là việc tham gia các khóa đào tạo dài hạn hơn như 3 tháng, 6 tháng chuyên sâu về kỹ thuật hoặc có thể mở các chương trình đào tạo ngay tại huyện Lạc Dương với sự tham gia của các đơn vị phía thành phố Yachiyo. Về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hai bên sẽ kết nối giao thương, đưa các sản phẩm đặc trưng của huyện, nhất là các sản phẩm OCOP đến tay người tiêu dùng tại Nhật Bản và ngược lại, sẽ mang những sản phẩm chất lượng của Nhật Bản để phục vụ nhu cầu tiêu thụ của người dân huyện Lạc Dương. Đồng thời, phát triển các giống cây trồng mới và phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của hai địa phương. Bên cạnh đó, kêu gọi đầu tư đối với các dự án du lịch của hai địa phương cũng như trên các lĩnh vực nông nghiệp, bất động sản, viện dưỡng lão…; thông qua các cơ chế, chính sách kêu gọi đầu tư, các nguồn vốn vay, vốn đầu tư trực tiếp như FDI, ODA… để hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng của hai địa phương…”, Phó Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương Lê Chí Quang Minh chia sẻ.
 
VIỆT HÀ

Báo Lâm Đồng