Đào tạo nghề cho lao động dân tộc thiểu số ở Đam Rông

08/12/2020 04:13 PM


Thời gian qua, huyện Đam Rông luôn quan tâm công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đặc biệt là lao động đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn. Từ đó, giúp nâng cao trình độ tay nghề, tạo cơ hội tìm kiếm việc làm theo nhu cầu, tăng thu nhập cho lao động tại địa phương.
 
Đào tạo nghề sửa chữa máy nông nghiệp cho học viên đồng bào dân tộc thiểu số ở Đam Rông
Đào tạo nghề sửa chữa máy nông nghiệp cho học viên đồng bào dân tộc thiểu số ở Đam Rông
 
Hiện nay, toàn huyện Đam Rông có gần 13 ngàn hộ dân với hơn 55 ngàn nhân khẩu, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 72%. Chính vì vậy, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn là việc làm hết sức ý nghĩa để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tại chỗ gắn với chiến lược quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn, những năm qua, Huyện ủy Đam Rông đã ban hành các nghị quyết để tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Bên cạnh đó, UBND huyện Đam Rông cũng ban hành kế hoạch và chỉ đạo các phòng chuyên môn của huyện chủ trì, phối hợp với các cơ sở đào tạo nghề và UBND các xã khảo sát nhu cầu học nghề của người dân để xây dựng và ban hành kế hoạch đào tạo nghề hàng năm. Các phòng, ban chức năng của huyện Đam Rông cũng thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá hiệu quả công tác đào tạo nghề tại địa phương.
 
Theo thống kê của UBND huyện Đam Rông, trong giai đoạn từ năm 2010 - 2020, trên địa bàn toàn huyện đã tổ chức được 146 lớp đào tạo nghề cho gần 4 ngàn lượt học viên tham gia. Trong đó, học viên tham gia là lao động nông thôn và đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 70%, còn lại là người dân thuộc hộ nghèo, cận nghèo. 
 
Các lớp đào tạo nghề trên địa bàn huyện chủ yếu tập trung vào nhóm nghề nông nghiệp như: Trồng, chăm sóc cà phê, bơ ghép; trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng; nuôi cá nước ngọt; trồng, chăm sóc sầu riêng; trồng dâu nuôi tằm; chăn nuôi bò và lợn đen… với 94 lớp và hơn 2,6 ngàn học viên theo học. Ngoài ra, còn có các lớp đào tạo nghề phi nông nghiệp như: Nghề gò - hàn; xây, lát và ốp gạch, đá; nghề sửa chữa xe máy, sửa chữa máy nông nghiệp; nghề mây tre đan; dệt thổ cẩm; đan móc len; kết chuỗi hạt cườm…
 
Ông Dương Tất Phong - Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Đam Rông cho biết, người lao động nông thôn, lao động  đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn sau khi được đào tạo qua các lớp nghề sơ cấp đã nâng cao trình độ tay nghề; hiểu biết và áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, cơ khí… Nhiều lao động sau khi được đào tạo nghề đã tìm được việc làm mới phù hợp, có thu nhập ổn định và góp phần phát triển kinh tế hộ gia đình. Từ đó, cũng góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn. 
 
Theo khảo sát, tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo đối với nghề nông nghiệp của lao động trên địa bàn huyện Đam Rông là 86,8%. Các học viên sau khi tham gia học nghề cũng đã áp dụng được những kiến thức, kỹ năng đã học vào trực tiếp sản xuất tại hộ gia đình, nhằm giảm thời gian lao động, giảm chi phí sản xuất, tăng hiệu quả lao động. Đối với nhóm nghề phi nông nghiệp, sau khi tham gia đào tạo nghề có 46,83% lao động tìm được việc làm đúng ngành đối với ngành nghề đã được đào tạo. Trong đó, các học viên sau khi tham gia học nghề “Xây, lát và ốp gạch đá” đã lập thành các nhóm thợ, nhận thi công các công trình xây dựng dân dụng tại địa phương và có việc làm thường xuyên, thu nhập khá ổn định. Còn với học viên học các lớp nghề sửa chữa xe máy, sửa máy nông nghiệp đã tự sửa chữa xe, máy sản xuất trong gia đình, một số lao động đã tìm được việc làm tại các tiệm sửa chữa xe máy, sửa máy nông nghiệp trên địa bàn hoặc tự mở tiệm để hành nghề. Những học viên tham gia nhóm nghề thủ công mỹ nghệ trên địa bàn huyện Đam Rông sau khi học xong cũng đã có việc làm, thu nhập từ việc nhận hàng của các công ty, đơn vị đặt hàng về gia công tại nhà lúc nông nhàn.
 
Qua thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn cũng như các chương trình, đề án đầu tư khác trên địa bàn huyện Đam Rông, đã góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo việc làm cho lao động, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển ngành nghề vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Từ đó, góp phần quan trọng vào công tác giảm nghèo nhanh, bền vững và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của huyện Đam Rông giảm xuống còn 12,06%, trong đó tỷ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số giảm xuống còn dưới 20,77%. Bộ mặt nông thôn trên địa bàn có nhiều đổi mới và khởi sắc, quốc phòng - an ninh được giữ vững. 
 
Bí thư Huyện ủy Đam Rông Nguyễn Văn Lộc  cho biết, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn nói chung và đào tạo nghề cho dân tộc thiểu số nói riêng cơ bản đã bám sát những mục tiêu của các nghị quyết, chỉ thị, đề án gắn với chương trình phát triển kinh tế - xã hội, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật  nuôi của địa phương. Thông qua đó đã xác định được những hình thức đào tạo phù hợp với người lao động trên địa bàn mà đặc biệt là lao động đồng bào dân tộc thiểu số. Thời gian tới, Huyện ủy Đam Rông sẽ tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo để các cấp ủy, chính quyền tại địa phương quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện tốt công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đặc biệt là đào tạo nghề cho lao động đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn.  
 
DUY DAN

Báo Lâm Đồng