Những ưu điểm mới trong Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014
17/04/2015 02:55 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) số 58/2014/QH13 đã được Quốc Hội nước Cộng Hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 21/11/2014 có hiệu lực từ ngày 01/01/2016. Để biết thông tin một cách đầy đủ, BHXH tỉnh Lâm Đồng xin thông báo đến các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn một số ưu điểm của Luật BHXH năm 2014 như sau:
1/ Hỏi: Những quy định về đối tượng tham gia BHXH bắt buộc tại Luật bảo hiểm xã hội năm 2014?
Trả lời: Luật BHXH (sửa đổi) đã mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc gồm: người lao động có hợp đồng lao động 01-03 tháng, người lao động là công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam có giấy phép lao động được cơ quan thẩm quyền của Việt Nam cấp được tham gia BHXH bắt buộc theo quy định của Chính phủ và người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn. Luật hóa một số nhóm đối tượng đã được thực hiện theo các quy định hiện hành: học viên quân đội, công an, cơ yếu đang theo học được hưởng sinh hoạt phí; người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã có hưởng tiền lương;..
2/ Hỏi: Luật BHXH năm 2014 có bỏ quyền lợi được hưởng chế độ thai sản, trợ cấp dưỡng sức phục hồi sức khỏe không?
Trả lời: Quy định mới không bỏ chế độ thai sản mà còn bổ sung thêm nhiều quyền lợi khi người lao động nghỉ thai sản như: Lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ, người lao động nam đang đóng BHXH có vợ sinh con… tăng mức trợ cấp dưỡng sức phục hồi sức khỏe từ 25% lên 30%.
3/ Hỏi: Luật BHXH năm 2014 so với Luật BHXH năm 2006 có quy định chế độ BHXH một lần có lợi gì hơn người lao động?
Trả lời: Quy định này nhằm khuyến khích người lao động bảo lưu thời gian đã đóng BHXH trước đó, tích lũy thời gian đóng BHXH để có thể được hưởng lương hưu hàng tháng khi có đủ điều kiện về thời gian tham gia và tuổi đời nhằm đảm bảo cuộc sống cho người lao động khi về già vừa có lương hưu, vừa có bảo hiểm y tế phòng khi ốm đau, bệnh tật…
Khi người lao động chưa hết tuổi lao động mà chấm dứt hợp đồng lao động phải nghỉ việc có thêm quyền lợi hơn, cụ thể: được hưởng trợ cấp thất nghiệp, được hỗ trợ học nghề, được giới thiệu việc làm để có việc làm mới, tiếp tục tham gia BHXH để hưởng lương hưu.
4/ Hỏi: Trường hợp người lao động không đủ thời gian đóng BHXH để được hưởng lương hưu thì bảo lưu thời gian đã đóng BHXH có lợi gì?
Trả lời: Khi người lao động chưa đủ thời gian đóng BHXH để được hưởng lương hưu, khi có việc làm mới nếu thuộc diện đóng BHXH bắt buộc thì được cộng dồn thời gian đã tham gia BHXH trước đó để được hưởng lương hưu. Trường hợp không thuộc diện đóng BHXH bắt buộc thì có thể tham gia BHXH tự nguyện và được nhà nước hỗ trợ mức đóng. Đồng thời, khi hưởng lương hưu sẽ được quỹ BHXH cấp thẻ bảo hiểm y tế.
5/ Hỏi: Khi nghỉ việc, trong thời gian bảo lưu thời gian đóng BHXH, nếu không may người lao động từ trần thì có bị mất quyền lợi BHXH một lần?
Trả lời: Trong thời gian bảo lưu thời gian đóng BHXH mà không may người lao động từ trần, thì theo quy định của Luật BHXH người lao động sẽ được hưởng mai táng phí bằng 10 lần mức lương cơ sở. Đồng thời, thân nhân của người lao động cũng được hưởng tiền tuất hàng tháng hoặc trợ cấp tuất một lần tùy thuộc vào thời gian đóng BHXH của người lao động.
Đồng thời ngày 31/3/2015, Bộ Lao động thương binh và xã hội có báo cáo số 38/BC-LĐTBXH gửi Thủ tướng Chính phủ trong đó đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội xem xét, giải quyết theo hướng linh hoạt, cho phép người lao động tự lựa chọn giữa hưởng BHXH một lần hoặc bảo lưu thời gian đóng để tiếp tục tham gia BHXH và hưởng lương hưu.
Phương Trà
Tham gia BHXH - Trọn vòng an sinh
Tham Gia BHXH tự nguyện ngay hôm nay - An tâm cho ...
Quyền lợi của người dân khi tham gia BHXH tự ...