Bài 2: Làm gì để tạo đột phá trong khuyến khích sự sáng tạo và bảo vệ cán bộ

02/08/2022 09:11 AM


Bài 2: Làm gì để tạo đột phá trong khuyến khích sự sáng tạo và bảo vệ cán bộ
 
Sự ra đời của Kết luận số 14 thực sự tạo nên đột phá, tiếp thêm sức mạnh để cán bộ phát huy sức sáng tạo, đổi mới trong công tác lãnh đạo và chỉ đạo thực tiễn vì lợi ích chung. Đồng thời, Kết luận số 14 cũng mở ra phương pháp nhằm góp phần bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm.  
 
Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng khóa XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Ảnh: Nguyễn Nghĩa
Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng khóa XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Ảnh: Nguyễn Nghĩa
 
Trước khi có Kết luận số 14, Nghị quyết số 05-NQ/HNTW khóa VI, ngày 20/6/1988 “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng bảo đảm thực hiện Nghị quyết Đại hội VI của Đảng” (Nghị quyết Trung ương 5 khóa VI) đã đưa “dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm” vào hệ tiêu chuẩn của người cán bộ lãnh đạo, quản lý. Cụ thể, Nghị quyết nêu rõ: “Tiêu chuẩn hàng đầu của cán bộ lãnh đạo là phẩm chất chính trị, trước hết thể hiện ở lòng trung thành với đường lối của Đảng, ở thái độ tích cực đối với công cuộc đổi mới, ở sự trung thực đối với Đảng; có quyết tâm cao trong việc thực hiện các nghị quyết của Đảng, có lối sống trong sạch, lành mạnh; có kiến thức và năng lực tiếp thu và cụ thể hóa các nghị quyết của Đảng vào lĩnh vực mình phụ trách, biết tổ chức và điều hành công việc, có khả năng đoàn kết cán bộ; có phong cách dân chủ tập thể, biết lắng nghe ý kiến quần chúng, sâu sát quần chúng và cơ sở; có ý thức tổ chức kỷ luật, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, nói đi đôi với làm”. Lịch sử cách mạng Việt Nam hiện đại cũng đã từng có tấm gương những cán bộ lãnh đạo bản lĩnh, sáng tạo và quyết đoán trong từng quyết sách như Bí thư Tỉnh ủy Kim Ngọc - người khởi xướng chủ trương “Khoán hộ” ở Vĩnh Phúc những năm 1966-1968 với những đổi mới, sáng tạo phát triển nông nghiệp; Tổng Bí thư Trường Chinh với đổi mới tư duy kinh tế, khởi xướng công cuộc đổi mới đất nước; Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Chính (Chín Cần) tại Long An với quyết định đổi mới tư duy, thực hiện “cơ chế một giá theo thị trường”; Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh với chủ trương động viên, khuyến khích mọi người lao động, mọi năng lực sản xuất, mọi thành phần kinh tế sản xuất bung ra, cải tiến lưu thông, phân phối để thúc đẩy sản xuất phát triển, với “Những việc cần làm ngay”... Đặc biệt, những quyết định “xé rào, bung ra” của Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Võ Văn Kiệt; của Chủ tịch UBND Thành phố Mai Chí Thọ và các lão thành cách mạng đã mạnh dạn cho phép nhà máy, xí nghiệp thử nghiệm “Kế hoạch 3 phần”; của bà Nguyễn Thị Ráo (bà Ba Thi) phá rào thu mua gạo, bán gạo một giá đầu tiên trong cả nước, góp phần quyết định lo đủ gạo ăn cho 4 triệu dân của Thành phố mang tên Bác từ cuối thập niên 1970 đến thập niên 1980… là những minh chứng sinh động nhất.
 
Báo cáo đánh giá công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng của nhiệm kỳ Đại hội XII tại Đại hội XIII (1-2/2021) đã nhấn mạnh yêu cầu cần phải “có cơ chế khuyến khích, bảo vệ những cán bộ, đảng viên dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung. Kết luận số 14 nêu rõ, trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng và Nhà nước luôn khuyến khích, phát huy tinh thần năng động, sáng tạo của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Vì thế, để thực hiện thành công đường lối đổi mới và Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; đồng thời vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, khơi dậy tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, thì cần phải đặc biệt quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, có bản lĩnh chính trị, trí tuệ, gương mẫu, quyết tâm đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.
 
Nhấn mạnh yêu cầu cấp ủy, tổ chức Đảng, nhất là người đứng đầu cần phải nâng cao nhận thức, tăng cường trách nhiệm về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung; đồng thời, khơi dậy mạnh mẽ ý thức trách nhiệm, khát vọng cống hiến, tinh thần đổi mới, hết lòng, hết sức vì Nhân dân phục vụ của đội ngũ cán bộ các cấp. Đồng thời, Kết luận số 14 cũng nêu rõ, cấp ủy, người đứng đầu không chỉ khuyến khích cán bộ có tư duy sáng tạo, cách làm đột phá, tháo gỡ, giải quyết những điểm nghẽn, nút thắt trong cơ chế, chính sách… mà còn tạo điều kiện để cho những thí điểm đột phá, sáng tạo nhằm tháo gỡ, giải quyết những điểm nghẽn, nút thắt trong cơ chế, chính sách, tập trung vào những vấn đề chưa được quy định hoặc đã có quy định nhưng không phù hợp với thực tiễn được triển khai. Qua đó, kịp thời phát hiện sớm và uốn nắn, chấn chỉnh sai sót, vi phạm nếu có. Tập trung đổi mới, sáng tạo trên cơ sở nền tảng khoa học, nằm trong khuôn khổ pháp lý, đạo lý, có tính khả thi, vì lợi ích chung…
 
Thực tiễn Lâm Đồng, có đội ngũ cán bộ dám nghĩ, dám làm không? Có - Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Nguyễn Trọng Ánh Đông tâm đắc và minh chứng đó chính là sự dám nghĩ, dám làm trong Cải cách thủ tục hành chính - tạo hiệu quả rõ nét. Qua đó tạo cơ chế một cửa giải quyết công việc nhanh chóng hơn, thuận tiện hơn, tốn ít thời gian hơn cho người dân. Hay như nội dung triển khai các phong trào, mô hình bảo vệ môi trường vì cộng đồng, từ tỉnh đến cơ sở đã có hàng loạt cán bộ dám nghĩ, dám làm và tạo hiệu quả rõ rệt về giữ gìn bảo vệ môi trường. Về “một cửa - một cửa liên thông” nếu không có cán bộ dám nghĩ, dám làm thì làm sao có được Trung tâm hành chính công phục vụ Nhân dân. Điển hình như huyện Lạc Dương có mô hình hiệu quả như “Mô hình Trung tâm giám sát và điều hành thông minh huyện Lạc Dương”, qua đó tạo sự thuận lợi cho người dân trong mọi thủ tục hành chính, tạo sự minh bạch, công khai trong điều hành quản lý. 
 
Đặc biệt, trong phòng, chống dịch COVID-19, Lâm Đồng cũng có đội ngũ cán bộ dám nghĩ, dám làm. Tạo mảng xanh, khu vực xanh, doanh nghiệp xanh, khu dân cư xanh để vệ sức khỏe người dân, bảo vệ an toàn cộng đồng. Chủ lực là cán bộ y tế, cán bộ tổ dân phố và cán bộ hệ thống chính trị cơ sở… Dám nghĩ, dám làm thể hiện trong việc khéo léo về ngoại giao vắc xin, đảm bảo một lượng vắc xin cho hàng triệu dân để phòng ngừa COVID-19. Từ đó tạo điểm nhấn cho Lâm Đồng trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 với số ca mắc thấp, tỷ lệ tử vong thấp, tạo ra vùng đất khá an toàn được người dân, du khách ghi nhận, đánh giá cao.
 
Từ thực tiễn sinh động của cuộc sống đã tạo nên sự sáng tạo để cán bộ dám nghĩ, dám làm, vì lợi ích dân. Đội ngũ cán bộ “dám nghĩ, dám làm, dám tháo gỡ điễm nghẽn, nút thắt trong quản lý nhà nước, trong công tác xây dựng Đảng”. Cụ thể những quy định không phù hợp nữa thì cán bộ của Lâm Đồng đã mạnh dạn tham mưu thay đổi, điều chỉnh cho phù hợp thực tiễn, đáp ứng mong đợi người dân. Cụ thể như thay đổi về quy định kiến trúc, quy định về đất đai… để phù hợp thực tiễn, nhu cầu cuộc sống phát sinh.
 
Đồng chí Nguyễn Trọng Ánh Đông nhấn mạnh: “Muốn nhận diện đâu là điểm nghẽn, đâu là nút thắt, cần chú ý lắng nghe tiếng nói của người dân - điều này cực kỳ chính xác để tháo gỡ, điều chỉnh. Hay như trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng,theo đó từng cơ quan, từng tổ chức phải có được lực lượng này trực tiếp tham gia phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngay trong cơ quan mình công tác…”. Tại thành phố Đà Lạt, thời gian gần đây thực hiện thành công 7 nút giao thông lớn trên địa bàn góp phần giảm tải áp lực về giao thông, tránh tắc đường cục bộ trong giờ cao điểm, mùa cao điểm. Điều này minh chứng cho thấy việc quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành của đội ngũ cán bộ lãnh đạo từ tỉnh đến thành phố về việc “dám nghĩ, dám làm”. Trong phân bổ vốn đầu tư đã tập trung cho địa bàn trọng điểm, cho địa bàn trọng yếu chuyên làm du lịch và đã tạo chuyển biến rõ nét thời gian gần đây. Cách điều hành quyết liệt này đã tạo điểm nhấn, đổi mới, thay thế cho cách làm chưa thực sự hiệu quả trước đây là chỉ đầu tư theo kiểu phân bổ, đầu tư dàn trải… Hay như việc thực hiện đầu tư theo hình thức PPP (đối tác công tư) cho các tuyến cao tốc lớn hiện nay đã minh chứng rõ cho tinh thần “có dám nghĩ, có dám làm” trong điều kiện tỉnh Lâm Đồng còn là tỉnh ngân sách khó khăn. 
 
Tinh thần quyết liệt trong chỉ đạo, thực hiện đổi mới còn được minh chứng tại huyện Bảo Lâm với Mô hình “Đổi mới phương pháp vận động quần chúng trong thực hiện công trình vòng xoay ngã năm thị trấn Lộc Thắng theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ VI nhiệm kỳ 2020 - 2025”. Đây là dấu ấn nổi bật, tạo được sự tin tưởng trong Nhân dân.
 
Hay như huyện Đam Rông có Mô hình “Đột phá trong lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy và hiệu lực quản lý của chính quyền trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, tài nguyên, khoáng sản”. Mô hình khuyến khích trong cán bộ, viên chức, đảng viên thực hiện theo Kết luận 14 đó là “Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần trách nhiệm, khát vọng vươn lên của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Đam Rông, phấn đấu đến năm 2024 huyện đạt tiêu chí nông thôn mới”. Đây là khát vọng phấn đấu nhằm thiết thực chào mừng kỷ niệm 20 năm thành lập huyện Đam Rông 2004 - 2024. 
 
Đồng chí Nguyễn Trọng Ánh Đông - UVBTV Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy nhận định: Chúng ta dễ dàng nhận thấy từ ngay trong tinh thần của Kết Luận 14 của Bộ Chính trị đã cho thấy Trung ương đã có khát vọng, tư duy đổi mới, sáng tạo. Dám nghĩ, dám làm, dám bảo vệ cán bộ và dám tạo cơ chế hành lang pháp lý quan trọng trong công tác này. Đặc biệt, cần lưu ý có 2 yếu tố “Dám nghĩ, dám làm trong quy định; dám nghĩ, dám làm chưa có trong quy định”. Nếu sai phạm, thiếu sót trong dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung thì phải bảo vệ họ…; khuyến khích cán bộ dám nghĩ, dám làm chứ không phải không làm gì để không ảnh hưởng đến ai, không tạo sự năng động cho cán bộ”.
 
Với khát vọng vươn cao từ bàn tay, khối óc của người dân Lâm Đồng, từ “thiên thời - địa lợi” nơi vùng đất Lâm Đồng, tin rằng, với sự đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức và tầm nhìn chiến lược, linh hoạt và sáng tạo của đội ngũ cán bộ các cấp trong cụ thể hoá các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, tạo sự đổi mới bứt phá cho địa phương. Hướng đến năm 2025 Lâm Đồng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, Lâm Đồng sẽ trở thành tỉnh khá của cả nước - đúng như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra.
 
NGUYỆT THU

Báo Lâm Đồng