"Rào cản" năng suất lao động khi Việt Nam gia nhập AEC

03/12/2015 09:42 AM


Việt Nam (VN) chuẩn bị gia nhập cộng đồng ASEAN (AEC) với ba trụ cột kinh tế - chính trị - văn hóa xã hội. Đây là tất yếu của quá trình hình thành một sân chơi chung trong khu vực. Lao động và việc làm liên quan trực tiếp đến trụ cột kinh tế của ASEAN.

 

Theo PGS TS. Vũ Quang Thọ, Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam: VN có gần 90 triệu dân với khoảng 60 triệu lao động, cũng là một quốc gia tầm cỡ trong 10 nước ASEAN. Xem xét một số thách thức trực tiếp đến LĐ và việc làm của VN trong cộng đồng ASEAN, có thể thấy: Sự chênh lệch về trình độ phát triển giữa các nước ASEAN ngày càng rõ. Có người nói rằng, hình như có hai ASEAN trong một ASEAN. Tức là một ASEAN phát triển, với các quốc gia như Singapore, Malaysia, Thái Lan, Indonesia và một ASEAN đang phát triển, trong đó có VN. Như vậy, khi cộng đồng kinh tế ASEAN ra đời, VN sẽ phải đối mặt với sức ép cạnh tranh về hàng hóa, dịch vụ nhập khẩu từ các nước phát triển của ASEAN, đặc biệt khi VN buộc phải dỡ bỏ các hàng rào thuế quan và phi thuế quan. Nhiều doanh nghiệp của VN, vốn quen với công nghệ và kỹ thuật lạc hậu, lao động giá rẻ, “lấy công làm lãi”, chắc chắn khó trụ vững. Thất nghiệp có thể sẽ tăng, nhất là trong các loại doanh nghiệp nhỏ và vừa. VN có thể được lợi khi hàng hóa, dịch vụ nhiều hơn, chất lượng cao hơn, nhưng lao động không có việc làm sẽ là gánh nặng.

Bên cạnh đó, mức độ sẵn sàng của nguồn nhân lực VN tham gia AEC hiện vẫn yếu. Tỉ lệ lao động qua đào tạo, có bằng cấp, chứng chỉ mới khoảng 22% và cũng chỉ dừng lại ở trình độ sơ cấp, trung cấp. Những lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, rất nhỏ bé, chỉ khoảng 5,4 triệu người, mà cũng chỉ xét trên năng lực và trình độ về lý thuyết. Chất lượng nguồn nhân lực thấp, cùng với cơ cấu không phù hợp, cũng là cản trở lớn trong nỗ lực tăng năng suất lao động. Vì vậy, dù rất không muốn, nhưng vẫn phải thừa nhận rằng, năng suất lao động của VN còn thua xa nhiều nước trong cùng khối - đây là rào cản lớn nhất của VN khi hội nhập thị trường lao động các nước ASEAN, làm tăng thêm các khó khăn để VN trở thành điểm hấp dẫn, thu hút đầu tư nước ngoài với công nghệ hiện đại, tiên tiến.

Vậy hội nhập thị trường lao động khu vực đòi hỏi VN phải rà soát các quy định pháp lý, để đảm bảo phù hợp với những chuẩn mực của quốc tế và các khu vực, cam kết thực hiện các tiêu chuẩn lao động cơ bản. Quản trị thị trường lao động VN phải được cải cách mạnh mẽ. Công đoàn (CĐ) phải được đổi mới có tính cách mạng, để sẵn sàng bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của CNLĐ, trước những làn sóng bất lợi, ào ạt từ khu vực và thế giới tất yếu sẽ tràn vào. Có thể xem đây là cuộc so gươm Sinh - Tử, để khẳng định lập trường, bản lĩnh và trình độ tổ chức của CĐVN. Hơn lúc nào hết, CĐ phải được CNLĐ tin tưởng và thực sự là chỗ dựa cho họ.

Nguồn: Viện Công nhân và Công đoàn