Việt Nam đã vào nhóm các nước có Chỉ số phát triển con người ở mức cao
18/12/2020 08:49 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Việt Nam đã vào nhóm các nước có Chỉ số phát triển con người (HDI) ở mức cao trên thế giới. Đây là một trong những kết quả quan trọng của Báo cáo Phát triển con người toàn cầu năm 2020.
Báo cáo với tiêu đề “Giới tuyến tiếp theo: Phát triển con người trong kỷ nguyên con người tác động lên khí hậu và môi trường” do Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố chiều 16/12, tại Hà Nội.
Phát biểu tại lễ công bố báo cáo, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương vui mừng ghi nhận Việt Nam đã vào nhóm các nước có HDI ở mức cao, như một mốc đặc biệt quan trọng này trong quá trình phát triển của Việt Nam. “Đáng chú ý, bất bình đẳng về thu nhập (19,1%) của Việt Nam thuộc nhóm thấp nhất trong số các quốc gia được so sánh năm 2019. Đây là thành tựu không phải quốc gia có mức thu nhập trung bình thấp nào cũng đạt được”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh.
Thứ trưởng Trần Quốc Phương cũng hoan nghênh Báo cáo Phát triển con người năm nay đưa ra “Chỉ số phát triển con người có tính đến áp lực lên hành tinh (PHDI)”. Ông cho biết: “Việt Nam là một trong các quốc gia chịu tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Với việc sử dụng thêm chỉ số này, Việt Nam sẽ có cơ sở định hướng trong ban hành và thực hiện các chính sách phù hợp, kịp thời ứng phó với vấn đề ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu. Chúng tôi tin rằng sự đồng thuận và chung tay của cộng đồng quốc tế sẽ làm nên sự khác biệt và thế hệ chúng ta sẽ không chỉ được ghi nhận như thế hệ đầu tiên xác định được vấn đề quan trọng này mà còn như là thế hệ đầu tiên đưa ra các giải pháp sáng tạo và đột phá để phát triển con người trở nên hài hòa với thiên nhiên, môi trường”.
Phát biểu tại buổi công bố báo cáo, Trưởng Đại diện thường trú UNDP Caitlin Wiesen ca ngợi Việt Nam với chủ trương phát triển lấy con người làm trung tâm, ưu tiên phát triển con người và thúc đẩy bình đẳng trong các chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. “Việt Nam đạt được mức phát triển con người cao là một thành tựu đáng ghi nhận và cũng tạo cơ hội cho sự phát triển tốt hơn và nhanh hơn trong giai đoạn tới. Đất nước đang ở thời điểm quan trọng xây dựng Chiến lược Phát triển Kinh tế-xã hội cho giai đoạn tiếp theo, vì vậy những hoạch định được đưa ra tại thời điểm này sẽ quyết định Việt Nam có tiếp tục tăng trưởng với tỷ lệ bất bình đẳng thấp tại hay không, đồng thời Việt Nam có thể phát triển nhưng giảm áp lực lên hành tinh và tăng cường sự hài hòa của con người và môi trường”, Trưởng Đại diện thường trú UNDP Caitlin Wiesen nhấn mạnh.
Các đại biểu tham dự Hội nghị (nguồn: internet)
Với HDI năm 2019 là 0,704, đưa Việt Nam vào nhóm phát triển con người cao và xếp thứ 117 trong số 189 quốc gia và vùng lãnh thổ. Từ năm 1990 đến năm 2019, giá trị HDI của Việt Nam đã tăng gần 46%, nằm trong số các nước có tốc độ tăng HDI cao nhất trên thế giới.
Đáng chú ý là tiến bộ phát triển con người của Việt Nam đã đạt được với mức độ bất bình đẳng vừa phải và ổn định. Mức giảm giá trị HDI của Việt Nam do bất bình đẳng vào năm 2019 là 16,5%, giảm thu nhập do bất bình đẳng là 19,1%. Khi xem xét HDI có tính đến bất bình đẳng, Việt Nam ở mức cao hơn 10 bậc so với xếp hạng HDI vào năm 2019.
Việt Nam cũng đã và đang thực hiện tốt bình đẳng giới. Với Chỉ số Phát triển giới là 0,997, Việt Nam đứng thứ 65 trong số 162 quốc gia và nằm trong nhóm cao nhất trong 5 nhóm trên thế giới. Đặc biệt là tỷ lệ nữ đại biểu quốc hội đưa Việt Nam vào nhóm cao nhất trong 3 nhóm trên toàn cầu. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn phải đối mặt với những thách thức về bất bình đẳng giới.
Về chất lượng phát triển con người, Việt Nam thực hiện tốt các chỉ số y tế, giáo dục, việc làm và phát triển nông thôn. Việt Nam nằm trong nhóm đầu trong 3 nhóm về số năm không sống khỏe theo tỷ lệ phần trăm tuổi thọ (11,7%) và số giường bệnh (32 giường/100.000 dân). Tất cả giáo viên tiểu học đều được đào tạo, điện khí hóa nông thôn đạt 100% dân số, tỷ lệ thất nghiệp thấp.
Tuy nhiên, Việt Nam nằm trong nhóm thứ ba dưới cùng về tỷ lệ việc làm dễ bị tổn thương (54,1%) do phần lớn lực lượng lao động phụ thuộc vào tự kinh doanh trong các hộ kinh doanh./.
PV
https://baohiemxahoi.gov.vn
Tham gia BHXH - Trọn vòng an sinh
Tham Gia BHXH tự nguyện ngay hôm nay - An tâm cho ...
Quyền lợi của người dân khi tham gia BHXH tự ...
Thông báo Lịch nghỉ Tết Dương lịch năm 2025
Bảo hiểm xã hội tỉnh Lâm Đồng Thông báo: Chi trả lương hưu, ...
BHXH Lâm Đồng tập huấn công tác bảo vệ bí mật nhà nước
Khảo sát mức độ hài lòng đối với sự phục vụ hành chính công ...
Thực trạng công tác phát triển người đồng bào dân tộc thiểu ...