Đại dịch Covid-19 và một số vấn đề đặt ra đối với chính sách an sinh xã hội
27/09/2021 08:01 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Đại dịch Covid-19 đang gây ra những tác động nghiêm trọng đến mọi mặt đời sống kinh tế-xã hội nói chung và vấn đề đảm bảo an sinh xã hội nói riêng. Và, dù đứng trước sức ép rất lớn về tài chính, song nếu các quốc gia cắt giảm chi cho an sinh xã hội, sẽ mang lại hậu quả nghiêm trọng.
Theo phân tích của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), chuỗi cung ứng toàn cầu có sự thay đổi lớn và thể hiện rõ sự mong manh trước ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Số liệu thống kê gần đây cũng cho thấy, ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến kinh tế các nước kiệt quệ, thương mại toàn cầu giảm sút, trong đó các nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc, Châu Âu cũng chao đảo vì khủng hoảng. Do đó, theo WEF, đa dạng hóa nguồn cung và ứng dụng các nền tảng kỹ thuật số được coi là chìa khóa để xây dựng chuỗi cung ứng thông minh và bền vững, đảm bảo sự phục hồi lâu dài sau đại dịch.
Các quốc gia phải dốc toàn lực hỗ trợ người dân ứng phó với đại dịch
Đáng chú ý, đại dịch Covid-19 đã tấn công thương mại và đầu tư toàn cầu với tốc độ và quy mô chưa từng có. Các công ty đa quốc gia phải đối mặt với cú sốc nguồn cung nguyên liệu, tiếp đến là cú sốc về nhu cầu- khi ngày càng nhiều quốc gia áp lệnh cách ly và giãn cách xã hội. Điều này khiến các Chính phủ, DN và người tiêu dùng cá nhân đột nhiên gặp khó khăn trong việc mua sắm các sản phẩm và nguyên liệu cơ bản; đồng thời buộc phải đối mặt với sự mong manh của chuỗi cung ứng hiện đại.
Tradeshift, một nền tảng toàn cầu về quản lý chuỗi cung ứng cho biết, mức độ ảnh hưởng lớn của đại dịch đến thương mại và nhu cầu. Cụ thể: Tại Trung Quốc, giao dịch thương mại trong nước và quốc tế giảm 56% so với từ giữa tháng 2/2021. Trong khi đó, tại Mỹ, Anh và Châu Âu cũng chứng kiến mức giảm 26% vào đầu tháng 4 và tiếp tục giảm 17% vào cuối tháng 4 vừa qua.
Tại Việt Nam, theo dự báo của Ngân hàng Thế giới (WB) công bố ngày 24/8/2021, GDP Việt Nam dự kiến tăng trưởng khoảng 4,8% cho cả năm 2021, mặc dù nền kinh tế đã ghi nhận kết quả vững chắc trong nửa đầu năm. Dự báo này thấp hơn hai điểm phần trăm so với dự báo do Nhóm Ngân hàng Thế giới đưa ra vào tháng 12 năm 2020, có xét đến tác động tiêu cực của đợt dịch Covid-19 lần thứ tư này đến các hoạt động kinh tế.
Theo ông Guy Ryder- Tổng Giám đốc ILO, thực tế này đã đặt ra nhiều vấn đề liên quan đến chính sách đảm bảo an sinh xã hội. Báo cáo An sinh xã hội thế giới 2020-2022 cũng cho biết: “Đây là thời điểm then chốt để tận dụng những chính sách ứng phó đại dịch nhằm xây dựng các hệ thống an sinh xã hội thế hệ mới dựa trên quyền. Những hệ thống này có thể giúp giảm nhẹ tác động của các cuộc khủng hoảng trong tương lai và đem lại sự đảm bảo cho NLĐ và các DN, để họ có thể ứng phó với những sự chuyển đổi trước mắt với sự tự tin và niềm hy vọng. Chúng ta phải công nhận rằng, an sinh xã hội hiệu quả và toàn diện không chỉ cần thiết cho công bằng xã hội và việc làm thỏa đáng, mà còn để tạo lập một tương lai bền vững và có sức chống chịu”. Cụ thể đó là:
1. Về chính sách đảm bảo thu nhập: Thời kỳ khôi phục kinh tế sau khi kiểm soát được dịch bệnh, việc đảm bảo thu nhập cho NLĐ cần được đặc biệt ưu tiên, đó là việc nhanh chóng đưa NLĐ trở lại thị trường thông qua tăng cường kết nối cung-cầu lao động. Giai đoạn hồi phục cung-cầu lao động đều tăng, do vậy thông tin về thị trường lao động cần đặc biệt quan tâm để đạt hiệu quả tốt nhất. Bên cạnh đó, phía cung cần tập trung vào chính sách cho vay, miễn giảm thuế…
Theo nhận xét của nhiều chuyên gia, tác động của đại dịch sẽ làm cơ cấu ngành nghề thay đổi, nhiều ngành mới tập trung vào ứng dụng CNTT, nghề yêu cầu kỹ năng cao sẽ tăng, các ngành nghề yêu cầu kỹ năng trung bình và thấp sẽ giảm. Vì vậy, vấn đề hỗ trợ đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp, đào tạo tái hoà nhập thị trường lao động… cần được quan tâm hơn nữa, nhằm giúp NLĐ sớm quay trở lại thị trường. Hơn nữa, hộ sản xuất, DN nhỏ và siêu nhỏ cần có những chính sách ưu tiên và khuyến khích, vì đây sẽ là lực lượng phục hồi nhanh hơn so với các loại hình khác và tạo nhiều chỗ làm việc để thu hút NLĐ.
2. Về chính sách bảo hiểm: Tiếp tục có chính sách khuyến khích, hỗ trợ để NLĐ duy trì được sự tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp. Đồng thời, việc đẩy mạnh tuyên truyền chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp đã hỗ trợ tích cực và là giá đỡ cho NLĐ nói riêng và người dân nói chung vượt qua những khó khăn do đại dịch gây ra. Do đó, cần có chiến lược tuyên truyền đa dạng và sâu rộng hơn để NLĐ, người SDLĐ và người dân thấy rõ được chính sách BHXH là một biện pháp an sinh xã hội chủ động và bền vững nhất cho chính mình và cộng đồng; cũng như thấy rõ bản chất ưu việt mà chính sách BHXH- một trong những trụ cột an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước ta, được Nhà nước quản lý và bảo hộ.
Trong đại dịch mới thấy rõ vai trò của chính sách BHXH
Tiếp tục quan tâm hơn nữa việc phối hợp giữa các cấp, các ngành, đoàn thể trong tổ chức thực hiện chính sách BHXH, đặc biệt là chính sách BHXH tự nguyện, như: MTTQ, Hội Nông dân, Liên minh HTX, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ… Đồng thời, đề xuất sửa đổi chính sách, nâng mức hỗ trợ người dân tham gia BHXH tự nguyện trên tỉnh thần đảm bảo công bằng, trong đó ưu tiên những đối tượng dễ bị tổn thương như: Người nghèo, người cận nghèo, người có thu nhập thấp, người khuyết tật, người DTTS, lao động nông nghiệp, nông thôn… giúp họ dễ dàng tiếp cận và tham gia BHXH tự nguyện.
Bên cạnh đó, thực hiện kịp thời, chính xác và minh bạch các chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp để hỗ trợ NLĐ, người dân vượt qua những khó khăn thông qua những hỗ trợ về thu nhập, y tế, giáo dục nghề nghiệp… Làm tốt việc này cũng chính là góp phần tuyên truyền, thu hút NLĐ, nhất là NLĐ tự do có thu nhập thấp chủ động và tích cực tham gia BHXH.
3. Về chính sách trợ giúp xã hội: Cần xác định rõ những ai bị ảnh hưởng, mức độ ảnh hưởng và những ai bị ảnh hưởng nặng nề nhất, trong đó cần đặc biệt quan tâm đến trẻ em, người khuyết tật, người cao tuổi, phụ nữ, lao động tự do, lao động bị mất việc làm… để có chính sách hỗ trợ sớm vượt qua khó khăn do hậu quả của dịch bệnh.
Về lâu dài, xem xét xây dựng sàn an sinh xã hội, cùng với việc đưa ra những mức chuẩn cơ bản làm thước đo mức độ khó khăn của người dân do dịch bệnh gây ra. Từ đó, góp phần tạo những giá đỡ bền vững, giúp mọi người không bị rớt khỏi sàn an sinh, đảm bảo “không để ai bị bỏ lại phía sau”. Về trợ giúp đột xuất, nên nghiên cứu xây dựng quỹ hỗ trợ khẩn cấp để có thể hỗ trợ các nhu cầu thiết yếu của người dân gặp khó khăn…
4. Về tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản như y tế, giáo dục, nhà ở, thông tin truyền thông, môi trường…; cũng cần đặc biệt quan tâm đến hệ thống dịch vụ ở cấp cơ sở. Qua thực tế công tác phòng chống dịch Covid-19 cho thấy, năng lực của hệ thống dịch vụ ở cấp cơ sở còn rất hạn chế về nguồn lực con người, nguồn lực vật chất và chất lượng dịch vụ. Bên cạnh đó là hệ thống cơ sở dữ liệu từ cơ sở còn thiếu và yếu. Cũng do thiếu kết nối, chia sẻ, nên chưa kịp thời cung cấp thông tin, giúp cơ quan chức năng nắm bắt để kịp thời có giải pháp hỗ trợ phù hợp.
5. Về công tác tổ chức thực hiện, phối hợp, cần thiết phải có chiến lược về việc huy động sự tham gia của các cơ quan, đoàn thể trong việc ứng phó với các rủi ro. Đặc biệt, cần quan tâm xây dựng cơ sở dữ liệu về an sinh xã hội đến cấp cơ sở có khả năng kết nối và chia sẻ, để có thể kịp thời có giải pháp khắc phục đối với những rủi ro như dịch bệnh như vừa qua.
Nhìn chung, đã đến lúc chúng ta cần có những cách tiếp cận mới hơn về chính sách an sinh xã, mà theo ILO, để ít nhất đảm bảo được an sinh xã hội cơ bản. Theo đó, mỗi năm các nước thu nhập thấp cần phải đầu tư thêm 77,9 tỷ USD; các nước có thu nhập trung bình thấp sẽ phải đầu tư thêm 362,9 tỷ USD; còn các nước có thu nhập trung bình cao phải đầu tư thêm 750,8 tỷ USD. Những con số này tương ứng với 15,9%, 5,1% và 3,1% GDP của các quốc gia.
Hiện nay, các quốc gia đang đứng trước sức ép lớn phải củng cố tài khóa sau khi đã chi những khoản khổng lồ cho các biện pháp ứng phó khủng hoảng. Tuy nhiên, nếu các quốc gia cắt giảm chi cho an sinh xã hội, hành động đó sẽ mang lại hậu quả nghiêm trọng. Do đó, lĩnh vực an sinh xã hội rất cần phải được đầu tư ngay lúc này.
PV
https://baohiemxahoi.gov.vn
Tham gia BHXH - Trọn vòng an sinh
Tham Gia BHXH tự nguyện ngay hôm nay - An tâm cho ...
Quyền lợi của người dân khi tham gia BHXH tự ...
BHXH Lâm Đồng tập huấn công tác bảo vệ bí mật nhà nước
Khảo sát mức độ hài lòng đối với sự phục vụ hành chính công ...
Thực trạng công tác phát triển người đồng bào dân tộc thiểu ...
Cảnh giác việc mạo danh viên chức BHXH tỉnh yêu cầu cập ...
Thông báo Thời gian chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH hàng ...