Kinh tế trang trại phát triển nhanh, nhưng chưa đồng đều

27/09/2021 07:50 AM


Qua mười năm kinh tế trang trại đã có bước phát triển nhanh, nhưng chưa đồng đều, chủ yếu tập trung lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi. Do sản phẩm bán ra phần lớn dưới dạng thô, tính đa dạng chưa cao, nhất là các trang trại chuyên canh về cây công nghiệp, nên giá bán thấp, sức cạnh tranh yếu, nhiều chủ trang trại còn sản xuất thụ động, chưa nắm bắt được nhu cầu thị trường…
 
Mỗi huyện, thành phố trong tỉnh cần xây dựng 3 - 5 mô hình trang trại để nhân rộng thành lập hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ…
Mỗi huyện, thành phố trong tỉnh cần xây dựng 3 - 5 mô hình trang trại để nhân rộng thành lập hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ…
 
• TĂNG 385 TRANG TRẠI TRONG 5 NĂM
 
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng, từ năm 2011 đến cuối năm 2015, toàn tỉnh Lâm Đồng phát triển số lượng khá nhanh từ 376 trang trại lên 761 trang trại và số lượng này phát triển lên đến 951 trang trại vào năm 2020. Do tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, trên toàn tỉnh Lâm Đồng phải giảm xuống còn 796 trang trại hoạt động kể từ tháng 8/2021. Phân bổ các lĩnh vực hoạt động trang trại gồm: 425 trang trại chăn nuôi, 338 trang trại trồng trọt, 31 trang trại tổng hợp, 2 trang trại lâm nghiệp. Triển khai các chính sách hỗ trợ phát triển trang trại trong khoảng 5 năm qua, toàn tỉnh Lâm Đồng được phê duyệt tổng kế hoạch vốn gần 13 tỷ đồng; trong đó, gần 6 tỷ đồng vốn ngân sách nhà nước; hơn 7 tỷ đồng vốn các trang trại đối ứng… Thực hiện 100% nguồn vốn này, toàn tỉnh Lâm Đồng đã đạt những kết quả thiết thực như: xây dựng 12 mô hình trang trại điển hình phát triển sản xuất; 74 mô hình trang trại ứng dụng chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật về chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi mới; xây dựng 5 nhãn hiệu sản phẩm đặc trưng và hỗ trợ bao bì cho 2 trang trại. Nhiều trang trại khác đã tham gia liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm trong chăn nuôi heo, gà, bò sữa với Công ty Cổ phần Chăn nuôi Việt Nam, Công ty Vinamilk... Ngoài ra, còn nhiều trang trại tham gia một số hạng mục trong các đề án, dự án, kế hoạch đã được UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt triển khai như: Đổi mới và phát triển kinh tế tập thể; phát triển chăn nuôi, thủy sản; cạnh tranh ngành chăn nuôi và an toàn thực phẩm; giảm phát khí thải; cạnh tranh nông nghiệp; nâng cao chất lượng, an toàn sản phẩm nông nghiệp và phát triển khí sinh học; nâng cao chất lượng giống cây trồng, vật nuôi; tái canh cà phê; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; vệ sinh an toàn thực phẩm; nâng cao năng lực quản lý chất lượng an toàn thực phẩm nông lâm sản và thủy sản; tổ chức hoạt động của mạng lưới thú y cấp xã; kiện toàn và nâng cao năng lực hoạt động cho lực lượng khuyến nông viên cơ sở; bảo quản và chế biến cà phê; giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản chè, rau, hoa; liên kết giữa các cơ sở sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản giữa các doanh nghiệp với hợp tác xã, chủ trang trại, hộ nông dân…
 
• 1.100 TRANG TRẠI VỚI ĐA DẠNG HOẠT ĐỘNG SẢN XUẤT, KINH DOANH
 
Tính trong 4 năm gần đây, toàn tỉnh Lâm Đồng đã có 420 lượt chủ trang trại được tập huấn về quy trình kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi; hỗ trợ 8 chủ trang trại tham gia hội chợ thương mại; xây dựng 2 câu lạc bộ kinh tế trang trại, xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh cho 10 trang trại điển hình; 150 chủ trang trại được tham quan học tập kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh tại các tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Long An, TP Hồ Chí Minh… Một số trang trại có sản phẩm đặc trưng đã tham gia sinh hoạt tại Hiệp hội Trang trại và Doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam; quảng bá sản phẩm cà phê tại Nhật Bản; giới thiệu sản phẩm OCOP tại Quảng Ninh, TP Hồ Chí Minh, Hà Nội…
 
“Mặc dù giá trị sản xuất hàng hóa đạt bình quân gần 3 tỷ đồng/trang trại/năm, nhưng số lượng trang trại ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, chế biến, bảo quản còn hạn chế. Chủ trang trại không được đào tạo chuyên môn về quản lý, kỹ thuật nên khả năng quản lý sản xuất, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, liên kết tiêu thụ nông sản phần lớn dựa vào kinh nghiệm thực tế. Lực lượng lao động của các trang trại chưa được đào tạo nghề cơ bản… Tuy các chủ trang trại có kinh nghiệm nhưng vẫn quen với sản xuất nhỏ, thiếu hiểu biết về kinh tế thị trường, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi vẫn còn chạy theo giá một cách tự phát, thiếu bền vững…”, theo nhận định của Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Lâm Đồng. 
 
Với hướng phát triển kinh tế trang trại trở thành nòng cốt trong việc xây dựng mô hình sản xuất hàng hóa, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao năng lực cạnh tranh của nông sản tại địa bàn nông thôn, Lâm Đồng tập trung giải pháp quy hoạch trang trại phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, phấn đấu đến năm 2025 đạt số lượng 1.100 trang trại với đa dạng hoạt động sản xuất, kinh doanh. Trong đó, mỗi huyện, thành phố xây dựng 3 - 5 mô hình trang trại đạt hiệu quả kinh tế cao để nhân rộng thành lập hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ tại địa phương…
 
VĂN VIỆT

Báo Lâm Đồng