Đảm bảo lợi ích thiết thực cho người dân từ chiếc thẻ bảo hiểm y tế
25/10/2018 02:18 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) là quyền lợi và trách nhiệm của mỗi công dân, đồng thời là trách nhiệm của Nhà nước với toàn xã hội, nhằm hướng tới công bằng trong chăm sóc sức khỏe, góp phần bảo đảm an sinh xã hội cho mọi người dân.
Gia đình bà Phan Thị Giang (thôn Bồng Lai, xã Hiệp Thạnh, Đức Trọng) cả 5 người đều tham gia BHYT, trong đó có 3 người là con trai và con gái ông bà thì tham gia BHYT tại nơi làm việc, còn lại 2 vợ chồng bà thì tham gia BHYT hộ gia đình. Vợ chồng bà đã hơn 70 tuổi, vì vậy vợ chồng bà thường xuyên mắc phải một số căn bệnh của người lớn tuổi chính vì có chiếc thẻ BHYT mà vợ chồng ông bà giảm đi rất nhiều gánh nặng chi phí thuốc men trong khi thu nhập thì rất khó khăn. Bà chia sẻ với phóng viên chúng tôi: “Chiếc thẻ BHYT đối với vợ chồng tôi rất là thiết thực, lúc khỏe thì không sao các cô chú ạ, nhưng khi ốm đau, bệnh tật phải nằm viện thì mới thấy hết được giá trị của tấm thẻ này, nó hỗ trợ rất lớn cho chúng tôi. Mà không phải vì tôi bệnh mới mua thẻ BHYT đâu nha, vợ chồng tôi mua rất lâu rồi vì nó vừa là quyền lợi thiết thân, cũng vừa là trách nhiệm của mỗi một người dân”.
Còn đối với ông Vũ Văn Nhân (thôn Lạc Thiện, thị trấn D’ran, huyện Đơn Dương) nếu không có thẻ BHYT, chắc có lẽ ông đã buông xuôi theo “số phận”, bởi số tiền phải chi trả cho điều trị bệnh ung thu trực tràng quá lớn đối với ông và gia đình. Ông Nhân cho biết, trước đó, dù sức khỏe vẫn ổn định nhưng được tuyên truyền và ý thức rõ việc tham gia BHYT sẽ rất có lợi cho bản thân khi không may ốm đau bệnh tật nên ông đều đặn tham gia BHYT đã hơn chục năm nay. Không ngờ, chiếc thẻ BHYT đã thực sự trở thành chiếc “phao cứu sinh” của ông và gia đình khi ông lâm bệnh hiểm nghèo. Đó là vào đầu năm 2017, thấy sức khoẻ giảm sút rõ rệt, người hay mệt, ăn uống không tiêu...Ông đi khám bệnh và được các bác sỹ chẩn đoán bị ung thư trực tràng giai đoạn 3 cần phải phẫu thuật và hóa trị để kéo dài sự sống. Vậy là sau khi phẫu thuật, hàng tháng ông phải đều đặn xuống Sài Gòn để vào thuốc hóa trị, và nếu không có chiếc thể BHYT thì không biết gia đình ông sẽ xoay sở ra sao.
Theo số liệu từ BHXH tỉnh, tổng số người tham gia BHXH, Bảo hiểm y tế (BHYT) tính đến hết tháng 9/2018 là 1.040.836 người (Bao gồm cả thân nhân quân đội tham gia BHYT) so với cùng kỳ năm 2017 tăng 4,58% với 45.567 người trong đó 1.039.824 người tham gia BHYT (Bao gồm cả thân nhân quân đội), chiếm 79,25% dân số của địa phương. Vẫn còn hơn 272.176 người dân chưa tham gia BHYT, cũng đồng nghĩa với việc hơn 200 nghìn người dân này không được hưởng quyền lợi khi khám, chữa bệnh BHYT tại các cơ sở khám chữa bệnh nếu chẳng may bị ốm đau, bệnh tật…Điều này đòi hỏi các cấp, các ngành, chính quyền địa phương phải quyết tâm và nỗ lực hơn nữa để vận động và triển khai giải pháp thực hiện nhằm hướng đến mục tiêu toàn dân trong tỉnh cùng tham gia BHYT. Bởi, nếu có thẻ BHYT, người bệnh chỉ phải thanh toán mức cao nhất là 20% chi khám KCB khi đi khám chữa bệnh đúng tuyến, ngoài ra đối với trường hợp khi tham gia BHYT đủ 5 năm liên tục nếu có số tiền cùng chi trả 20% chi phí KCB trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở hiện hành (>8.340.000 đồng) thì sẽ được cơ quan BHXH cấp giấy chứng nhận không thực hiện cùng chi trả trong năm; ngược lại khi không có BHYT, người bệnh phải chi trả 100% chi phí KCB với số tiền lên đến hàng chục thậm chí là hàng trăm triệu đồng, thực sự đây chính là vấn đề nan giải đối với nhiều gia đình người bệnh, nhất là vùng nông thôn.
Lợi ích của việc tham gia BHYT là rất lớn, nhất là bắt đầu từ ngày 1/6/2017 hơn 1.900 dịch vụ y tế tăng giá đối với đối tượng chưa tham gia BHYT, thì vai trò của thẻ BHYT lại càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Trung bình giá dịch vụ y tế từ ngày 1/6/2017 tăng từ 20% - 30% và một số dịch vụ tăng gấp 2 đến 4 lần, như giá giường bệnh, dịch vụ kỹ thuật, xét nghiệm… Cụ thể khi đi khám tại bệnh viện hạng đặc biệt, bệnh nhân sẽ phải đóng 39.000 đồng/lần khám, tại bệnh viện hạng 2 là 35.000 đồng, hạng 3 là 31.000 đồng; hạng 4 và trạm y tế xã là 29.000 đồng. Hay như chụp X quang động mạch vành hoặc thông tim, chụp buồng tim tăng từ 5,1 triệu đồng lên gần 5,8 triệu đồng; chụp và can thiệp tim mạch từ 6 triệu lên gần 6,7 triệu đồng; nội soi ổ bụng từ 575.000 đồng tăng lên 793.000 đồng; nội soi thực quản-dạ dày-tá tràng có sinh thiết tăng từ 220.000 đồng lên 385.000 đồng...
Các phân tích cho thấy, so với khung viện phí hiện hành, nếu tự chi trả thì người dân có mức thu nhập trung bình chắc chắn gặp sẽ khó khăn trong trường hợp mắc bệnh hiểm nghèo, bệnh mãn tính điều trị lâu dài. Cùng với đó, khi người bệnh chưa mua thẻ BHYT sẽ rất vất vả khi chạy vạy lo đủ tiền để được chữa trị khi chi phí điều trị tại bệnh viện lại tăng lên.
Hiện nay, ngành Y tế đã và đang có nhiều nỗ lực để nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho người dân, cải cách thủ tục hành chính và cung cấp những dịch vụ y tế tiến tới sự hài lòng của người bệnh. Kinh tế - xã hội ngày càng phát triển, cuộc sống ngày càng được nâng lên, điều này cũng đồng nghĩa với việc người dân khó có thể tránh khỏi nguy cơ mắc nhiều căn bệnh khác nhau. Thực tế cho thấy, hiện nay, số người mắc các bệnh hiểm nghèo như ung thư, tiểu đường, cao huyết áp... ngày càng nhiều, nhất là ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, người dân rất ít có cơ hội khám bệnh định kỳ. Vì thế, hơn lúc nào hết, người dân cần nhận thức rõ được lợi ích khi tham gia BHYT, giúp hạn chế rủi ro về tài chính cho bản thân, gia đình mình, đồng thời chia sẻ bớt khó khăn cho cộng đồng nếu một ai đó không may mắc bệnh.
PT
Tham gia BHXH - Trọn vòng an sinh
Tham Gia BHXH tự nguyện ngay hôm nay - An tâm cho ...
Quyền lợi của người dân khi tham gia BHXH tự ...
Thông báo Lịch nghỉ Tết Dương lịch năm 2025
Bảo hiểm xã hội tỉnh Lâm Đồng Thông báo: Chi trả lương hưu, ...
BHXH Lâm Đồng tập huấn công tác bảo vệ bí mật nhà nước
Khảo sát mức độ hài lòng đối với sự phục vụ hành chính công ...
Thực trạng công tác phát triển người đồng bào dân tộc thiểu ...