Tình hình triển khai công tác thu và phát triển đối tượng tại Lâm Đồng những tháng đầu năm 2019

27/03/2019 01:17 AM


Ba tháng đầu năm 2019, Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh Lâm Đồng đã chủ động, tập trung bám sát chỉ đạo của BHXH Việt Nam phối hợp chặt chẽ với các ngành và cấp ủy, chính quyền địa phương; triển khai nhiều giải pháp để hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao trong tổ chức thực hiện chế độ, chính sách BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN).

Tính đến 22/3/2019, tổng số người tham gia BHXH, BHYT là 1.033.323 người, giảm 3,91% với 42.056 người so với năm 2018, trong đó:

- Tham gia BHXH bắt buộc: 85.081 người; Tham gia BHTN: 73.613 người; Tham gia BHXH tự nguyện: 1.795 người giảm 321 người so với 2018.

- Tham gia BHYT: 1.034.705 người bằng 78,8% bao phủ BHYT, thiếu 78.390 người so với kế hoạch Bảo hiểm xã hội Việt Nam năm 2019.

Trong đó, một số đối tượng giảm mạnh như: học sinh, sinh viên (HSSV) giảm 6.063 người; Hộ nông nghiệp, lâm nghiệp có mức sống trung bình (NLMSTB) giảm 25.525 người; Hộ người nghèo giảm 7.168 người; người sinh sống ở vùng kinh tế có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn giảm 4.283 người. Nguyên nhân là do, một số xã đặc biệt khó khăn đạt nông thôn mới nên địa phương không cấp thẻ BHYT; HSSV hết hạn thẻ vào 31/12/2018 chưa tái tục; Một số địa phương chưa phê duyệt Hộ NLMSTB hoặc phê duyệt nhưng người dân chưa tham gia; Hộ nghèo và cận nghèo giảm theo chỉ tiêu và do thoát nghèo. Số người tham gia BHXH tự nguyện cũng giảm so với năm 2018, nguyên nhân giảm là do chuyển đổi phương thức đóng từ hàng tháng sang 3, 6 tháng và chưa đến hạn đóng. Một số, đối tượng giảm do đủ điều kiện nghỉ hưởng chế độ hưu trí, một số chậm đóng…

Công tác thu BHXH, BHYT, BHTN những tháng đầu năm còn gặp nhiều khó khăn. Số tiền thu BHXH, BHYT, BHTN tính đến 28/02/2019 là: 309.399 triệu đồng, đạt 13,1% kế hoạch năm 2019. Trong đó: Thu BHXH bắt buộc là170.717 triệu đồng; thu BHXH tự nguyện là 2.120 triệu đồng; thu BHTN là 10.858 triệu đồng; Thu BHYT là 125.296 triệu đồng. Một nguyên nhân quan trọng làm tiến độ thu chậm là do số nợ BHXH, BHYT, BHTN còn cao. Tổng số tiền nợ BHXH, BHYT tính đến 28/02/2019 là: 98.345 triệu đồng, bằng 4,16% kế hoạch thu 2019; trong đó: số nợ của NSNN là 11.127 triệu đồng chiếm 11,3% tổng số nợ. Bao gồm: Nợ BHXH: 75.259 triệu đồng (nợ BHXH dưới 1 tháng: 39.475 triệu đồng, nợ BHXH từ 1 tháng đến dưới 6 tháng: 12.110 triệu đồng, nợ BHXH từ 6 tháng trở lên: 23.674 triệu đồng), nợ khó thu (bao gồm: đơn vị mất tích, phá sản, giải thể, bỏ trốn, khoanh nợ…)  là 8.892 triệu đồng.

Để triển khai tốt công tác thu, phát triển đối tượng và giảm nợ BHXH, BHYT, BHTN tốt trong thời gian tới, BHXH tỉnh tập trung triển khai một số giải pháp như: Tổ chức các hội nghị tuyên truyền, vận động ở các thôn, xóm, xã, phường. Đối tượng hướng đến là những người trong độ tuổi lao động, có thu nhập ổn định. Để mời được những đối tượng này đến tham dự hội nghị, BHXH huyện và Bưu điện tỉnh phối hợp với chính quyền địa phương phát giấy mời, nhằm tạo niềm tin cho nhân dân. Sau đó, cán bộ BHXH và Bưu điện tổ chức hội nghị tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH TN với những ví dụ điển hình, so sánh mức đóng với mức hưởng... Mở rộng đại lý thu để phát huy sức mạnh của từng hệ thống (Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, ngành Y tế, Mặt trận Tổ quốc, Bưu điện, Ủy ban nhân dân (UBND) xã…); triển khai giao chỉ tiêu cụ thể cho BHXH huyện để BHXH huyện giao chỉ tiêu đến các đại lý thu đồng thời thường xuyên theo dõi, đôn đốc việc thực hiện. Đa dạng các hình thức tuyên truyền, hướng tới từng đối tượng tiềm năng.

Song song với các giải pháp phát triển đối tượng, BHXH tỉnh cũng sẽ triển khai các giải pháp xử lý nợ đọng như: Tăng cường công tác thanh tra chuyên ngành về đóng BHXH: năm 2019 kế hoạch sẽ thanh tra, kiểm tra 192 đơn vị sử dụng lao động (SDLĐ) (trong đó: thanh tra chuyên ngành 127 đơn vị SDLĐ, kiểm tra 10 đơn vị SDLĐ, liên ngành là 55 đơn vị SDLĐ). Phối hợp với cơ quan thuế cùng cấp, tổ chức kiểm tra các doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm về đóng BHXH, BHYT trên địa bàn. Phối hợp chặt chẽ với Phòng Cảnh sát kinh tế và An ninh kinh tế để tổ chức thanh tra, kiểm tra, đôn đốc giảm nợ đồgn thời hoàn thiện hồ sơ để tiến hành xử lý hình sự đối với các doanh nghiệp cố tình trốn đóng, nợ đóng BHXH kéo dài. Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động của Tổ công tác liên ngành để tiến hành đôn đốc việc chấp hành pháp luật BHXH tại các doanh nghiệp nợ BHXH, BHYT, BHTN (Quyết định số 1582/QĐ-UBND ngày 28/7/2014 của Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng về việc thành lập Tổ công tác liên ngành thực hiện pháp luật BHXH, BHYT và BHTN trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng). Năm 2018, Tổng số doanh nghiệp sau khi có sự đôn đốc, nhắc nhở của Tổ công tác liên ngành đã thực hiện đôn đốc nộp BHXH, BHYT, BHTN là 22/23 doanh nghiệp với số tiền là: 4.838.615.704 đồng, đạt tỷ lệ 74% tổng số nợ do Tổ công tác liên ngành tổ chức đôn đốc. Công bố danh sách các đơn vị nợ đọng bảo hiểm nhiều, kéo dài, thực hiện công khai lên các phương tiện thông tin đại chúng. Hàng quý gửi thông báo danh sách các doanh nghiệp nợ tiền lớn, thời gian kéo dài từ 3 tháng trở lên tới Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố để phối hợp chỉ đạo công tác thu nợ. Chỉ đạo cán bộ chuyên quản thu tăng cường đến đơn vị đối chiếu lao động, quỹ tiền lương, thực hiện quản lý nợ tiền đóng BHXH, BHYT, BHTN theo quy định tại Quyết định 595/QĐ-BHXH. Chuyên quản thu đối chiếu tại đơn vị sử dụng lao động; gắn công tác đôn đốc, đối chiếu thu với phát triển đối tượng.  Rà soát các nguồn nợ BHXH, BHYT, BHTN; tổng hợp số nợ của ngân sách địa phương hỗ trợ đóng BHYT các đối tượng HSSV, cận nghèo, các đối tượng thuộc Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện, thành phố quản lý (Bảo trợ xã hội, Cựu chiến binh, Người có công...) để phối hợp với phòng Tài chính cấp huyện cấp tạm ứng kinh phí đóng, hỗ trợ đóng BHYT cho các nhóm đối tượng được ngân sách nhà nước đóng và hỗ trợ đóng BHYT. Chủ động báo cáo Hội đồng nhân dân, UBND huyện, thành phố về kinh phí còn thiếu của phần ngân sách nhà nước đóng và hỗ trợ đóng BHYT./.

Trần Sơn.